Chú có thể chia sẻ nhân duyên nào
chú trở thành một Phật tử? Pháp danh của chú?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Thật ra, nếu nói
nhân duyên thì đúng là nhiều đời, nhiều kiếp. Còn trong hiện tại, tôi biết đến
đạo Phật là nhờ mẹ của tôi. Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường đi chùa cùng mẹ vào mỗi
đêm. Lúc đầu, tôi chỉ biết đi chùa để cầu nguyện nhưng sau đó tôi bắt đầu tìm
hiểu và nghiên cứu giáo lý của đạo Phật bằng cách nghe giảng và tự đọc sách.
Sau một thời gian đi chùa, tôi bắt đầu quy y năm 11 tuổi với pháp danh là Minh
Huệ.
Với công việc kinh doanh rất bận
rộn, chú đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình hàng ngày như thế nào?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Hiện giờ thì tôi
đã về hưu rồi nhưng nếu nói khi còn là một doanh nhân thì thật ra tôi cũng
không bận rộn lắm đâu. Vì bất cứ lúc nào tôi cũng luôn dành thời gian cho gia
đình và thời gian đọc sách Phật học. Nói chung dù bận gấp mấy thì cũng phải
dành thời gian cho chính mình.
Chú có thực tập Thiền không? Nếu
có, hoa trái của sự thực tập Thiền đã giúp cho doanh nhân kết quả gì trong hoạt
động kinh doanh?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Trước đây, tôi có
thực tập Thiền theo Hòa thượng Thích Thanh Từ rồi sau đó là Thiền sư Thích Nhất
Hạnh. Thiền giúp cho tâm chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, refresh lại đời sống
của mình. Nếu nói cho đúng, khi thiền quán, ta sẽ định tâm lại, theo dõi hơi
thở, thực hành những điều này đem lại lợi lạc rất lớn, giúp ta cảm thấy khinh
an hơn, vui hơn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng có thể thiền được hết.
Thiền không phải chỉ có ngồi thiền mà đi, đứng, nằm, ngồi cũng có thể thiền. Vì
lúc đó ta có sự tư duy, sống trong sự tỉnh thức, làm chủ được thân, khẩu, ý của
bản thân. Tư duy mới thấy được Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, mới thấy được con
đường giải thoát. Đó mới chính là cốt lõi của Thiền.
Người doanh nhân
biết thực tập thiền sẽ đem lại kết quả rất lớn. Một khi đã làm trong kinh doanh
thì không thể nào thua dù biết rằng thương trường là chiến trường. Tuy nhiên,
đã lao vào thì phải có điểm dừng. Vì danh vọng và tiền tài, nhiều người đã phải
cạnh tranh nhau đến mức độ một mất một còn. Mà điều đó xuất phát là cũng từ
lòng tham. Ta hợp tác là phải hướng đến sự bền vững, gắn bó lâu dài, để làm sao
cả đôi bên cùng có lợi thì đó là sự cạnh tranh lành mạnh. Hơn nữa, người doanh
nhân cũng cần nên biết đủ tức tri túc, phải có điểm dừng thì mới có thể thành
công được.
Trong kho tàng giáo lý Phật Đà,
chú tâm đắc nhất điều gì?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Tinh thần giáo lý
Đức Phật, tôi đều tâm đắc hết tất cả những lời Phật dạy, đặc biệt là nguyên lý
Duyên khởi rất thâm sâu, trong khi các tôn giáo khác chưa nói được rốt ráo về
điều này. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa đạo Phật với các
tôn giáo khác. Sâu sắc nhất là nguyên lý này.
Chú đã áp dụng triết lý Phật giáo
vào văn hóa kinh doanh như thế nào?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Bất cứ lúc nào
chúng ta cũng phải nghĩ đến sự vô thường và vô ngã. Nếu không nghĩ đến hai điều
này thì cái tham và dục vọng trong ta rất lớn. Cho nên cần phải biết dừng lại, phải
có điểm dừng. Trong kinh doanh cũng vậy, cũng cần phải thấu triệt nhân quả. Nếu
ngược lại sẽ đem lại kết quả xấu cho người làm kinh doanh. Nếu danh vọng càng
cao thì nên biết rằng ta đang bắt đầu thua rồi đấy. Sống cần phải có sự cảnh
giác và nên biết đến sự tri túc.
Theo chú, đời sống tâm linh đóng
một vai trò như thế nào đối với một doanh nhân trăm công ngàn việc và suốt ngày
chỉ đối diện với những con số?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Tôi cũng khẳng
định rằng tôi không hề trăm công ngàn việc đâu. Nếu thấy điều kiện bắt phải làm
nhiều quá là tôi … buông! Một doanh nhân không nên quá lu bu để rồi quên mất đi
chính mình, vì khi đó ta sẽ thiếu trí tuệ, không còn sáng suốt nữa. Nói tóm
lại, làm kinh doanh nên dành một khoảng thời gian cho mình để trở về với chính
mình, đừng để mọi thứ lôi cuốn. Đó chính là đời sống tâm linh của một doanh
nhân đấy! Bên cạnh đó, người làm kinh doanh luôn luôn phải nghĩ đến Nhân - Quả,
đến Bát chánh đạo thì mới được. Đời sống tâm linh không thể thiếu với người
doanh nhân.
Đã là một doanh nhân chắc chắn
phải có sự cạnh tranh, làm giàu, còn trong giáo lý Phật Đà thì không có mặt của
sự cạnh tranh. Vậy theo chú, hai điều này có mâu thuẫn gì với nhau không ạ?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Nếu hiểu cạnh
tranh theo chiều hướng tốt hơn thì được. Còn cạnh tranh mà đạp người khác để
mình đi lên thì không nên. Tùy theo khái niệm mà mình định nghĩa cạnh tranh là
như thế nào? Nếu cạnh tranh để tốt hơn thì Phật không cấm. Phật cũng không cấm
người Phật tử tại gia làm giàu, quan trọng là mình phải có góc tâm linh trong
đời sống, trở về với chính mình, kiểm soát (control) lại mình.
Thương trường là chiến trường,
vậy một doanh nhân thành đạt phải “tĩnh trong động” như thế nào để cân bằng
giữa hai chữ Tiền và Tâm?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Đồng tiền vốn
không có tội lỗi, chủ yếu là do tâm mình mà ra. Nếu tiền ta kiếm được bằng sự
sáng tạo, bằng công sức, bằng sự hiểu quy luật Nhân – Quả thì tốt, đó là đồng
tiền thanh tịnh. Giữa tiền và tâm không có sự nghịch lý, cái chính là đồng tiền
đó có được là do tâm mình có vọng động hay không thôi.
Trong các chương trình từ thiện
cũng như hỗ trợ công tác Phật sự, chú đã dành một nguồn kinh phí của mình để hỗ
trợ cho Tăng Ni sinh. Vậy chú có một nhận định như thế nào trong hoạt động này?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Tôi rất quan tâm
đến lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong các hoạt động từ thiện của mình, tôi cũng
chú trọng đến hai mảng này. Việc ủng hộ cho quý Thầy Cô trẻ hiện là Tăng Ni
sinh tại trường Phật học, tôi cũng chỉ mới thực hiện trong năm nay thôi. Thượng
tọa Thích Nhật Từ là vị rất thường hay kêu gọi ủng hộ cho Tăng Ni, và tôi thấy
việc kêu gọi này hoàn toàn đúng. Tăng Ni trẻ là rường cột để có thể dấn thân
đến các vùng sâu vùng xa, do đó, trên con đường hoằng Pháp, nếu vị nào có những
phương án phát triển về lĩnh vực giáo dục và y tế thì cứ liên lạc, tôi sẽ
nghiên cứu và hỗ trợ. Tuổi trẻ luôn cần có sự nhiệt huyết và dấn thân.
Chú có lời nhắn gì đến quý Thầy
Cô hiện là Tăng Ni sinh tại các trường Phật học không ạ?
- Cư sĩ Lâm Hoàng Lộc: Vào năm 2012, đối
với các hoạt động từ thiện, tôi sẽ dành ra 1 tỷ cho hoạt động này bao gồm cả những
trường hợp hỗ trợ cho Tăng Ni sinh, ngân sách dành riêng cho chư Tăng Ni tôi
vẫn giữ nguyên. Tôi chỉ mong một điều rằng quý Thầy Cô trẻ hãy cứ cố gắng học,
học để giác ngộ, giải thoát và đồng thời đến các vùng sâu vùng xa hướng dẫn bà
con nơi ấy tu tập và vươn lên. Đó là cách hoằng Pháp tôi rất quan tâm và sẽ hỗ
trợ cho những vị ấy.
Đạo
Phật được ứng dụng không phải chỉ trong nếp sống hàng ngày mà còn cả trong lĩnh
vực hoạt động kinh doanh. Một thương hiệu phát triển bền vững phải luôn có mặt
của chữ Tâm, sự thành công của doanh nghiệp cũng một phần nói lên sự phát triển
của đất nước. Xin chân thành cảm ơn chú đã hoan hỷ dành thời gian chia sẻ cùng
quý độc giả ĐPNN. Kính chúc chú cùng gia đình luôn sức khỏe và an lạc. A Di Đà
Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét