Đi trong thế giới của người điên, mấy ai
cho rằng ta là kẻ bình thường? Đi trong thế giới bình thường, mấy ai
cho rằng ta là kẻ bị điên? Hai phạm trù của tỉnh và mê, trí và ngu, thế
gian vẫn thường hay định nghĩa. Và trong những định nghĩa ấy, đã không
ít lần ta giật mình đỏ mặt vì cũng có mình hiện thân của kẻ mê, kẻ ngu
trong cái mác trí thức từ nhiều năm qua.
Ngu mông ngu cực
Tự vị ngã trí
Ngu nhi thắng trí
Thị vi cực ngu.
(Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Phẩm Ngu Ám thứ 15)
Nghĩa là:
Kẻ ngu muội cực cùng
Tự cho mình là trí
Ngu mà tưởng hơn trí
Đó chính là cực ngu.
Cũng lắm lúc không dám nhìn lại mình.
Dường như ta đã vỗ ngực xưng tên rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ là sự
rỗng không, sự mê muội giữa đại dương của nguồn tri thức. Đã vạn kiếp
ta mộng cùng thế gian lang thang từ muôn kiếp trong cuộc hành trình
thiên lý mà vẫn chưa có sự trở về thật sự. Lâu nay, ta vẫn chấp cái thân
giả dối, cái tâm hư vọng này là một ngã thể bất biến, ta áp đặt mọi tri
kiến của mình lên người khác, ta có thể làm bất cứ điều gì (ngay cả làm
cho người khác đau khổ) cũng chỉ để cung phụng cho cái túi da này. Cái
bản ngã thật bự lớn lên mỗi ngày để rồi cuối cùng ta đã giết chết chính
mình mà không biết. Thân tứ đại rồi cũng trở về với cát bụi, chết là hết
thì tiếc gì ngày tháng ăn chơi, đắm mình trong thú vui dục lạc của thế
gian. Ta coi thường lý Nhân – Quả, ta tha hồ tạo nghiệp, ta không màng
đến sự khổ đau của tha nhân, cười trong nước mắt của thế gian, đứng trên
nỗi đau tột cùng của người. Cái ngã và ngã sở quá lớn nên ta chưa từng
biết xả bỏ là gì, chỉ biết hưởng thụ và rồi phiền não lăng xăng trong
dòng suy nghĩ nên đến tận bây giờ vẫn còn trôi lăn mãi giữa dòng tử
sinh.
Tham lam, sân hận, si mê, cống cao ngã
mạn, nghi ngờ… đã làm cho ta và người mất đi sự truyền thông, ta ôm mình
trong nỗi đau nghĩ rằng không ai hiểu mình, ta đã tách mình ra khỏi
cộng đồng sống trong thế giới u uất của riêng mình. Mỗi một sát-na đi
qua, ta đã hủy diệt chính ta mà cứ ngỡ đời chỉ còn mình ta là trên hết?!
Cuộc sống là những chuỗi ngày của sự bon chen, đấu tranh, não phiền và
hờn giận, ta cũng là phần tử góp nên sự “đấu đá” đó. Là ta đó! Mấy ai
nhận ra? Mấy ai dám đối diện? Ngu si trong cái danh hiệu của người tri
thức, lấy bằng cấp của thế gian để cho rằng ta là kẻ hơn người. Ôi! Cuộc
đời! Một dòng sinh diệt triền miên, sống trong mộng mà cho là thực nên
ta vẫn còn ngơ ngẩn trước cơn vô thường của cuộc đời.
Đau đớn thay! Đúng lắm thay! Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn!
Vâng! Cái mà ta cho rằng hiểu biết hơn
người, thông đạt tất cả khoa học, triết học, văn học thế gian cũng chỉ
là cái hiểu biết ngọn ngành, không giải thoát được sinh tử. Chính vì bám
vào đó, ta tự cho mình là trí, ai ngờ rằng đó chính là cực ngu!
Người trí luôn biết nhận chân giá trị
của giáo pháp để làm mái chèo mà qua khỏi dòng sông diệt – sinh. Người
hiểu được quy luật nhân – quả, nguyên lý duyên khởi thì không còn khổ
đau trước sự biến chuyển cuộc đời, sống tỉnh thức trong mỗi phút giây đi
qua, nhận ra sự chuyển động của dòng tâm thức, nhận ra ta và người,
nhận ra mọi thứ vốn không phải là thường còn, tâm an nhiên tự tại, không
động cũng chẳng trụ, tất cả chỉ thuần một tánh di nhiên.
Hơn nữa, người trí chỉ giáo hóa người
khác khi mình đã có một vị trí thích đáng. Chia sẻ, độ người cũng phải
đúng chỗ, tùy lúc. Giáo pháp Phật-đà là để giúp người có được sự chuyển
hóa, chứ không phải để khoe kiến thức, so tài hơn thua. Tinh thần người
học Phật không coi trọng chức vụ, địa vị. Tuy nhiên, trong một vài hoàn
cảnh thì đó cũng là phương tiện để độ người. Nên nhớ đó là phương tiện
chứ không phải sự lạm dụng để phân chia cao thấp, lớn nhỏ. Nếu ta còn
mắc kẹt trong cái phân biệt thì con đường giải thoát xa muôn trùng, biết
nẻo nào để trở về? Người trí luôn xây dựng cái nhìn sâu và nhìn rộng,
chứa đựng tình yêu thương và sự hiểu biết từ gốc rễ, lựa chọn dứt khoát
giữa thiện và bất thiện, vượt trên mọi sự xúc động thường tình của thế
gian nên không cảm thấy đau khổ. Không lấy cái bất thiện làm thiện,
không lấy cái bất tịnh mà làm tịnh. Tịnh và tĩnh trong động để lắng nghe
sự chuyển động của dòng tâm thức, im lặng để lắng nghe tiếng nói của
vùng nội tâm, ôm ấp và xoa dịu những nỗi đau như một vết thương cần chữa
trị thì từ đó ta mới hiểu được nỗi đau của chúng sinh.
Ngày thường, ta tự hào trong cái biết
của mình, ta giẫm đạp lên nỗi đau của người khác trong mớ kiến thức vụn
vặt của chính mình. Ta viết, ta nói cho thật nhiều, lý luận cho hay,
biện tài cho giỏi nhưng rốt cuộc chỉ là một kẻ diễn hài giữa màn kịch
cuộc đời. Kẻ ngu càng học càng thấy mình khôn, người khôn càng học càng
thấy mình không biết gì. Cũng vậy, kẻ ngu càng tu càng thấy mình chứng
rồi đến một ngày “trở chứng” đem những cái gọi là hiểu biết Phật pháp ra
lý luận trong mớ ngôn ngữ rẻ tiền của thế gian. Vâng! Ta cũng đã từng
là kẻ như vậy đó. Lâu nay, cứ tưởng rằng mình hơn người nhưng hóa ra lại
là kẻ cực ngu, đại ngu. Kẻ ngu luôn mượn lời Tổ, lời Phật mà lý lẽ
nhưng lại chẳng hiểu gì cả. Người trí không nói nhưng sức mạnh của sự im
lặng sấm sét đó có thể làm nên một bài pháp không lời làm rúng động cả
ba cõi. Người si mê chỉ biết xây dựng ngôi chùa sắt thép, đất đá, còn
người trí không cần chùa to Phật lớn, dù là chùa đất nhưng Phật vàng.
Ngôi chùa ta đang cần là ngôi chùa tâm linh chứ không phải chùa du lịch.
Đây không phải là sự phê phán mà là muốn nhấn mạnh tinh thần học Phật
và kết quả của sự chuyển hóa, vì thật ra, một ngôi chùa đẹp cũng là một
trong những phương tiện để hóa độ người nhưng cái ta muốn nói là nội
dung tâm linh và sự chuyển hóa trong mỗi đạo tràng tu học tại từng ngôi
già lam.
Quay trở lại với vấn đề, kẻ ngu và người
trí, kẻ mê và người tỉnh, đó vẫn là hai đối tượng luôn có mặt trong
cuộc sống của ta. Và đó cũng chính là sự hiện thân của ta trong vạn kiếp
luân hồi. Ngu và trí, ác và thiện chỉ trong một niệm nếu ta biết cách
quán chiếu, tịnh và tĩnh trong mọi hoàn cảnh môi trường tác động. Tận
cùng trong cái ngu vẫn có một cái trí tồn tại khi ta biết dừng lại với
hơi thở của mình. Có những cái ngu “truyền kiếp”, có những cái ngu “nhất
thời”, nhưng dù là cái ngu nào đi chăng nữa, một khi đã biết nhận ra
bản lai diện mục của cái ngu đó, dám đối diện sự thật thì đó chính là
người có trí. Bởi người trí luôn muốn biết những điều đáng biết, không
nghĩ sai lệch và cũng không muốn biết những điều không nên biết.
Nói tóm lại, người trí và kẻ ngu không
phải được xác định qua bằng cấp của thế gian mặc dù điều đó không phải
là sai hoàn toàn, bởi nó chỉ đúng khi đứng ở một phương diện nào đó
trong cuộc sống. Theo tinh thần Phật giáo, trí tuệ được tượng trưng qua
hình ảnh của ánh sáng tức là sự tỉnh thức. Ánh sáng ấy soi rõ trong tâm
mình và đem năng lượng bình an, nội lực vững chãi đến cho người. Còn kẻ
ngu thì không cần đến ánh sáng vì họ không dám đối diện trong cuộc sống,
họ lấy sự bảo thủ để bảo vệ cho mình nên sẽ không đón nhận được những
làn gió mát của sự an lạc và dần dần tự đào thải mình trên con đường tu
học. Kẻ ngu và người trí là vậy!
Kẻ ngu muội cực cùng
Tự cho mình là trí
Ngu mà tưởng hơn trí
Đó chính là cực ngu.
Câu “thần chú” cho những kẻ đang say trong mộng. Ngu mà tưởng hơn trí!
Nguyên Giác Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét