Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại và lễ Cấp kinh phí học tập tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Sáng qua, ngày 19/11/2011, tại Hội trường lầu 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại TpHCM, đợt phát học bổng “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” của CLB Hoa Linh Thoại đã chính thức thực hiện.
Đây là lần trao học bổng đầu tiên kể từ khi “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” được thành lập và đi vào hoạt động sau hơn 4 tháng. Song song với CLB Hoa Linh Thoại, Quỹ hỗ trợ Tăng Ni sinh viên Học viện và Nhóm Hoa tình thương cũng đồng tổ chức. Lễ “Cấp kinh phí học tập” là tên gọi chung được thực hiện bởi ba nhóm hỗ trợ Tăng Ni sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ĐĐ. Thích Quảng Thiện – Trưởng Phòng Sinh viên vụ; ĐĐ. Thích Quảng Lợi – Chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại kiêm chủ nhiệm Ban Tin học tại Học viện; quý đại biểu đại diện các Ban hỗ trợ Tăng Ni sinh cùng đông đảo Tăng Ni sinh viên Học viện và quý Phật tử đồng hân hoan về tham dự.
Được biết, 135 suất học bổng năm nay được thực hiện bởi ba nhóm:
- Quỹ hỗ trợ Tăng Ni sinh viên (54 suất)
- Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại (51 suất)
- Nhóm Hoa tình thương (30 suất)
Buổi lễ được diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng ấm áp tình đạo vị. Phát biểu tại buổi lễ, ĐĐ. Thích Quảng Lợi đã xúc động “Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ xã hội đang ngày càng biến động về kinh tế cũng như văn hóa, rất cần và rất cần một tinh thần phụng sự, cống hiến của đội ngũ Tăng Ni trẻ cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Đạo Pháp, bởi vì nếu tách rời văn hoá Phật giáo thì khó có cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc. Không ngại gian khổ, phụng sự và cống hiến, giải thoát và giác ngộ là một lý tưởng cao đẹp, một hoài bão thiêng liêng của người xuất sĩ. Dù trong bất cứ thời đại nào, Phật giáo Việt Nam cũng luôn cần quý vị”. Bài phát biểu đã tạo nên một tinh thần nhiệt huyết cho tất cả những ai đang có mặt tại hội trường, bởi vì “Trong thời đại đất nước ngày càng đổi mới và phát triển, với sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, rất cần những vị học Tăng, học Ni trẻ với trái tim thiện nguyện đứng lên xây dựng một đạo Phật phát triển về tâm linh, về nội dung. Phật giáo Việt Nam cần quý vị! Những vị xuất sĩ dấn thân vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.
Mục đích ra đời của “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” là để có thể chia sẻ bớt những gánh nặng về tinh thần và vật chất của Tăng Ni sinh đã và đang trải qua, đồng thời cùng góp tay bảo vệ và ươm mầm những hạt giống là tiền đồ quang minh của Phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, những vị Tăng tài là những vị xuất sĩ dấn thân vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Luôn nêu cao tinh thần dấn thân, phụng sự, cống hiến của đội ngũ Tăng Ni trẻ, CLB Hoa Linh Thoại sẽ cố gắng hỗ trợ cho các vị Tăng Ni sinh hiện đang học trong nước hoặc du học tại nước ngoài.
Kết thúc buổi lễ, ĐĐ. Thích Quảng Thiện đã bày tỏ niềm tri ân đến các vị mạnh thường quân đã nhiệt tình ủng hộ để xây dựng nên nguồn ngân sách trợ duyên cho những vị Tăng Ni trẻ có tinh thần dấn thân và phụng sự. Đại đức cũng sách tấn các vị học Tăng, học Ni nên ngày càng cố gắng và nỗ lực hơn nữa vì đền đáp công ơn của Thầy tổ và đàn na tín thí không phải chỉ có học là đủ mà còn phải chung tay bảo vệ Đạo Pháp bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, thoát khỏi địa vị phàm phu nguyện đi vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát, bằng tinh thần Vô ưu, Vô úy, bằng tâm Đại từ, Đại bi bảo bọc chúng sanh và làm lợi ích cho cuộc đời này, xây dựng các trung tâm tu học mang tính “Lục hòa cộng trụ” thì mới xứng đáng vai trò của người Thích tử đối với nhân sinh.
Buổi lễ kết thúc vào trưa cùng ngày. Không khí ngập tràn đạo tình hoan hỷ, tất cả chư vị Tăng Ni cùng quý Phật tử đều quyết tâm bảo vệ Đạo Pháp mãi trường tồn bởi vì ngày nào Tam Bảo còn là ngày đó chúng sanh sẽ được thoát khỏi vòng luân hồi lục đạo, thoát khỏi sự phiền não khổ đau.
“Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại sẽ phát triển hơn nữa để đồng hành cùng quý Tăng Ni trẻ. Trên mỗi chặng đường gian khó, hoa Linh Thoại luôn nở trên mỗi bước chân quý vị đi qua” – Đại đức Thích Quảng Lợi đã xúc động chia sẻ cùng Tăng Ni sinh và chúng tôi tại buổi giao lưu cuối chương trình.
ĐĐ. Thích Quảng Thiện – Trưởng Phòng Sinh viên vụ
ĐĐ. Thích Quảng Lợi, Đạo hữu Tuệ Quang Dũng, Đạo hữu Ánh Vy đại diện cho "quỹ hỗ trợ Tăng tài" Hoa Linh Thoại
ĐĐ. Thích Quảng Lợi – Chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại phát biểu

Bài Ánh Vy, ảnh Liên Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NSƯT BẠCH TUYẾT “Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh”

Cô hoan hỷ chia sẻ nhân duyên nào đã đưa Cô đến với đạo Phật?
- NSƯT Bạch Tuyết: Đọc sách là một sở thích từ nhỏ của tôi và dần dần hình thành thói quen. Và sách Phật, chủ yếu là Kinh và Luận đã theo tôi từ những ngày chập chững vào nghề hát. Có sách mình thích đọc tới đọc lui, có cuốn mình vừa đọc vừa tò mò, ngạc nhiên, có tác phẩm đọc hoài vẫn không… chịu hiểu! Nhưng những thắc mắc, ưu tư, kể cả sự… nổi loạn sau cái chết của mẹ, đến khi “lần giở trước đèn” những cuốn sách gối đầu giường của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ thì tôi đã được giải đáp, giải tỏa. Tôi khẳng định: tôi đã giữ được thăng bằng (balance) cho mình trên nền tảng của triết học Phật giáo Việt Nam.

Được biết, Cô là một hành giả của pháp môn Thiền, vậy hoa trái mà Cô gặt hái được trong quá trình thực tập đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ạ?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, Phật giáo là một triết học nhân sinh thì Thiền học, với tư cách là một nguồn văn hóa – triết học - lại đưa tôi đến một hệ thống kỹ thuật giúp tôi điều thân và tâm một cách cân bằng và thăng bằng. Thiền mang lại cho tôi điều gì trong cuộc sống đời thường và nghệ thuật? Nếu liệt kê thì e không đủ giấy mà kỳ thực, tôi cũng không thể kể tên được, chỉ biết Thiền mang đến cuộc sống của tôi, nghệ thuật của tôi một năng lượng sống dồi dào, một năng lực sáng tạo vô biên; và nếu có thể gọi tên, tôi gọi đó là sự biết ơn những gì tôi đã và đang có.

Như vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa trước và sau khi Cô trở thành một người nghệ sĩ Phật tử là gì ạ? Cô đã mang một làn gió mát của đạo Phật vào loại hình nghệ thuật truyền thống như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Có lẽ câu trả lời trước đã giải đáp câu hỏi này, vả lại tôi cũng ít có thói quen để nhìn ngắm, vuốt ve trở lại, để “phân biệt” giữa nghệ sĩ và Phật tử… Một ước vọng chuyển tải những giá trị triết học – văn hóa của Phật giáo đến với những khán giả cải lương và dùng sự giàu có của âm nhạc dân tộc, trong đó có âm nhạc ngũ cung để chuyển tải, vậy là tôi bắt tay thực hiện. Tôi nghĩ mình cũng chỉ dò dẫm trên con đường mà trước mình, cùng mình, sau mình bao nhiêu người vẫn đang làm đó thôi.

Trong số tất cả các tác phẩm nghệ thuật cải lương Phật giáo, Cô tâm đắc nhất là tác phẩm nào? Vì sao?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự tâm đắc đã đến và sẽ đến với bạn trong quá trình bạn sáng tạo, bạn thực hiện. Còn khi đã hoàn thành thì thuộc về quyền của người xem. Với tôi, mỗi công trình là một tấm lòng, nhiệt huyết và trách nhiệm của tôi để trả ơn Phật giáo, Tổ nghiệp, quý Thầy, người thân và công chúng. Tôi hạnh phúc trong sự biết ơn, được đền đáp công ơn của Thầy – Tổ và những người xung quanh mình. 
Đối với người nghệ sĩ, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh trong cuộc sống thường ngày đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, Cô đã thực hiện như thế nào để mình không bị vướng mắc vào những chữ danh vọng bởi sự nổi tiếng ở thế gian?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền tài… không có tội, chỉ con người – với những thiên hướng, mục đích, thái độ sống đã khiến những danh từ trên trở thành như một “cạm bẫy” ghê gớm. Tôi yêu cải lương, tôi mang ơn bộ môn nghệ thuật này đã cho tôi được ca hát, được sáng tạo, được sự yêu mến của mọi người (kể cả sự chê bai, thị phi). Mục đích và con đường tôi đi cũng như tôi đến với cải lương là như thế. Do vậy, với tôi, sự nổi tiếng hay danh vọng đỉnh cao nhất, lộng lẫy nhất chính là khi tôi được sáng tạo, được thăng hoa trong những đường ca nét diễn của mình; rời nhân vật tôi cũng như bao công dân khác, bao con – người – có – thật khác!

Trong cuộc sống thường ngày sau bức màn sân khấu, chắc hẳn cũng đã có đôi lúc Cô cảm thấy buồn hay phiền não về một điều gì đó. Vậy Cô đã chuyển hóa những hạt giống khổ đau, phiền muộn trong lòng mình bằng cách nào?
NSƯT Bạch Tuyết: Vấn đề là tôi đối diện, trực diện với từng cung bậc và đi qua. Phật giáo đưa ta đến gần hơn sự chân thật, sự trung thực, sự tỉnh táo, do đó, trước sự bất công, tàn bạo, chúng ta căm phẫn và có cách xử lý. Đã là hạt giống thì có hạt giống tốt, có hạt giống ít tốt và chưa tốt, vấn đề là nguồn nước, nguồn đất, khí hậu, thổ nhưỡng, công sức người chăm bón… để hạt giống ấy nảy mầm và phát triển theo hướng có ích.

Với Cô, Phật giáo là một tôn giáo hay một nghệ thuật sống?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh…

Có thể nói, Đạo Phật là đạo ứng dụng, có trí tuệ và giáo lý Phật Đà là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại, như vậy, trong cái được gọi là bao la của kho tàng ấy, Cô tâm đắc điều gì nhất và Cô đã ứng dụng chúng vào cuộc sống của mình như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Nếu nhìn ở con mắt triết học thì nhiều tôn giáo – triết học cũng là kết quả của một quá trình tư duy, trải nghiệm và ứng dụng cho con người. Với Phật giáo, tôi nghĩ triết học này vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh; do vậy, trước khi đáp ứng tính ứng dụng, bản thân triết học Phật giáo đã hội đủ tính cơ bản (với tư cách của một ngành khoa học). Đôi khi, soi mình qua chiếc gương của Phật giáo, tôi tự nghiệm trong bản thân vừa có sự tỉnh táo, quyết liệt và… chẳng lấy gì làm quan trọng mọi sự việc, sự vật lại vừa thênh thang trong thế giới nghệ thuật không đường biên. Bạn ạ, qua chiếc gương ấy, tôi nhìn cuộc sống và chính mình công bằng hơn mà cũng biện chứng hơn ! Mà tận cùng thì cũng chẳng rõ đâu là hình, là thực, là có và đâu là bóng, là ảo, là vô cùng…

Xin chân thành cảm ơn Cô đã hoan hỷ dành thời gian chia sẻ cùng quý độc giả ĐPNN, kính chúc Cô cùng gia đình luôn sức khỏe và an lạc. Sự nghiệp hoằng Pháp của Cô thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đã đem lại lợi lạc rất lớn cho tất cả mọi người. Một lần nữa, kính chúc Cô luôn thuận duyên trên bước đường hoằng Pháp của mình. A Di Đà Phật.

Ánh Vy thực hiện


Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Nhân viên Google học sống trong Chánh niệm với Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đáp ứng thỉnh cầu của ban Lãnh đạo Đ ại công ty Google . Ngày 14/09/2011, Tăng đoàn Làng Mai có mặt tại trụ sở trung ương của Google ở Mountain View để hướng dẫn thực tập chánh niệm trong mục đích giúp họ tự giảm bớt được sự căng thẳng trong đời sống chuyên nghiệp cho nhân viên của đại công ty này. Khoảng trên 600 người đã được hướng dẫn thiền ngồi, thiền đi, nghe pháp thoại, ăn cơm yên lặng trong chánh niệm và thiền buông thư. Mọi người rất phấn chấn, nhiều nhân viên tiết lộ : Ui chao ! Chuyện xảy ra chỉ một lần trong đời, ai mà không tham dự là dại lắm. Thiền Sư Nhất Hạnh tới đây và ở luôn với chúng ta đến 5 tiếng đồng hồ ! Các bạn tin được không ? Và rồi mọi người đã ở lại cho đến cuối ngày, không ai bỏ cuộc nửa chừng. Đ ại công ty Google có trên 30 ngàn nhân viên, nhưng chỉ có trên 600 người cư trú và làm việc trong vùng có trụ sở trung ương là được tham dự trực tiếp ngày thực tập. Và cũng vì chỗ quy tụ lớn nhất tại đây chỉ chứa được từng ấy người. Danh sách chờ đợi (waiting list) hơn 500 mà ban tổ chức không biết phải làm cách gì hơn là cho thêm một phòng riêng có 200 chỗ, ở xa hơn và để màn ảnh. Niềm an ủi của họ là sẽ được thấy và nghe những lời dạy dỗ và những sinh hoạt trong ngày được để nguyên không cắt xén, trên You Tube để phổ biến toàn cầu, ít nhất 3 giờ 30 phút, những gì mà ban lãnh đạo cho là quan trọng nhất cho nhân viên của họ.
Đưc biết tại trụ sở Trung ương của Google ở Mountain View, Ban Quản Trị đã bỏ ra những số tiền khổng lồ để trang bị những tiện nghi tối đa cho nhân viên làm việc, để họ có thể tiếp tục khảo cứu, sáng tạo và tận dụng tới mức tối đa tài năng của những nhân viên ưu tú của mình. Googlers là tiếng gọi vui cho những ai làm việc cho Google. Googlers có nhu yếu lớn là làm sao thiết lập được quân bình giữa những đòi hỏi của chức nghiệp và đời sống cá nhân của họ. Phần lớn đều còn trẻ, tuổi từ 30 đến 40, đều đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ như Havard, MIT, Yale và Standford. Rất nhiều vị đã được Google thu dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Họ là những người trí thức được đặt vào trong một môi trường đòi hỏi, phải làm việc thật nhiều thật nhanh để có thể tranh đua mà vượt thắng các hãng khác. Vì thế họ không có thì giờ để lo cho bản thân họ. Cách sống và làm việc của họ là để hầu hết thì giờ và năng lượng để vận dụng óc suy tư của mình. Phải luôn luôn vượt thắng chính mình, phải tự phán xét minh và phán xét người khác trên căn bản khả năng làm cho hay hơn và sản xuất cho nhiều hơn, không cho phép mình được ngừng lại. Mặc dù trụ sở Trung ương không thiếu những tiện nghi bồi dưỡng, giải trí, những phòng xoa bóp, nhiều cafeterias lớn nhỏ với thực phẩm rất lành mạnh, rất ngon, bổ dưỡng, nhân viên ăn uống bao nhiêu cũng được và không phải trả xu nào. Nhưng tất cả những tiện nghi vật chất đó không đủ để giảm bớt sự căng thẵng và những áp lực của sự trông chờ. Nhân viên nào cũng làm việc vượt xa mức tối đa của sức người nên kết quả là họ dễ trở thành nạn nhân của trầm cảm, lo lắng, mất ngủ và béo phì. Rất nhiều người trong họ phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày tại trụ sở.
Làm sao để có sự thăng bằng giữa đời sống và công ăn việc làm, đó là vấn đề của họ, và đó là lý do cho sự có mặt của Tăng đoàn Làng Mai.
Ngày thực tập bắt đầu bằng những bài hát chánh niệm do các sư cô Đàn Nghiêm, Hiến Nghiêm và các thầy Pháp Linh và Pháp Khôi hướng dẫn. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền tọa với sự tham dự của cả Tăng đoàn. Sau lời giới thiệu của các cô Olivia và Lilian, Sư Ông bắt đầu nói về pháp môn thực tập. Tiếp đó là phần vấn đáp. Sau đó đại chúng thực tập thiền hành, ăn cơm chánh niệm và sư cô Chân Không hướng dẫn thiền buông thư. Phần đầu của buổi thực tập đã dược Google đưa lên You Tube, xin mời các vị thân hữu lên xem cho biết. Đề tài thuyết giảng của sư ông là Mindfulness as a foundation for Health (Chánh niệm là nền tảng của sức khỏe)
Trên mạng, Google đã giới thiệu như sau: (Dịch từ U Tube) : “Thầy Thích Nhất Hạnh đã đến hướng dẫn nửa ngày tu tập tại Google về phép chánh niệm để xây dựng sức khỏe. Đây là một dịp viếng thăm hiếm có . Thầy là một trong những thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, một tác giả sách bán chạy nhất, một nhà thơ, một nhà vận động hòa bình, đã từng được Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình. Thầy là người tiên phong áp dụng tuệ giác thiền quán vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội, kinh tế và sinh môi. Tác phẩm mới nhất của thầy là Savor, dạy về sự thực tập ăn uống và sống đời chánh niệm, viết chung với Giáo Sư Lilian Cheung của trường đại học Havard. Tuổi đã 85 nhưng thầy còn đi giảng dạy. Sau khi giảng dạy tại Hoa Kỳ, thầy sẽ trở về tu viện ở Pháp.
Đời sống ở Google thì vừa hăng say vừa vui nhộn nhưng cách sống này có thể đem lại nhiều tổn thất cho bản thân và cho gia đình. Buổi thực tập hướng đẫn rất khéo léo này của thầy sẽ giúp cho bạn làm dịu bớt căng thẳng, chỉ cho bạn ăn uống thế nào cho có thêm sức khỏe, ngủ được ngon giấc hơn, xử lý được những cảm xúc dễ dàng hơn, giữ cho tâm ý được tập trung lâu dài hơn và để thành công nhiều hơn trong việc thi thố tài năng của mình.”
 
Thị giả.


Đức Pháp chủ: Đã có Kinh, Luật, Luận, cứ theo đó mà làm

Sau 30 năm thành lập và phát triển, với tinh thần đoàn kết hòa hợp, tăng ni, Phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại lão, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về những thành quả mà tăng ni, Phật tử cả nước đã đạt được góp phần thực hiện phương châm của Giáo hội.
PV: Thưa Đức Pháp chủ! Pháp chủ có thể cho biết tư tưởng đoàn kết, hòa hợp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra đã được thực hiện như thế nào trong Giáo hội?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Đạo Phật có nhiều hệ phái: Tiểu thừa, Đại thừa, rồi các học phái, hệ phái. Đấy là những pháp môn chính, ai theo hệ phái nào thì cứ theo đó mà tu. Có hệ phái tu thiền, tu tụng kinh niệm phật, có hệ phái khất sĩ, hệ phái thì tu về Mật giáo: Người ta trì chú, bí mật, phát huy tư tưởng, đạo pháp, thần quyền.
Phương pháp tu hành có riêng rẽ nhưng phải đoàn kết thống nhất. Đoàn kết, hòa hợp trong hệ phái mình và đoàn kết các hệ phái. Cùng là đệ tử Thích Ca, dù tu theo hệ phái nào cũng phải đoàn kết, coi nhau như anh em một nhà.
PV: Dưới góc độ giáo lý, Đức Pháp chủ có thể nói rõ hơn khái niệm Lục hòa mà Tăng ni, Phật tử trong nước đang phấn đấu thực hiện?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Trước đây không có Giáo hội, chỉ có các Sơn môn, Tổ đình học theo giáo lý của đức Phật rồi lại truyền dạy cho mọi người theo Kinh, theo Luật, theo Luận. Luật là giữ gìn uy nghi đức hạnh. Kinh là học để học chân lý của đạo Phật. Luận là nghiên cứu sâu những điều giảng bằng kinh sách còn khó hiểu, phải nhờ những bậc cao minh giảng giải ra để cho dễ hiểu.
Làm thế nào cho đời sống người tu hành, thân không phạm giới luật, miệng nói năng không có lời điêu ngoa độc ác, ý không nghĩ gì về việc ham lợi, cùn cấu giận bực người khác và si mê gây nên tội lỗi. Ai đã có lòng theo Phật thì dù là tại gia hay xuất gia đều đã có Kinh, Luật, Luận, cứ theo đó mà làm.
Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo chúng tôi. Thân hòa cùng ở, miệng hòa không cãi nhau, ý hòa cùng vui vẻ, bàn giảng với nhau về đạo pháp, ý thì cùng vui vẻ với nhau. Vui với đạo pháp mà quên hết phiền não, xóa bỏ đau khổ cho mình và người khác. Thập phương đàn tín có gì đem đến biếu, giúp đỡ thì cùng hưởng với nhau.  
PV: Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ chia sẻ điều gì với tăng ni, Phật tử cả nước?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Có 3 điểm quan trọng ghi trong hiến chương của Giáo hội là Đạo pháp- Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Đạo thì chúng đã có Kinh, Luật, Luận- là tự lợi và lợi tha với những người cùng chí hướng với mình. Dân tộc là phải biết yêu nước bảo vệ dân tộc mình, xây dựng đất nước mình có tươi đẹp thì quần chúng nhân dân mới vui mừng và tin theo Phật, mới tránh xa tội lỗi, ác nghiệp, tiến hóa lên chân chính, sáng suốt.
Trong các khóa lễ, chúng tôi thường khuyên Phật tử: Sống trong đất nước, trên trời dưới đất phải được không khí thuận hòa, êm ái; Quốc gia phải được yên bình, làm ăn xây dựng cuộc sống cho tốt cả tinh thần và vật chất. Quốc gia chính trị tri ân, thủy thổ thuần dụng tri đức. Tức là ăn ở trên đất nước của cha ông mình thì phải lo đắp bồi, giữ gìn ra sao để báo ân đất nước; ơn bậc sư trưởng dạy bảo, ơn cha mẹ sinh thành, ơn đàn na thiện tín đã giúp đỡ mình tu hành. Có làm được 4 điều ấy thì sự nghiệp tu hành của mình mới trọn vẹn. Nếu không thì mình chỉ là người ích kỷ thôi.
 ** Xin cảm ơn Đức Pháp chủ!
Theo: VOVnews

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chùm ảnh: Shock với hộp đêm Đức Phật vui vẻ tại Hà Nội

Trong cơn bão dư luận về quán rượu và thịt nướng mang tôn xưng Đức Phật tại TP.HCM, Phattuvietnam.net cũng được độc giả cho biết tại Hà Nội có một quán bar tương tự, thậm chí về độ náo nhiệt đông đúc thì còn hơn hẳn.
Thế là vào tối cuối tuần này, nhóm phóng viên Trang tin Phattuvietnam.net đã quyết định đi tìm hiểu thực tế. Tìm thông tin trên mạng thì được biết đây là một trong những hottest nightspots  (điểm đến nóng bỏng nhất về đêm) ở Hà Nội cho khách du lịch nước ngoài và giới trẻ sành điệu, nằm giữa khu phố Tây Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm.
Để cẩn thận và chắc chắn, 3 phóng viên cùng người thân đã đi cùng và nhập vai nhóm bạn trẻ sành điệu, nhí nhảnh để có thể dễ dàng chụp ảnh bên trong qua chiếc điện thoại di động tại nhiều vị trí.
Vì một hình ảnh đáng giá nghìn từ, nên có lẽ tốt nhất mời quý độc giả cùng cảm nhận về tình trạng lạm dụng hình ảnh Đức Phật vào kinh doanh. Dường như Funky Buddha Bar là một thương hiệu của nước ngoài, và được cấp phép kinh doanh tại Hà Nội.
Phóng viên Phattuvietnam.net đang hoàn thành bài phóng sự và sẽ cập nhật đến độc giả trong thời gian sớm nhất.
Trước cửa quán Rượu Đức Phật vui vẻ. Đây là một thương hiệu được sử dụng ở nhiều nước phương Tây, dường như xuất phát từ Anh. Không hiểu cơ quan cấp phép cho Funky Buddha Bar có biết ở Việt Nam đạo Phật và Đức Phật ở Việt Nam tôn thờ kính ngưỡng như thế nào.
Trang trí tượng đức Phật trên một menu. Hình ảnh tôn quý của bậc Đại giác được dùng làm phương tiện trang trí cho ấn phẩm. Đức Phật có phải là nhân viên tiếp thị mời chào cho quán rượu này?
Áo của nhân viên có chữ Phật đằng sau
Chân dài và khách Tây trước tượng Phật trên quầy. Không thể phản cảm hơn. Không thể vì vẻ đẹp của Tượng Phật mà có thể lấy làm vật trang trí ở bất kỳ đâu
Tượng Phật được dùng làm vật trang trí, tạo phong cách độc đáo, chứ không phải để kính ngưỡng, noi theo
Phóng viên Phattuvietnam.net nhập vai "tạo dáng" để tác nghiệp chụp ảnh.
Đành phải đỉnh lễ Ngài ở những chỗ như thế này
Không khí quán rượu Đức Phật vui vẻ về đêm. Ảnh: Sưu tầm trên internet
Trên một đất nước có truyền thống Phật giáo, liệu có thể biện minh cho việc sử dụng hình ảnh Đức Phật vào kinh doanh không? Ảnh: Sưu tập trên internet
Ảnh: Internet
Ảnh: Sưu tập trên internet
Đây là một thương hiệu quán Bar nổi tiếng trên thế giới được hoạt động tại 2, Tạ Hiện, Hà Nội.
Ảnh: Internet
Trước cửa quán Bar về đêm. Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet


Nguồn: http://www.phattuvietnam.net/doisong/16739.html

Thư của chủ Buddha Spa gửi đến ĐĐ. Thích Minh Tuệ

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2011
Kính gửi Thầy Thích Minh Tuệ,

Con là Nguyễn Phương Hiền, chủ dịch vụ Buddha Spa – Số 9 ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Sáng nay con nhận được Tâm thư của Thầy. Con xin chân thành cảm ơn sự chỉ bảo và góp ý của Thầy trong việc đặt tên cho cửa hàng.

Thưa Thầy, tuy tuổi đời con còn trẻ, nhưng con cũng là một người luôn hướng về Phật, và chắc chắn không bao giờ chúng con có ý xúc phạm, báng bổ Đức Phật.
Ý nguyện của chúng con khi mở cửa hàng và chọn tên “Buddha” với mong muốn được Đức Phật che chở, chỉ cho chúng con đi con đường đúng đắn, để chúng con có thể tìm thấy sự thanh tịnh, chốn bình an.
Những gì chúng con đang làm là hướng đến cái đẹp, đẹp về diện mạo cũng như sự thư thái của tâm hồn. Với quan điểm và cách nhìn của con – người thế gian, và với cương vị là chủ doanh nghiệp thì tên cửa hàng, tên công ty là vô cùng quan trọng, được trân trọng, đề cao.
Người ta biết đến tên cửa hàng, chứ mấy ai biết đến tên chủ cửa hàng phải không Thầy? Điều này càng chứng tỏ rằng ngay từ đầu, chúng con không có ý định xuyên tạc, bôi nhọ, dung tục hóa, phàm phu hóa Đức Phật, chọc tức, thách thức Phật Giáo đồ và khoái chí khi họ bị shock, xốn xang, khó chịu, trăn trở, xót xa...

Cảm động trước Tâm thư của Thầy, và chúng con nhận thức được việc thay đổi tên Spa là điều cần phải làm. Trong tuần tới, chúng con sẽ hạ toàn bộ biển hiệu có tên BUDDHA, cũng như các ấn phẩm nhận diện liên quan (gồm website, brochure, name card…etc), thay thế vào đó là một tên khác.
“Người có lầm lỗi biết sám hối” là người đáng quý. Con hy vọng rằng những gì chúng con làm, Thầy sẽ hiểu, thông cảm và ủng hộ chúng con để chúng con được bảo vệ, chở che và tìm được sự bình yên thật sự.

Con xin chân thành cảm ơn Thầy!

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tâm thư gửi chủ Buddha Spa

TÂM THƯ GỬI ĐẾN CHỦ DỊCH VỤ BUDDHA SPA
LIÊN HỆ VIỆC LẤY HỒNG DANH ĐỨC PHẬT ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP
Kính gửi   chủ Dịch Vụ Buddha Spa,
                   Số 9 ngõ 27 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Kính thưa Ông/Bà,


Tôi là Thích Minh Tuệ (Thế danh : Đoàn Văn Thừa) được biết đến Dịch vụ Buddha Spa  và trang web : http://buddhaspa.vn/ thông qua Email của người quen gửi đến tôi với nhiều nỗi xót xa, bức xúc về việc chọn đặt tên Dịch Vụ của Ông/Bà.
Tôi là một Việt Kiều hải ngoại, sống cách xa Việt Nam nửa vòng Trái Đất nhưng tâm hồn tôi lúc nào cũng hướng về quê Cha, đất Tổ, quan tâm đến nhịp điệu sinh hoạt và khả năng phát triển kinh tế cùng với văn hóa đời sống và thuần phong mỹ tục,… của Việt Nam.
Trước hết, tôi hoan hỷ tán thán việc hình thành nên một doanh nghiệp đàng hoàng như Ông/Bà : làm giàu cho quốc gia ( đóng thuế đều đặn), phục vụ cho quần chúng nhân dân và tạo được nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy dây chuyền sản xuất, tiêu thụ và nền kinh tế phát triển,…
Thế nhưng niềm vui của tôi chia sẻ với Ông/Bà không được trọn vẹn bởi Hồng Danh Đức Phật, vị giáo chủ sáng lập ra Phật Giáo của chúng tôi lại chọn đặt cho Dịch Vụ của Ông/Bà. Chúng ta hầu hết sống và liên hệ với thế gian, cõi Trần còn Ngài là bậc xuất thế gian. Phạm trù sinh hoạt của Phàm và Thánh khác nhau, vậy tại sao làm chuyện nhập nhằng với nhau làm gì?  Chẳng lẽ những người khác cũng có quyền lấy tên Đức Phật để đặt cho : thuyền đánh cá, lò mổ heo bò, dịch vụ bán đồ lót phụ nữ, thảm trải đất, dịch vụ cung cấp vật liệu nhà vệ sinh,… hay sao?
Tôi tìm hiểu về lý do và cảm hứng mà Ông/Bà chọn đặt tên Dịch Vụ này thì được biết : “Lấy nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp ý nghĩa của các biểu tượng Phật giáo, biểu tượng của Buddha Spa hướng đến việc đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn trong cơ thể và tiềm thức của con người. Đài Sen cách điệu miêu tả vẻ đẹp tinh khiết của Buddha Spa như chốn toạ thiền, nơi bạn có thể lách mình vào chốn bình an. Tâm ý nghĩa của biểu tượng Buddha Spa là chữ Vạn – đại diện cho sự từ bi. Dấu hiệu này vốn ứng hiện trên ngực và lòng bàn tay của đức Phật để hướng con người đến cái thiện. Lấy chữ Vạn làm tâm, chúng tôi mong muốn khách hàng đến với Buddha Spa sẽ được tận hưởng những giây phút thư giãn tuyệt vời để đẹp hơn cả về cơ thể lẫn tinh thần.
http://buddhaspa.vn/Page-AboutUs

Có thể chủ ý xuất phát điểm ban đầu là tốt, nhưng có việc “lợi bất cập hại”, cần phải nên thận trọng xem xét mọi khía cạnh của vấn đề khi sử dụng tên của bất cứ vị Giáo chủ Tôn Giáo nào vào tên doanh nghiệp hoặc sản phẩm doanh nghiệp của mình. Có câu nói : Nhiệt tình mà kém hiểu biết đồng nghĩa với phá hoại.
Thời phong kiến trước kia có những thí sinh thi Hội thi Đình viết bài rất xuất sắc đáng lẽ làm Trạng Nguyên nhưng vô tình phạm húy bị huỷ kết quả và xử tội nữa.
Ông/Bà thử nghĩ xem công việc của Ông/Bà đang làm có liên hệ gì đến cuộc sống của người chân tu, sinh hoạt Tăng Đoàn hoặc những lời dạy của Đức Phật?
Ông/Bà có biết Đức Phật dạy về nếp sống Trung Đạo, rời xa 2 cực đoan : ép xác và lợi dưỡng, cung phụng tấm thân xác thịt?
Ông/Bà có biết người phật tử tu Bát Quan Trai giới thì không được nằm ngồi giường cao rộng, êm ái, không trang điểm phấn son, không xức hương hoa?
Doanh nghiệp của Ông/Bà phù hợp luật pháp và đáp ứng nhu cầu của một số người thế gian nhưng trở thành xa xí phẩm đối với những người chân tu. Ông/Bà có thấy Tu Sỹ nào làm khách hàng trong dịch vụ của Ông/Bà?
Thử nghĩ kỹ xem Đức Phật có liên hệ gì với những việc : Massage Thư giãn toàn thân/ Massage lưng/ Liệu pháp hương thơm/ Liệu pháp trẻ hóa da toàn thân/ Chăm sóc tay và chân/ Buddhapada/ Chăm sóc da mặt/ Đặc trị trắng da, chống nám/ Kiểm soát mụn chuyên sâu/ Chống lão hóa/ Các dịch vụ Tẩy lông/
Nách , Nửa chân, Toàn chân, Toàn lưng, Tạo dáng Bikini, Viền Bikini, Dịch vụ Tóc, Cằm/Ria/Mép/Mày, Sấy tạo kiểu,  Uốn giả, Hấp dưỡng , Hấp dưỡng siêu mượt, Duỗi tóc, Nhuộm tóc/Highlight, Uốn tóc, ,…
Buddhapada là chiêu thức gì vậy? Chẳng lẽ Ông/Bà sẽ được cấp bằng phát minh vĩ đại, thế kỷ 21 với chiêu thức này?! Tại sao những sinh hoạt rất ư là phàm tục của thế nhân lại gán tên Phật Thánh vào?
Ông/Bà có biết Đức Phật dạy chúng ta về tam thường bất túc : chuyện ăn, mặc, ở chỉ tạm đủ thôi chứ không nên dư dật? Đức Phật dạy cơ thể chúng ta là duyên sinh, kết hợp của Tứ Đại, Ngũ Uẩn, mong manh vô thường, theo quy luật của Sanh, Lão, Bệnh, Tử, không phải tốn tiền, thời gian và năng lực trau tria tô điểm, nên phát triển vẻ đẹp tự nhiên, hương đạo hạnh, không bám víu vào than xác này và không dùng nó làm vũ khí hấp dẫn, quyến rũ mê hoặc người khác trong vòng nhục dục hệ lụy thế gian,…
Người tu chỉ nên sử dụng những nhu cầu tối cần thiết cho mình thôi và chuyên tâm quán niệm tu học cũng như là để dành phần chia sẻ nỗi đau bất hạnh của bao kẻ lầm than, thiên tai, bất hạnh, không có cơm ăn, áo mặc, thuốc men, học hành,… có đâu mà bày biện hưởng thụ, bồi bổ giả thân, huyễn hoặc?
Đức Phật là một vĩ nhân, danh nhân văn hoá thế giới được cả lương tri nhân loại kính trọng và Liên Hiệp Quốc quyết định tổ chức Lễ Kỷ Niệm Đản Sanh hàng năm cho Ngài. Năm 2008, Việt Nam cũng đã tổ chức Vesak Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội. Mọi người đặt Đức Phật ở vị trí trang nghiêm tôn kính nhất để thờ phượng, kính tưởng đến Ngài và nguyện đi theo con đường giác ngộ, giải thoát trầm luân của Ngài, nay Ông/Bà đặt vị trí Đức Phật nơi lưng, chân, Bikhini,…nơi nhục thân phàm nhân là có ý gì?
Phật giáo gắn liền với đất nước và con người Việt Nam hơn 20 thế kỷ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, góp phần bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước được như ngày hôm nay. Tôi nghĩ Ông Bà Tổ Tiên của Ông/Bà cũng từng theo Phật Giáo, đại đa số người Việt có ảnh hưởng, theo, hoặc có cảm tình Phật Giáo và chính bản thân Ông/Bà cũng phần nào ảnh hưởng Phật Giáo nên mới diễn tả cảm hứng chọn tên doanh nghiệp như trên, nhưng tôi khuyên Ông/Bà nên suy nghĩ kỹ và nên chọn tên khác, thay thế cho Buddha Spa, đặt cho Dịch Vụ của Ông/Bà.
Ngôn ngữ Việt Nam giàu có phong phú chẳng lẽ không tìm được ngôn từ nào diễn tả và đặt cho doanh nghiệp của Ông/Bà hay sao mà phải vay mượn tiếng Ấn Độ, tiếng Anh? Có thể dùng tiếng Việt chính rồi dịch ra tiếng gì cũng được cơ mà. Tôi nghĩ Ông/Bà muốn có uy tín, được mọi người thương mến, Thánh Thần quới nhơn phù hộ, việc làm ăn thành đạt chứ không phải có chủ đích xuyên tạc, bôi nhọ, dung tục hoá phàm phu hoá Đức Phật, chọc tức, thách thức Phật Giáo Đồ và khoái chí khi họ bị xốc, xốn xang, khó chịu, trăn trở, xót xa,…
Tôi đang dùng tình cảm và sự phân tích để đánh thức lương tâm, hiểu biết và Phật tánh bên trong của Ông/Bà và tôi gửi bức thư này theo 2 cách Email và FAX (Fax: 046.2753.222 | Email: info@buddhaspa.vn).
Nếu sau 72 giờ ( 3 ngày 3 đêm) kể từ 11:00 pm Vietnam ngày 21/10/2011 mà Ông/Bà không công khai tuyên bố thay đổi tên Dịch Vụ này và không Email đến cho tôi biết theo địa chỉ Email tôi đang sử dụng gửi đến Ông/Bà thì tôi bất đắc dĩ phải sử dụng biện pháp khác, viết văn thư liên hệ về việc này đến các nơi sau :

- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và các Giáo Hội Phật Giáo Quốc Tế

- Ban Tôn Giáo Chính Phủ
- Bộ Văn Hoá Thông Tin nước CHXHCNVN
- UBND thành phố Hà Nội
- Các Đại Sứ Quán các Quốc Gia (nhất là các quốc gia có nhiều Phật tử) đang có mặt tại Hà Nội
- Các tổ chức bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng
để họ xem xét, can thiệp vá giải quyết vấn đề.
Tôi không phải như các Tín Đồ cuồng tín của Đạo nào đó “ôm bom tự sát” nhưng tôi sẽ gióng lên tiếng nói của lương tâm và lòng tôn kính Phật đến những nơi nào hợp lý có thể với lý tưởng, ý nghĩa sống, hành Đạo, trong tinh thần : “con dốc lòng vì Đạo hy sinh” và “hành phục chúng Ma, thiệu long Tam Bảo” để thế gian này ánh sang tỏ rạng, chưa phải đến hồi mạt pháp và việc huỷ bang Tam Bảo được biểu diễn công khai.
Ở đời có hai hạng người đáng quý : người không có lầm lỗi, người có lầm lỗi biết Sám Hối, Tôi khuyên Ông/ Bà nên kịp thời thức tỉnh và thay đổi phù hợp để tránh mang tiếng mạ lỵ, xúc phạm, báng bổ Đức Phật, gây bất mãn ưu phiền đến nhiều người khác và mang quả báo xấu xa lâu dài sau này cũng như bảo tồn văn hoá việt Nam và Phật Giáo trong sáng cho cuộc sống thêm Chân Thiện Mỹ.
Hãy trả Đức Phật về vị trí tôn kính xưa nay như khắp lương tri nhân loại đang ngưỡng vọng đến Ngài!
Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Thích Minh Tuệ

Chùa Viên Quang
5305 Franklin Blvd.
Cleveland, OHIO- 44102
USA
Email : thichdongtri@yahoo.com

Thế danh : Đoàn Văn Thừa

Nguyên Quán : Thôn Gia Lạc, xã Cát Minh, Huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, Vietnam
Nguyên xuất gia tu học : Tu Viện Nguyên Thiều, Tuy Phước Bình Định, Vietnam

Bé Duyệt Duyệt ra đi, gióng lên cảnh báo nhân tâm

Sáng sớm 21-10, bé Duyệt Duyệt đã qua đời sau tám ngày nằm viện do bị hai chiếc xe cán liên tục và 18 người thờ ơ lạnh lùng bỏ mặc.
Tưởng niệm bé Duyệt Duyệt ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông - quê nhà của cha mẹ bé - Ảnh: sohu.cn


Bệnh viện quân y Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết Duyệt Duyệt mất lúc 0g32 sau khi não đã chết hoàn toàn do tổn thương quá nặng. Duyệt Duyệt ra đi, một lần nữa dấy lên nỗi căm phẫn, cộng đồng một lần nữa lên án sự lạnh lùng của con người ở Trung Quốc. Mẹ của bé Duyệt Duyệt lả đi vì kiệt sức, bà như không còn đứng vững khi nghe tin con gái đã mất. Người cha Vương Trì Xương chỉ biết lặng lẽ cùng với đội ngũ mai táng đưa thi thể bé về nhà tang lễ Quảng Châu.
Ngay sau đó, các thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến đã phát động trưng cầu ý dân về hành vi thấy người bị nạn không cứu. Cơ quan pháp chế Thâm Quyến đã đưa điều luật “bảo vệ hành vi cứu người” vào kế hoạch công tác lập pháp của năm 2011. Trước đó ngày 19-10, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã kêu gọi các giới tham gia chương trình thảo luận về đề tài “lên án hành vi thấy người chết không cứu”, để lấy ý kiến đưa vào quy định pháp luật cơ chế trừng phạt đối với hành vi vô cảm và tưởng thưởng hành động dũng cảm cứu người gặp nạn.
Cứu lấy nhân tâm
Chiều 21-10, hồ sơ vụ tai nạn của Duyệt Duyệt đã được cảnh sát chuyển cho Viện Kiểm sát quận Nam Hải (Phật Sơn) để truy tố theo trình tự pháp lý. Đài truyền hình Phượng Hoàng cho biết cảnh sát Tây An đã truy bắt được Triệu Hiểu Mao, người thứ ba nghi là tài xế gây tai nạn cho Duyệt Duyệt.
Ông Dương Hiểu Quang, phó bí thư Thành ủy thành phố Phật Sơn, cho biết sẽ nghiêm trị các tài xế gây tai nạn cho Duyệt Duyệt. Cha mẹ của Duyệt Duyệt sau khi nhận tin con gái mất đã mời luật sư chuẩn bị khởi kiện.
Hơn 30 y bác sĩ Bệnh viện quân y Quảng Châu tham gia cứu chữa cho Duyệt Duyệt đã không cầm được nước mắt khi nhịp tim của bé ngưng và não của bé mất tín hiệu hoàn toàn. “Chúng tôi đã không thể cứu được Duyệt Duyệt. Thật đau lòng bé đã ra đi. Chỉ mong sao chúng tôi có thể cứu được chút nhân tâm của người đời sau cái chết của Duyệt Duyệt” - một bác sĩ thuộc khoa chăm sóc đặc biệt Bệnh viện quân y Quảng Châu nói.
Duyệt Duyệt ra đi để lại nỗi tiếc thương cho cộng đồng, nhiều lời chia buồn đã liên tục được đăng trên các trang mạng. “Duyệt Duyệt, thiên đường sẽ không có những người vô tình lạnh lùng như thế, mong bé ở nơi ấy mọi thứ đều tốt đẹp, không còn đau đớn” - bạn đọc Nội Lan Chi Võ chia sẻ trên mạng Sohu. DJ Hiểu Hồng khắc khoải: “Tiểu Duyệt Duyệt đã đi rồi, thật buồn! Khi người già té ngã, khi người xa lạ gặp nạn, cầu xin chúng ta hãy giúp một tay”.
Trang mạng Weibo ngập trong những dòng chia sẻ cảm động của các cư dân mạng. “Hãy tự vấn lương tâm mình! Những kẻ thấy chết không cứu cũng chính là hung thủ giết người bằng chính sự vô cảm của mình” - một độc giả phẫn nộ. “Cái chết của bé Duyệt Duyệt khiến chúng ta tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi tại sao chúng ta lại nhẫn tâm như thế với đồng bào mình. Người Trung Quốc cần thức tỉnh!”.
Báo mạng Đài Loan trích dẫn bài viết của nhà báo Vương Thạch Xuyên: “Duyệt Duyệt đi rồi, mong sao cho thiên đường không có xe cộ, không có những con người tàn nhẫn và lạnh lùng, mong sao nhân tình không suy đồi đến thế... Chúng ta nợ Duyệt Duyệt một lời xin lỗi”.
Lập bia tưởng niệm
Sau khi tin tức Duyệt Duyệt ra đi được lan truyền rộng rãi, các chuyên gia và cộng đồng mạng lên tiếng phát động việc lập bia để đánh thức mọi người trước sự suy đồi đạo đức. Báo Dương Thành Buổi Chiều dẫn lời của giáo sư Đàm Phương, phó chủ nhiệm bộ môn lý luận Trường đại học Sư phạm Hoa Nam, cho biết việc lập bia tại nơi xảy ra tai nạn thương tâm là cần thiết nhằm “thức tỉnh người dân và cảnh báo cho thế hệ mai sau”.
Chủ nhiệm bộ phận tin tức Thạch Thuật Tư của tờ Nhật Báo Công Nhân cũng đã lên tiếng kêu gọi thành phố Phật Sơn lập bia tưởng niệm và xem đây là “nỗi nhục khi đạo đức suy đồi”. Chỉ chưa đầy một giờ phát động, đã có hàng ngàn cư dân mạng lên tiếng ủng hộ. “Duyệt Duyệt chỉ là một trong số những nạn nhân của một thứ đạo đức suy đồi. Việc dựng bia là cần thiết để đánh thức lương tri của những con người đã từng sống vô cảm trước nỗi đau của đồng loại” - báo Đô Thị Phương Nam dẫn lời một độc giả.
Theo Tuổi Trẻ

Clip bé Duyệt Duyệt, hình ảnh nói lên sự xuống cấp lương tri của con người!

NƯỚC MẮT CHÚ TRÂU hay là MỘT CHÚ TRÂU ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI XẺ THỊT (Weekly World News) – Tâm Minh chuyển ngữ

Theo tin được phổ biến bởi “Tin Tức Nhân Dân” (People’s News) của Trung Quốc thời có một chuyện bất ngờ xảy ra ở Hong Kong, nghe có vẻ khó tin nhưng lại có thật.
Tờ “Tin Tức Thế Giới Hàng Tuần” (Weekly World News) tường thuật rằng có một nhóm nhân công dắt một con trâu vào trong một lò sát sinh để sửa soạn giết thịt làm bíp-tết và hầm ra-gu.
Khi họ đi tới trước cửa lò thời con vật thình lình đứng khựng lại, không chịu tiến bước thêm nữa. Chú trâu qùy xuống bằng hai chân trước và tuôn rơi nước mắt. Tại sao trước khi vào lò sát sinh mà một con trâu lại có thể hay biết rằng nó sắp bị xẻ thịt. Điều này tỏ ra nó có vẻ nhậy cảm hơn nhiều con người.
Tay đồ tể SHIU TAT-NIN kể lại chuyện đó một cách hoàn toàn súc động: “Khi tôi trông thấy một con vật dường như ngu đần mà lại biết khóc, cặp mắt của nó còn lộ vẻ đầy hãi sợ và buồn khổ, tôi bỗng rùng mình!” Anh chàng kể tiếp: “Tôi vội vàng gọi mọi người tới coi và tất cả đều ngạc nhiên như tôi. Chúng tôi cùng xúm vào để người thì đẩy và người thì lôi kéo chú trâu đi nhưng nó không chịu nhúc nhích, nó chỉ ngồi đó và tiếp tục khóc!”
Chủ lò sát sinh BILLY FONG nói: “Con người luôn nghĩ rằng những con vật này không giống người, đâu biết khóc, nhưng chú trâu này quả thật đã khóc như một đứa trẻ nít!”
Vào lúc đó có ít nhất là cả chục con người khoẻ khoắn và vạm vỡ hiện diện nhưng tất cả đều mủi lòng khi thấy chú trâu khóc. Riêng những đồ tể thường có nhiệm vụ hàng ngày phải giết trâu bò trong lò sát sinh thời súc cảm hơn nữa, họ cũng nhỏ lệ.
Buffalo weeping nonstop.
Khi các tay đồ tể từ các lò sát sinh khác nghe thấy tin này họ cũng kéo nhau chạy tới xem. Tất cả đám đông đều rất ngạc nhiên vì những chuyện xảy ra trước mắt họ. Ba người đồ tể trong nhóm đó quá súc động đến nỗi họ tuyên bố rằng kể từ lúc này mỗi khi họ phải làm thịt các sinh vật khác họ cũng sẽ không thể quên hình ảnh nước mắt của chú trâu này.
Kết thúc sẽ giải quyết như thế nào? Thấy cả trâu lẫn người đều nhỏ lệ chúng ta biết rằng chú trâu sẽ không bị xẻ thịt nữa. Quả thật vậy, một số người bỏ tiền mặt ra mua chú trâu đó rồi gửi chú vào trong một ngôi chùa Phật giáo để nơi đó quý Tăng sẽ chăm sóc nó chu đáo hơn và chú trâu có thể an lành sống đến tận cuối đời!
Một chuyện kỳ lạ khác lại xảy ra. Sau khi có quyết định trên chú trâu linh cảm rằng sinh mạng chú được bảo đảm, chú tự đứng dậy và đi theo họ. SHIU TATNIN ngạc nhiên nói: “Tại sao một con trâu lại hiểu được những lời nói của con người? Dù bạn có tin hay không nhưng chuyện lạ lùng này quả có thật.”
Hiển nhiên chú trâu này đã làm lay chuyển cuộc sống của những nhân công làm việc trong lò sát sinh!
Tâm Minh lược dịch
THIS BUFFALO HAS CHANGED THE LIFE OF THESE BUTCHERS

According to the news release from China’s People’s News, whether people believe it or not, this incident actually happened in Hong Kong. The Weekly World News reported that a group of workers were bringing a water buffalo into a packaging factory, ready to slaughter it to make steak and beef stew.
When they approached the front door of the slaughterhouse, the sorrowful buffalo suddenly stood still, refusing to move forward, kneeling on its two front knees, and with tears streaming from its eyes.
How could the buffalo have already been aware that it was going to be slaughtered, before entering the slaughterhouse? This shows that it was even more alert than many a person. "When I saw what is believed to be a stupid animal actually crying, and when I noticed that its eyes were full of fear and sadness, I could not help but shiver." Extremely shocked by this, butcher Shiu Tat-Nin recalled:"I quickly called other people to come see, and they were as surprised as I was! We pushed and pulled the water buffalo, but it would not move; it just sat there crying constantly." Billy Fong, the boss of the Hong Kong packaging plant said, "Mankind has always thought that animals are not like people who can cry, but this buffalo is really sobbing like a baby!"
At that time there were at least a dozen strong, burly men present, but their hearts were softened by the buffalo's crying, and those who were responsible for killing water buffaloes were even more touched by this, tears welling out of their eyes.
Buffalo weeping nonstop
When workers from other slaughterhouses heard the news, they also ran to the crying and kneeling buffalo, and the site was soon crowded with people who were astonished at what they saw. Three of them were so shocked that they said that from now on, even when they slaughter other kinds of animals, they will never forget that buffalo’s tears.
At the point when a buffalo is crying and people are crying as well, we can all be sure that none of them will kill the buffalo now. Then the question was how to take care of this matter. Finally, they decided to buy the water buffalo with cash, and then they sent it to a Buddhist temple, for the monastic to take good care of it, so that it could be assured of living out its life peacefully. When this decision was made, an amazing thing happened again: "When there was an assurance that the buffalo would not be killed, it finally agreed to move, got up, and it’s here with us." How could a water buffalo understand human words? Shiu said: "Whether you believe it or not, this is really true, although it sounds really incredible." Undoubtedly, this buffalo has changed the lives of these butchers.
Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-97_4-14222_5-50_6-1_17-43_14-1_15-1/