Cô hoan hỷ chia sẻ nhân duyên nào đã đưa Cô đến với đạo Phật?
- NSƯT Bạch Tuyết: Đọc sách là một sở thích từ nhỏ của tôi và dần dần hình thành thói quen. Và sách Phật, chủ yếu là Kinh và Luận đã theo tôi từ những ngày chập chững vào nghề hát. Có sách mình thích đọc tới đọc lui, có cuốn mình vừa đọc vừa tò mò, ngạc nhiên, có tác phẩm đọc hoài vẫn không… chịu hiểu! Nhưng những thắc mắc, ưu tư, kể cả sự… nổi loạn sau cái chết của mẹ, đến khi “lần giở trước đèn” những cuốn sách gối đầu giường của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ thì tôi đã được giải đáp, giải tỏa. Tôi khẳng định: tôi đã giữ được thăng bằng (balance) cho mình trên nền tảng của triết học Phật giáo Việt Nam.
Được biết, Cô là một hành giả của pháp môn Thiền, vậy hoa trái mà Cô gặt hái được trong quá trình thực tập đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ạ?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, Phật giáo là một triết học nhân sinh thì Thiền học, với tư cách là một nguồn văn hóa – triết học - lại đưa tôi đến một hệ thống kỹ thuật giúp tôi điều thân và tâm một cách cân bằng và thăng bằng. Thiền mang lại cho tôi điều gì trong cuộc sống đời thường và nghệ thuật? Nếu liệt kê thì e không đủ giấy mà kỳ thực, tôi cũng không thể kể tên được, chỉ biết Thiền mang đến cuộc sống của tôi, nghệ thuật của tôi một năng lượng sống dồi dào, một năng lực sáng tạo vô biên; và nếu có thể gọi tên, tôi gọi đó là sự biết ơn những gì tôi đã và đang có.
Như vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa trước và sau khi Cô trở thành một người nghệ sĩ Phật tử là gì ạ? Cô đã mang một làn gió mát của đạo Phật vào loại hình nghệ thuật truyền thống như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Có lẽ câu trả lời trước đã giải đáp câu hỏi này, vả lại tôi cũng ít có thói quen để nhìn ngắm, vuốt ve trở lại, để “phân biệt” giữa nghệ sĩ và Phật tử… Một ước vọng chuyển tải những giá trị triết học – văn hóa của Phật giáo đến với những khán giả cải lương và dùng sự giàu có của âm nhạc dân tộc, trong đó có âm nhạc ngũ cung để chuyển tải, vậy là tôi bắt tay thực hiện. Tôi nghĩ mình cũng chỉ dò dẫm trên con đường mà trước mình, cùng mình, sau mình bao nhiêu người vẫn đang làm đó thôi.
Trong số tất cả các tác phẩm nghệ thuật cải lương Phật giáo, Cô tâm đắc nhất là tác phẩm nào? Vì sao?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự tâm đắc đã đến và sẽ đến với bạn trong quá trình bạn sáng tạo, bạn thực hiện. Còn khi đã hoàn thành thì thuộc về quyền của người xem. Với tôi, mỗi công trình là một tấm lòng, nhiệt huyết và trách nhiệm của tôi để trả ơn Phật giáo, Tổ nghiệp, quý Thầy, người thân và công chúng. Tôi hạnh phúc trong sự biết ơn, được đền đáp công ơn của Thầy – Tổ và những người xung quanh mình.
Đối với người nghệ sĩ, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh trong cuộc sống thường ngày đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, Cô đã thực hiện như thế nào để mình không bị vướng mắc vào những chữ danh vọng bởi sự nổi tiếng ở thế gian?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền tài… không có tội, chỉ con người – với những thiên hướng, mục đích, thái độ sống đã khiến những danh từ trên trở thành như một “cạm bẫy” ghê gớm. Tôi yêu cải lương, tôi mang ơn bộ môn nghệ thuật này đã cho tôi được ca hát, được sáng tạo, được sự yêu mến của mọi người (kể cả sự chê bai, thị phi). Mục đích và con đường tôi đi cũng như tôi đến với cải lương là như thế. Do vậy, với tôi, sự nổi tiếng hay danh vọng đỉnh cao nhất, lộng lẫy nhất chính là khi tôi được sáng tạo, được thăng hoa trong những đường ca nét diễn của mình; rời nhân vật tôi cũng như bao công dân khác, bao con – người – có – thật khác!
Trong cuộc sống thường ngày sau bức màn sân khấu, chắc hẳn cũng đã có đôi lúc Cô cảm thấy buồn hay phiền não về một điều gì đó. Vậy Cô đã chuyển hóa những hạt giống khổ đau, phiền muộn trong lòng mình bằng cách nào?
NSƯT Bạch Tuyết: Vấn đề là tôi đối diện, trực diện với từng cung bậc và đi qua. Phật giáo đưa ta đến gần hơn sự chân thật, sự trung thực, sự tỉnh táo, do đó, trước sự bất công, tàn bạo, chúng ta căm phẫn và có cách xử lý. Đã là hạt giống thì có hạt giống tốt, có hạt giống ít tốt và chưa tốt, vấn đề là nguồn nước, nguồn đất, khí hậu, thổ nhưỡng, công sức người chăm bón… để hạt giống ấy nảy mầm và phát triển theo hướng có ích.
Với Cô, Phật giáo là một tôn giáo hay một nghệ thuật sống?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh…
Có thể nói, Đạo Phật là đạo ứng dụng, có trí tuệ và giáo lý Phật Đà là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại, như vậy, trong cái được gọi là bao la của kho tàng ấy, Cô tâm đắc điều gì nhất và Cô đã ứng dụng chúng vào cuộc sống của mình như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Nếu nhìn ở con mắt triết học thì nhiều tôn giáo – triết học cũng là kết quả của một quá trình tư duy, trải nghiệm và ứng dụng cho con người. Với Phật giáo, tôi nghĩ triết học này vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh; do vậy, trước khi đáp ứng tính ứng dụng, bản thân triết học Phật giáo đã hội đủ tính cơ bản (với tư cách của một ngành khoa học). Đôi khi, soi mình qua chiếc gương của Phật giáo, tôi tự nghiệm trong bản thân vừa có sự tỉnh táo, quyết liệt và… chẳng lấy gì làm quan trọng mọi sự việc, sự vật lại vừa thênh thang trong thế giới nghệ thuật không đường biên. Bạn ạ, qua chiếc gương ấy, tôi nhìn cuộc sống và chính mình công bằng hơn mà cũng biện chứng hơn ! Mà tận cùng thì cũng chẳng rõ đâu là hình, là thực, là có và đâu là bóng, là ảo, là vô cùng…
Xin chân thành cảm ơn Cô đã hoan hỷ dành thời gian chia sẻ cùng quý độc giả ĐPNN, kính chúc Cô cùng gia đình luôn sức khỏe và an lạc. Sự nghiệp hoằng Pháp của Cô thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đã đem lại lợi lạc rất lớn cho tất cả mọi người. Một lần nữa, kính chúc Cô luôn thuận duyên trên bước đường hoằng Pháp của mình. A Di Đà Phật.
Ánh Vy thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét