Có khi đạt được mục đích cũng có nghĩa là
không còn mục đích nên cảm thấy bơ vơ. Đó phải chăng do chính ý nghĩa mục đích
làm con người bơ vơ khi đã đạt được nó?
Mục đích là một khái niệm được hiện hữu và
được chính bản thân người nào đó sử dụng sự hiện hữu đó. Vì thực ra không có mục
đích nào là thực hữu. Tùy theo quan niệm, cách nhìn… mà hiện hữu mục đích một
cách khác nhau. Vậy mục đích như thế nào mới được xem là chính đáng?
Mục đích có khi chỉ giống như một giấc mơ.
Nó hiện hữu trong tâm trí bằng những ý niệm về những hành động cụ thể nào đó. Bằng
mọi cách từ trong sâu thẳm của ý niệm, mục đích khiến con người ta biết làm gì
và làm như thế nào để đạt được đỉnh cao của chính nó. Lắm lúc, mục đích khiến
ta quên đi cái Ngã đau đớn của tự thân, cũng có nghĩa là không còn nhớ đến cái
tổn thương trầm trọng của tha nhân. Và ở đây, mục đích này đồng nghĩa với cái
Ta ích kỷ, cái Ta không đáng được tôn trọng!
Đối với những trường hợp khác nhau, “Mục
đích” được xem như tấm phao nhỏ để bám víu, để phấn đấu vươn lên bằng nỗ lực của
chính mình. Mục đích được ví như chất keo để kết dính một chiếc lá vàng khô lên
bức tường trắng trống rỗng tạo nên giá trị sự hiện hữu của cả hai, chúng toát
lên vẻ đẹp tự nhiên hiếm có. Trong cuộc sống của đời thường, con người sống
không có mục đích thường được ví như con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển cả mênh
mông không bến bờ, không phương hướng, cứ để cho sóng nước dập dìu trôi dạt
muôn phương và hậu quả cuối cùng chính là để tan biến giữa đại dương một cách
vô nghĩa. Vậy nên, con người cần xây dựng cho mình mục đích, ít nhất là để có
gì đó để làm, có ý nghĩa để sống và yêu thương…
Thật ra không ai tồn tại mà không bận tâm
về một khái niệm giá trị gì đó cho riêng mình. Đức Phật đã dạy rằng tùy theo
nghiệp cảm của mỗi người riêng biệt khác nhau mà tâm thức của mỗi người cũng
chiêu cảm từng cảnh giới riêng không ai giống ai được... Cũng vậy, người nào đã
gieo trồng hạt giống thiện thì tự trong ý thức ấy bùng ra ý niệm mục đích tốt
và ngược lại, hạt giống bất thiện được ôm ấp từ muôn đời trong ý thức con người
thì làm sao hiện hữu được ý niệm mục đích chính đáng lâu dài. Có câu nói rằng:
“Tâm bất an nên tam giới bất an” là thế! Thật vậy, an hay bất an, hạnh phúc hay
đau khổ tùy thuộc nơi cái nhìn và ý niệm mục đích của mỗi người. Suy cho cùng,
mục đích chỉ là một con đường nhỏ nằm im trợ duyên cho người nhanh chóng tìm đến
nơi mình cần để nghỉ ngơi và tịnh dưỡng bản thân mà thôi.
Đừng bao giờ lầm tưởng mục đích là cứu
cánh và cũng đừng suy tưởng không có mục đích rồi con người sẽ lạc lỏng, bơ vơ.
Vì những ai cho rằng mục đích là cứu cánh thì lẽ tất nhiên họ lao tâm, lao lực
cho cuộc chạy đua thực hiện cho bằng được mục đích ấy mới thôi. Chính vì vậy, họ
đã đánh mất đi những giá trị hạnh phúc khác đang hiện hữu khắp nơi để rồi cái giá
cuối cùng họ nhặt được chính là sự bội bạc của thời gian. Thời gian đã lấy đi
tuổi thanh xuân, nhiệt huyết, tình người và cả sức khỏe. Họ chỉ còn cảm giác mệt
lả và không thể nhấc được đôi chân của mình ngay trong căn nhà rộng lớn, cao
sang của chính họ.
Có bao giờ bạn cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ
trước những cuộc vui mà mình đã chuẩn bị rất kỹ không? Có bao giờ bạn cố tình
đi đến những nơi mà bạn đam mê và cuối cùng khi đến đó bạn nhận ra rằng chẳng
có gì làm bạn vui không? Có bao giờ bạn đứng trước một sự kiện hoành tráng và
xung quanh bạn là hàng vạn người đang reo vui và ngưỡng mộ, nhưng bạn thì
không! Còn rất nhiều điều khác nữa nhưng ở đây bạn chỉ cần nhận ra mình đang ở
đâu trong những tình huống trên. Nếu bạn chưa từng thì đến một lúc nào đó bạn sẽ
phải đối diện. Hoặc giả bạn đã từng thì hãy tự nói với chính mình rằng “Ai rồi
cũng như mình cả!”. Vì sao? Vì đó chính là bản chất của cuộc sống.
Bản chất cuộc sống không phải là một cái
gì đó hiện hữu một nơi nào đó và bạn phải đi tìm thì mới có giá trị. Cũng vậy,
những tình huống trên khi bạn đặt chân đến mục đích thì mục đích đang ở nơi
đâu? Tại sao bạn thấy mình bơ vơ, hụt hẫng khi bạn đã và đang đứng trên đầu mục
đích? Tâm trí người trong cuộc và trong cả bản chất hiện tượng, sự việc được diễn
ra mang tính truy cầu và lòng tham muốn. Nếu cảnh diễn ra không hài lòng, bạn
chắc chắn sẽ băn khoăn và hỏi rằng “Tại sao?”. Nếu như ý, bạn toại nguyện và rồi
cũng chỉ có thế! Nhưng có thêm một sự thay đổi đang lớn dần trong bạn đó là
lòng hãnh diện và sự kiêu mạn. Điều đó đã không dừng lại và không bao giờ dừng
lại. Trừ khi buổi xế chiều nào đó, bạn nhận ra sự sống của mình đang lịm dần và
tất cả mục đích đạt được đã đi vào dĩ vãng. Bạn lại bơ vơ ngay chính trong ý niệm
của mình rằng bạn sẽ mang theo gì được khi sang thế giới bên kia? Rằng bạn có bỏ
lại tất cả nơi này với sự bằng lòng hay không? Bạn sẽ bơ vơ hơn tôi nói.
Một sự kiện hoành tráng được diễn ra. Bao
người reo vui, khấn nguyện. Sự hào nhoáng của ánh đèn, kiêu sa của pháo hoa, rầm
rộ của xã hội… Niềm vui reo lên thành tiếng oa oa… rồi sau đó tất cả lại trở về
với hiện tượng ban đầu. Đèn tắt. Người về. Pháo hoa chỉ còn trong tâm tưởng. Để
làm gì mà phải phấn khích? Cuộc sống này cũng vậy! Vinh – nhục ngang tầm nhau.
Vinh không khiến ta ngẩng cao đầu rồi giẫm đạp kẻ yếu. Nhục không làm ta khuất
phục và nhụt chí anh hùng. Vinh – nhục như bóng đổ chiều hôm, như hoa nắng lung
linh hư ảo. Cảnh nào rồi cũng cho ta bài học lớn khôn. Có người khi tận hưởng vẻ
đẹp hào nhoáng của pháo hoa rồi trong đầu hay trong mỗi câu nói đều ca ngợi
không ngớt về sự kiện đã diễn ra. Họ ôm ấp những ngày còn lại và hy vọng mình sẽ
là người gì đó trong những sự kiện lớn trên. Để làm gì? Chẳng biết nữa! Chỉ biết
rằng họ đã không thấy được vẻ đẹp huyền diệu thanh bình của đêm không đèn không
điện. Họ đã quên đi tiếng kêu vang vang của dế và ánh sáng nhàn nhạt của trăng,
của những vùng đất hoang vu và thơm lừng cỏ dại. Nói vậy để biết không đâu là xấu!
Không đâu là đẹp! Có khi cái đẹp đơn sơ dễ gặp ấy lại lớn khôn cùng ta hàng
ngày, lại vui cùng ta mỗi đêm. Chỉ mong cái đẹp trong tâm đừng tắt. Cái nhìn
nơi đâu cũng đẹp và mục đích cũng chỉ có thế!
Vậy nên hãy sống sao cho tất cả việc làm đều
trở thành mục đích có ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời này. Chỉ vậy thôi! Bạn ạ!
KHÁNH THUẦN