Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

CHÁNH BÁO VÀ Y BÁO

Ngày nay, khi xuất gia, ai cũng mong mình có được một môi trường tốt để tu học, có Thầy giỏi bạn hiền nâng đỡ. Trên con đường trở về Chơn Như, cũng không ít huynh đệ “gác kiếm” lui về với “đường xưa bụi bặm” vì bất mãn với những điều không như mình mong muốn. Ngẫm lại thật đau lòng vì ta cũng đã từng có những khoảnh khắc với suy nghĩ như vậy. Nói ra thì đáng buồn nhưng cũng phải đối diện vì tu như rứa, ta mới chỉ ở phần ngọn chứ chưa hiểu được gốc rễ, chưa đi sâu vào cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp. Mỗi người ai cũng có chánh báo và y báo. Hiểu được điều này, ta không còn khổ sở trong sự so sánh của tâm phân biệt nữa.
Vậy chánh báo và y báo là gì?
Sống tỉnh thức trong từng hơi thở để lắng nghe tiếng nói của vùng nội tâm, nhìn lại mình, theo dõi sự vận hành của tâm thức để thấy được chánh báo, y báo vì sao lại có sự khác biệt giữa ta và người?
Trước hết, ta cần hiểu rằng, chánh báo là quả báo gốc, là quả báo của nghiệp nhân đã tạo. Tất cả mọi nghiệp quả mà ta thọ nhận ngày hôm nay cũng đều là do ta “tự làm, tự hưởng”, không ai ban ơn giáng họa cho ta cả. Nếu tâm không nghĩ ác thì thân thân đâu làm ác, khẩu đâu nói ác. Một khi thân - khẩu - ý đã bất tịnh, chắc chắn đau khổ là chuyện không thể tránh khỏi. Đau khổ không riêng gì ta mà còn cho cả người nữa. Khi sự tỉnh thức và chuyển hóa chưa có thì từ trường khổ đau đó càng ngày càng rộng. Ta than trách cảnh không như ý mình, người không hiểu mình và tại sao đi đâu ta cũng thấy bất an, mệt mỏi. Thế thì, thời gian ta sống với những mớ bòng bong của câu hỏi chất vấn người này người kia, tại sao ta không tự hỏi lại chính mình ta đã làm được gì cho người hay chưa? Ta từng có những ý niệm tốt lành khi nghĩ về tha nhân hay chưa? Đừng trách tại sao mọi người xa lánh mình mà hãy nghĩ tại sao mình lại tách khỏi cộng đồng? Cảnh và người quanh ta không phải từ trên trời rơi xuống, không phải do Phật và Bồ tát vẽ nên mà nó phát xuất từ tâm mình cả thôi. Đơn giản! Trên con đường dấn thân vì sự nghiệp hoằng pháp, nếu ta luôn mang một trái tim nhiệt huyết, tinh thần phụng sự không mệt mỏi thì dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, có gặp nhiều trở ngại đến đâu, ta cũng luôn vượt qua được. Cũng đừng nghĩ rằng ta có thể một mình làm được tất cả mà thật ra khi ta mang thiện tâm, ta sẽ luôn được sự gia hộ của Long thần Hộ pháp. Ngẫm sâu sẽ thấy nên đừng ỷ y vào sức mình. Cũng vậy, nếu ta mang tâm bất thiện thì làm việc gì cũng thất bại, đó là chưa kể có những cái đang tốt cũng thành xấu khi ta “nhúng” ta vào. Cái quả đó do ta tự tạo, không ai “phụ” thêm với ta cả. Cho nên, chánh báo như thế nào cũng là từ do tâm mình tốt hay xấu, còn y báo chỉ là nương nơi chánh báo. Nếu nói một cách ngắn gọn hơn thì tâm tĩnh, vạn vật đều tĩnh, tâm bất an, mọi thứ cũng đều bất an.
Ta hãy xét hai trường hợp sau đây:
Thật ra vấn đề xây dựng chùa cũng có đôi điều đáng suy nghĩ. Thứ nhất, tu học, ta không cần chùa to Phật lớn bởi cái ta cần là năng lượng của sự bình an, là kết quả của sự chuyển hóa nên dù là chùa đất Phật vàng mà cuộc sống ta vẫn trôi qua mỗi ngày thật an lạc. Hơn nữa, dù ta chỉ có ý niệm xây một ngôi chùa nhỏ để hướng dẫn Phật tử tu tập nhưng tự khắc sẽ có nhiều mạnh thường quân từ khắp nơi về ủng hộ. Vì họ đã bắt được tần số làn sóng thiện tâm của mình.
Trường hợp thứ hai, nếu ta nghĩ rằng xây một ngôi chùa lớn để làm cảnh trang trí thêm cho vùng đất này trở nên linh thiêng hơn, thu hút khách du lịch nhiều hơn thì sẽ không bao giờ thành công được. Mà cho dù công trình đó có hoàn thành đi chăng nữa, ta cũng chỉ sống với mớ sắt thép, gạch đá đó thôi. Tâm lại bất an vì “hoàn cảnh” không có người ủng hộ. Tại sao? Linh khí của đạo Phật không có, làm sao thu hút được thiện nam tín nữ trở về?
Như vậy đã rõ! Người có trí tuệ, đức hạnh có thể thay đổi được thời thế, môi trường cũng từ xấu thành tốt. Còn người không có tài – đức thì không còn gì để bàn, đó là chưa kể có tài mà không có đức, sức phá hoại và mức độ nguy hiểm còn kinh khủng đến chừng nào! Ta không mang thiện tâm đến cuộc đời, đừng mong đời sẽ tốt với ta, đừng mong người sẽ hiểu ta? Bởi lẽ y báo nương nơi chánh báo. Ta hay than trách chùa này dễ tu, chùa kia khó tu, đại chúng ở đây dễ thương, đại chúng chỗ kia khó thương. Đó là lối suy nghĩ ấu trĩ. Hãy nhìn lại tâm mình đang nghĩ gì? Chớ quên rằng “Tâm thị ác nguyên. Hình vi tội tẩu”. Hiểu được tận gốc rễ để biết được chánh báo là gì rồi mới đi tới ngọn ngành của y báo. Còn nếu chỉ biết nhìn y báo mà trách, không hiểu về chánh báo của mình, sớm muộn gì cũng bị rớt xuống từ ngọn.
 

Trở lại với vấn đề, xin được nhấn mạnh rằng tâm có thể chuyển được chánh báo và y báo. Vì theo luật nhân – quả, ta gieo nhân xấu, ta gặt quả xấu. Điều đó đương nhiên, định luật nghìn năm không thay đổi được. Nhưng, sẽ có một hướng mở cho ta, trong cái quả xấu ấy, nếu tâm ta biết tỉnh thức nhận rõ vấn đề, tư duy và hành đúng Chánh pháp thì nghiệp sẽ nhẹ hơn tức là thay đổi được chánh báo. Một khi chánh báo thay đổi, tự khắc y báo cũng sẽ thay đổi. Không đâu xa! Hình ảnh bà Thanh Đề trong kinh Vu Lan đã chứng minh được điều này. Có bao giờ ta tự hỏi Ngài Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất như vậy mà tại sao khi dâng bát cơm cho mẹ Ngài thì…
“Cơm vừa đưa đến miệng đà
Hóa thành than lửa, nuốt mà đặng đâu?”
Rõ ràng, nếu không mang tâm tham lam, bỏn sẻn, bà đã có cơm ăn rồi. Quả báo bà đang mang chính là do nhân ác đã tạo để rồi y báo là bà phải bị đọa vào nơi quỷ đói. Nhưng rồi nhờ sức chú nguyện của chư Tăng, bà biết phát tâm sám hối, tỉnh thức nhận ra những ác niệm trong mình nên đã thay đổi được y báo là thoát khỏi địa ngục. Điều này không phải là phản luật nhân – quả mà muốn nhấn mạnh thêm rằng chánh báo và y báo có thể được thay đổi tùy theo tâm của mình.
Chúng ta ngày nay được làm thân người, lục căn đầy đủ, gần gũi Phật Pháp và chư Tăng, hãy nên vun bồi thêm cho chánh báo được tốt đẹp hơn nữa, lúc ấy, y báo cũng sẽ nương vào đó mà phát triển. Vậy vun bồi chánh báo là sao? Chính là xoay lại nhìn vào tâm mình, diệt mọi vọng niệm, tâm thanh tịnh không nhiễm ô, không phan duyên trần cảnh, chắc chắn, chánh báo sẽ tốt đẹp, y báo cũng thế! Hai “báo” này tỷ lệ thuận với nhau. Chánh báo là thân tâm ta, y báo là cảnh. Nếu không chăm sóc tâm cho tốt, không tinh tấn tu học thì chánh báo cũng xấu, y báo cũng xấu theo.
Nói tóm lại, chánh báo và y báo nếu định nghĩa bằng ngôn từ, đôi dòng có thể xong nhưng học Phật là chuyển hóa chứ không phải để trao đổi kiến thức. Phải tỉnh để xây dựng ngôi chùa tâm linh thật vững chãi, đó chính là biết phát triển chánh báo. Ngược lại, nếu chỉ lo y báo là xây chùa đẹp, Phật lớn để thu hút thiên hạ, bá tánh thập phương, ngôi chùa sắt thép đó trước sau gì cũng đổ sập đè mình mà thôi. Chánh báo là gốc, y báo là ngọn. Ngọn phải nương vào gốc để phát triển. Người tu là phải tu từ gốc. Người tu có trí – đức, không lo gì thiếu chùa. Chùa tâm linh phát triển, chùa gạch đá cũng theo đó mà tồn tại.
Vâng! Chánh báo và y báo là vậy! Không tu từ ngọn mà tu từ gốc! Không nên nương y báo mà phiền não, hãy đặt câu hỏi phiền não từ đâu mà có?
Thật đúng là… Tâm bình thế giới bình!

Nguyên Giác Hạnh