Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Người tu sĩ trẻ - việc làm “ngon” nhất sau khi tốt nghiệp là dấn thân và hoằng pháp



Hương thơm của các loài hoa chỉ bay theo chiều gió
Hương thơm người đức hạnh tỏa ngát muôn phương
Hương thơm của các bậc chân nhân tỏa khắp mọi chân trời.
(Kinh Pháp Cú)
05/09/2011, ngày không thể quên được của quý Thầy Cô là Tăng Ni sinh khóa VII. Vì đây là thời khắc đánh dấu sự thành tựu sau một chặng đường kéo dài bốn năm miệt mài bên đèn sách. Hòa trong niềm vui ấy của Tăng Ni sinh khóa VII và lòng hân hoan đón chào một năm học mới của Tăng Ni sinh khóa VIII – IX Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, Hoa Linh Thoại đã rất may mắn có được một buổi chia sẻ thật ấm tình đạo vị với quý Thầy, Cô. Đó là những hoài bão, những nguyện vọng, những ước mơ thật đẹp của người xuất sĩ khi tốt nghiệp không phải là để tích tụ kiến thức mà là để mở đầu cho một cuộc hành trình dấn thân nhiều hơn nữa trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Bốn năm học cũng là một quá trình thực tập, để ngày hôm nay và mãi mãi đến mai sau sẽ luôn có những bước chân luôn vững chãi và thảnh thơi của hơn 800 vị tân cử nhân Phật học ngày hôm nay.

1. Kính bạch Thầy và Sư cô, để thành tựu trên con đường hoằng hóa lợi sanh thì điều không thể thiếu đối với một vị sứ giả Như Lai tức hành giả hoằng pháp đó là gì?
Đại đức tân cử nhân Thích Pháp Như: Điều đầu tiên phải có kiến thức Phật học. Thật sự, trong 4 năm qua, Học viện đã đào tạo rất nhiều môn, bản thân Thầy cũng được bồi dưỡng kiến thức từ sơ cấp, trung cấp cho đến đại học, tất cả được 10 năm, bây giờ đã hoàn tất chương trình học viện. Bên cạnh đó, người tu sĩ không những chỉ có kiến thức Phật học không, mà còn phải có kiến thức của thế học nữa. Hiện tại, cũng có nhiều Tăng Ni sinh với trình độ thế học rất cao, họ biết vận dụng kết hợp cả kiến thức thế học và Phật học để phục vụ cho con đường hoằng pháp, đi vào xã hội, gần gũi người dân và chia sẻ nỗi khổ niềm đau với mọi người.
Sư cô tân cử nhân TN. Liên Trang:  Để thành tựu trên con đường hoằng pháp lợi sanh thì điều không thể thiếu đối với một người tu sĩ là Bi, Trí và Dũng. Khi chúng ta hoằng pháp thì chúng ta phải xuất phát từ  lòng từ bi, thương yêu mọi người, bên cạnh đó cũng phải có trí tuệ thì việc giáo hóa đó mới vẹn toàn, đúng chánh pháp. Trên con đường hoằng pháp lợi sanh, cũng có những điều rất trắc trở, trở ngại, nên chúng ta cần phải có cái dũng để vượt qua khó khăn đó.

2. Người sinh viên đại học ngoài đời sau khi tốt nghiệp sẽ cố gắng kiếm một chỗ làm thật “ngon”. Như vậy, chỗ làm thật “ngon” đối với những vị Tăng Ni sinh trẻ sau khi tốt nghiệp cử nhân Phật học sẽ là gì ạ?
Đại đức tân cử nhân Thích Pháp Như: Với xã hội bên ngoài, vì nhu cầu miếng cơm manh áo có thể cố gằng tìm một chỗ làm đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Còn với người Tăng sĩ, chủ yếu là áp dụng kiến thức Phật học đó vào công phu tu hành của mình, thứ hai là phục vụ cho các công tác Phật sự của Giáo hội. Trên bước đường hoằng pháp, cũng phải vận dụng cả kiến thức thế học và Phật học. Hiện nay, trình độ dân trí được nâng cao, nhu cầu cầu học của mọi người cũng nhiều, do vậy, người tu sĩ cần phải có một sự trang bị kiến thức vững chắc và phải biết dấn thân đến vùng sâu vùng xa. Nói chung, dù cho làm bất cứ một công việc nào cũng phải phù hợp với năng lực của mình, phải có lòng nhiệt huyết, tâm huyết thì mới được. Áp dụng tất cả những gì mình học được để có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh. Để được như vậy, không những chỉ có kiến thức mà phải có tâm. Sự cống hiến của người xuất sĩ phải đem lại lợi lạc cho quần sanh, làm tốt công tác Phật sự của giáo hội. Nói tóm lại, nếu ở ngoài thế gian, chỗ làm ngon là vào một công ty lớn, lương cao, còn với người tu sĩ, chỗ làm ngon chính là sự dấn thân và đem lại lợi lạc cho quần sanh.
Sư cô tân cử nhân TN. Liên Trang: Người tu sĩ Phật giáo luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Ngoài đời vì phải còn phải vướng mắc vào tiền bạc và địa vị nên chỗ làm ngon là chỗ phải đáp ứng được hai yếu tố này, còn người tu sĩ chủ yếu là lấy trí tuệ nên sau khi học ra trường, chúng ta phải áp dụng giáo lý đó để thực hành có được trí tuệ, giải thoát và hướng dẫn mọi người hiểu được con đường giải thoát đó.

3. Hôm nay là một ngày rất vui, Thầy Cô có cảm nhận như thế nào trong ngày lễ quan trọng này của người sinh viên?
Đại đức tân cử nhân Thích Pháp Như: Bốn năm qua, dưới mái trường của học viện, với biết bao buồn vui, trăn trở hay những lúc thức khuya làm bài. Nhưng hôm nay, khi nhận được tấm bằng này cũng là thành quả cho một chặng đường với 4 năm mình đã đi qua. Nhìn lại quãng đường ấy, cũng tự đặt câu hỏi vì sao mình đã vượt qua những bài tiểu luận thật sự rất khó, do vậy, nếu không có sự tận tình của các vị giáo thọ sư thì cũng sẽ không có thành công như ngày hôm nay. Một tâm trạng thật sự rất hạnh phúc, rất vui mà không biết phải nói làm sao bây giờ. Trong cuộc đời của người tu sĩ, một lần được trở thành Tăng sinh, Ni sinh của Học viện dù là ở TpHCM hay Hà Nội, Cần Thơ, Huế cũng đã là một niềm hạnh phúc rất lớn rồi.
Sư cô tân cử nhân TN. Liên Trang: Đối với Cô, hôm nay là một ngày thật sự rất vui và hạnh phúc vì mình đã thành tựu được một chặng đường về vấn đề Pháp học. Cũng như các vị Tôn túc đã dạy chúng ta rằng được vui nhưng không nên tự mãn, chúng ta cần phải tiếp tục học và học mãi, không dừng lại. Bên cạnh đó, chúng ta phải ứng dụng và thực hành những giáo lý đó.

4. Sự nghiệp giáo dục của Phật giáo là Trí tuệ với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”, như vậy để phục vụ cho con đường hoằng pháp và giáo dục, Thầy (Cô) đã có những định hướng gì sau khi tốt nghiệp chưa ạ?
Đại đức tân cử nhân Thích Pháp Như: Định hướng sau khi tốt nghiệp là trước tiên Pháp Như phải hoàn thành xong chương trình đại học ở trường Tôn Đức Thắng, sau đó có thể học thêm văn bằng hai của Học viện. Vì mình thấy khả năng mình vẫn còn học được, tuổi vẫn còn trẻ nên mình còn phải học nhiều nữa. Học để hiểu nhưng cũng phải tinh tấn hành trì thì mới vững bước trên con đường dấn thân. Bên cạnh đó, Học viện cũng đang mở thêm các khoa mới như Hoằng pháp, Anh văn Phật pháp, Hoa văn Phật pháp hoặc các chương trình đào tạo sau đại học. Không cần biết học để làm gì nhưng điều trước tiên, mình biết chắc một điều là mình có thêm kiến thức tu học, phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Sự nhiệt huyết của người hoằng pháp cộng thêm kiến thức vững chắc sẽ là chiếc áo giáp giúp ta không mệt mỏi trên con đường dấn thân.
Sư cô tân cử nhân TN. Liên Trang: Cô nghĩ rằng bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể hoằng pháp được, dù là ở chùa của mình, hay một đạo tràng nào đó, hoặc là khi chúng ta du học, bất cứ ở phương diện nào chúng ta cũng có thể hoằng pháp. Và đó cũng chính là định hướng của Cô sau khi tốt nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn quý Thầy Cô đã hoan hỷ dành chút thời gian quý báu trong ngày vui này để cùng chia sẻ với chúng con. Thành kính chúc ĐĐ. Thích Pháp Như, Sư cô TN. Liên Trang và tất cả quý Thầy Cô là Tăng Ni sinh khóa VII pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Và giờ đây, kiến thức Phật học đang được nhận thức một cách đúng đắn và hành trì đúng pháp, đó chính là một đạo Phật đúng nghĩa với phương châm “duy tuệ thị nghiệp” giúp muôn người, muôn loài chuyển mê khai ngộ, lìa khổ được vui, phá mê loạn để tìm gặp chân lý.
“Đạo Pháp vĩnh cửu xương minh
Chánh Pháp trường lưu bất diệt”
Ánh Vy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét