Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại và lễ Cấp kinh phí học tập tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Sáng qua, ngày 19/11/2011, tại Hội trường lầu 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại TpHCM, đợt phát học bổng “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” của CLB Hoa Linh Thoại đã chính thức thực hiện.
Đây là lần trao học bổng đầu tiên kể từ khi “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” được thành lập và đi vào hoạt động sau hơn 4 tháng. Song song với CLB Hoa Linh Thoại, Quỹ hỗ trợ Tăng Ni sinh viên Học viện và Nhóm Hoa tình thương cũng đồng tổ chức. Lễ “Cấp kinh phí học tập” là tên gọi chung được thực hiện bởi ba nhóm hỗ trợ Tăng Ni sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ĐĐ. Thích Quảng Thiện – Trưởng Phòng Sinh viên vụ; ĐĐ. Thích Quảng Lợi – Chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại kiêm chủ nhiệm Ban Tin học tại Học viện; quý đại biểu đại diện các Ban hỗ trợ Tăng Ni sinh cùng đông đảo Tăng Ni sinh viên Học viện và quý Phật tử đồng hân hoan về tham dự.
Được biết, 135 suất học bổng năm nay được thực hiện bởi ba nhóm:
- Quỹ hỗ trợ Tăng Ni sinh viên (54 suất)
- Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại (51 suất)
- Nhóm Hoa tình thương (30 suất)
Buổi lễ được diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng ấm áp tình đạo vị. Phát biểu tại buổi lễ, ĐĐ. Thích Quảng Lợi đã xúc động “Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ xã hội đang ngày càng biến động về kinh tế cũng như văn hóa, rất cần và rất cần một tinh thần phụng sự, cống hiến của đội ngũ Tăng Ni trẻ cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Đạo Pháp, bởi vì nếu tách rời văn hoá Phật giáo thì khó có cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc. Không ngại gian khổ, phụng sự và cống hiến, giải thoát và giác ngộ là một lý tưởng cao đẹp, một hoài bão thiêng liêng của người xuất sĩ. Dù trong bất cứ thời đại nào, Phật giáo Việt Nam cũng luôn cần quý vị”. Bài phát biểu đã tạo nên một tinh thần nhiệt huyết cho tất cả những ai đang có mặt tại hội trường, bởi vì “Trong thời đại đất nước ngày càng đổi mới và phát triển, với sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, rất cần những vị học Tăng, học Ni trẻ với trái tim thiện nguyện đứng lên xây dựng một đạo Phật phát triển về tâm linh, về nội dung. Phật giáo Việt Nam cần quý vị! Những vị xuất sĩ dấn thân vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.
Mục đích ra đời của “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” là để có thể chia sẻ bớt những gánh nặng về tinh thần và vật chất của Tăng Ni sinh đã và đang trải qua, đồng thời cùng góp tay bảo vệ và ươm mầm những hạt giống là tiền đồ quang minh của Phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, những vị Tăng tài là những vị xuất sĩ dấn thân vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Luôn nêu cao tinh thần dấn thân, phụng sự, cống hiến của đội ngũ Tăng Ni trẻ, CLB Hoa Linh Thoại sẽ cố gắng hỗ trợ cho các vị Tăng Ni sinh hiện đang học trong nước hoặc du học tại nước ngoài.
Kết thúc buổi lễ, ĐĐ. Thích Quảng Thiện đã bày tỏ niềm tri ân đến các vị mạnh thường quân đã nhiệt tình ủng hộ để xây dựng nên nguồn ngân sách trợ duyên cho những vị Tăng Ni trẻ có tinh thần dấn thân và phụng sự. Đại đức cũng sách tấn các vị học Tăng, học Ni nên ngày càng cố gắng và nỗ lực hơn nữa vì đền đáp công ơn của Thầy tổ và đàn na tín thí không phải chỉ có học là đủ mà còn phải chung tay bảo vệ Đạo Pháp bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, thoát khỏi địa vị phàm phu nguyện đi vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát, bằng tinh thần Vô ưu, Vô úy, bằng tâm Đại từ, Đại bi bảo bọc chúng sanh và làm lợi ích cho cuộc đời này, xây dựng các trung tâm tu học mang tính “Lục hòa cộng trụ” thì mới xứng đáng vai trò của người Thích tử đối với nhân sinh.
Buổi lễ kết thúc vào trưa cùng ngày. Không khí ngập tràn đạo tình hoan hỷ, tất cả chư vị Tăng Ni cùng quý Phật tử đều quyết tâm bảo vệ Đạo Pháp mãi trường tồn bởi vì ngày nào Tam Bảo còn là ngày đó chúng sanh sẽ được thoát khỏi vòng luân hồi lục đạo, thoát khỏi sự phiền não khổ đau.
“Quỹ hỗ trợ Tăng tài Hoa Linh Thoại sẽ phát triển hơn nữa để đồng hành cùng quý Tăng Ni trẻ. Trên mỗi chặng đường gian khó, hoa Linh Thoại luôn nở trên mỗi bước chân quý vị đi qua” – Đại đức Thích Quảng Lợi đã xúc động chia sẻ cùng Tăng Ni sinh và chúng tôi tại buổi giao lưu cuối chương trình.
ĐĐ. Thích Quảng Thiện – Trưởng Phòng Sinh viên vụ
ĐĐ. Thích Quảng Lợi, Đạo hữu Tuệ Quang Dũng, Đạo hữu Ánh Vy đại diện cho "quỹ hỗ trợ Tăng tài" Hoa Linh Thoại
ĐĐ. Thích Quảng Lợi – Chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại phát biểu

Bài Ánh Vy, ảnh Liên Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NSƯT BẠCH TUYẾT “Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh”

Cô hoan hỷ chia sẻ nhân duyên nào đã đưa Cô đến với đạo Phật?
- NSƯT Bạch Tuyết: Đọc sách là một sở thích từ nhỏ của tôi và dần dần hình thành thói quen. Và sách Phật, chủ yếu là Kinh và Luận đã theo tôi từ những ngày chập chững vào nghề hát. Có sách mình thích đọc tới đọc lui, có cuốn mình vừa đọc vừa tò mò, ngạc nhiên, có tác phẩm đọc hoài vẫn không… chịu hiểu! Nhưng những thắc mắc, ưu tư, kể cả sự… nổi loạn sau cái chết của mẹ, đến khi “lần giở trước đèn” những cuốn sách gối đầu giường của Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Thanh Từ thì tôi đã được giải đáp, giải tỏa. Tôi khẳng định: tôi đã giữ được thăng bằng (balance) cho mình trên nền tảng của triết học Phật giáo Việt Nam.

Được biết, Cô là một hành giả của pháp môn Thiền, vậy hoa trái mà Cô gặt hái được trong quá trình thực tập đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống hàng ngày và lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ạ?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, Phật giáo là một triết học nhân sinh thì Thiền học, với tư cách là một nguồn văn hóa – triết học - lại đưa tôi đến một hệ thống kỹ thuật giúp tôi điều thân và tâm một cách cân bằng và thăng bằng. Thiền mang lại cho tôi điều gì trong cuộc sống đời thường và nghệ thuật? Nếu liệt kê thì e không đủ giấy mà kỳ thực, tôi cũng không thể kể tên được, chỉ biết Thiền mang đến cuộc sống của tôi, nghệ thuật của tôi một năng lượng sống dồi dào, một năng lực sáng tạo vô biên; và nếu có thể gọi tên, tôi gọi đó là sự biết ơn những gì tôi đã và đang có.

Như vậy, sự khác biệt lớn nhất giữa trước và sau khi Cô trở thành một người nghệ sĩ Phật tử là gì ạ? Cô đã mang một làn gió mát của đạo Phật vào loại hình nghệ thuật truyền thống như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Có lẽ câu trả lời trước đã giải đáp câu hỏi này, vả lại tôi cũng ít có thói quen để nhìn ngắm, vuốt ve trở lại, để “phân biệt” giữa nghệ sĩ và Phật tử… Một ước vọng chuyển tải những giá trị triết học – văn hóa của Phật giáo đến với những khán giả cải lương và dùng sự giàu có của âm nhạc dân tộc, trong đó có âm nhạc ngũ cung để chuyển tải, vậy là tôi bắt tay thực hiện. Tôi nghĩ mình cũng chỉ dò dẫm trên con đường mà trước mình, cùng mình, sau mình bao nhiêu người vẫn đang làm đó thôi.

Trong số tất cả các tác phẩm nghệ thuật cải lương Phật giáo, Cô tâm đắc nhất là tác phẩm nào? Vì sao?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự tâm đắc đã đến và sẽ đến với bạn trong quá trình bạn sáng tạo, bạn thực hiện. Còn khi đã hoàn thành thì thuộc về quyền của người xem. Với tôi, mỗi công trình là một tấm lòng, nhiệt huyết và trách nhiệm của tôi để trả ơn Phật giáo, Tổ nghiệp, quý Thầy, người thân và công chúng. Tôi hạnh phúc trong sự biết ơn, được đền đáp công ơn của Thầy – Tổ và những người xung quanh mình. 
Đối với người nghệ sĩ, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh trong cuộc sống thường ngày đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, Cô đã thực hiện như thế nào để mình không bị vướng mắc vào những chữ danh vọng bởi sự nổi tiếng ở thế gian?
- NSƯT Bạch Tuyết: Sự nổi tiếng, danh vọng, tiền tài… không có tội, chỉ con người – với những thiên hướng, mục đích, thái độ sống đã khiến những danh từ trên trở thành như một “cạm bẫy” ghê gớm. Tôi yêu cải lương, tôi mang ơn bộ môn nghệ thuật này đã cho tôi được ca hát, được sáng tạo, được sự yêu mến của mọi người (kể cả sự chê bai, thị phi). Mục đích và con đường tôi đi cũng như tôi đến với cải lương là như thế. Do vậy, với tôi, sự nổi tiếng hay danh vọng đỉnh cao nhất, lộng lẫy nhất chính là khi tôi được sáng tạo, được thăng hoa trong những đường ca nét diễn của mình; rời nhân vật tôi cũng như bao công dân khác, bao con – người – có – thật khác!

Trong cuộc sống thường ngày sau bức màn sân khấu, chắc hẳn cũng đã có đôi lúc Cô cảm thấy buồn hay phiền não về một điều gì đó. Vậy Cô đã chuyển hóa những hạt giống khổ đau, phiền muộn trong lòng mình bằng cách nào?
NSƯT Bạch Tuyết: Vấn đề là tôi đối diện, trực diện với từng cung bậc và đi qua. Phật giáo đưa ta đến gần hơn sự chân thật, sự trung thực, sự tỉnh táo, do đó, trước sự bất công, tàn bạo, chúng ta căm phẫn và có cách xử lý. Đã là hạt giống thì có hạt giống tốt, có hạt giống ít tốt và chưa tốt, vấn đề là nguồn nước, nguồn đất, khí hậu, thổ nhưỡng, công sức người chăm bón… để hạt giống ấy nảy mầm và phát triển theo hướng có ích.

Với Cô, Phật giáo là một tôn giáo hay một nghệ thuật sống?
- NSƯT Bạch Tuyết: Với tôi, đạo Phật là một triết lý tồn tại, là nghệ thuật sống, là tín ngưỡng tâm linh…

Có thể nói, Đạo Phật là đạo ứng dụng, có trí tuệ và giáo lý Phật Đà là một kho tàng triết lý sống vĩ đại của nhân loại, như vậy, trong cái được gọi là bao la của kho tàng ấy, Cô tâm đắc điều gì nhất và Cô đã ứng dụng chúng vào cuộc sống của mình như thế nào?
- NSƯT Bạch Tuyết: Nếu nhìn ở con mắt triết học thì nhiều tôn giáo – triết học cũng là kết quả của một quá trình tư duy, trải nghiệm và ứng dụng cho con người. Với Phật giáo, tôi nghĩ triết học này vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh; do vậy, trước khi đáp ứng tính ứng dụng, bản thân triết học Phật giáo đã hội đủ tính cơ bản (với tư cách của một ngành khoa học). Đôi khi, soi mình qua chiếc gương của Phật giáo, tôi tự nghiệm trong bản thân vừa có sự tỉnh táo, quyết liệt và… chẳng lấy gì làm quan trọng mọi sự việc, sự vật lại vừa thênh thang trong thế giới nghệ thuật không đường biên. Bạn ạ, qua chiếc gương ấy, tôi nhìn cuộc sống và chính mình công bằng hơn mà cũng biện chứng hơn ! Mà tận cùng thì cũng chẳng rõ đâu là hình, là thực, là có và đâu là bóng, là ảo, là vô cùng…

Xin chân thành cảm ơn Cô đã hoan hỷ dành thời gian chia sẻ cùng quý độc giả ĐPNN, kính chúc Cô cùng gia đình luôn sức khỏe và an lạc. Sự nghiệp hoằng Pháp của Cô thông qua loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đã đem lại lợi lạc rất lớn cho tất cả mọi người. Một lần nữa, kính chúc Cô luôn thuận duyên trên bước đường hoằng Pháp của mình. A Di Đà Phật.

Ánh Vy thực hiện


Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Nhân viên Google học sống trong Chánh niệm với Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đáp ứng thỉnh cầu của ban Lãnh đạo Đ ại công ty Google . Ngày 14/09/2011, Tăng đoàn Làng Mai có mặt tại trụ sở trung ương của Google ở Mountain View để hướng dẫn thực tập chánh niệm trong mục đích giúp họ tự giảm bớt được sự căng thẳng trong đời sống chuyên nghiệp cho nhân viên của đại công ty này. Khoảng trên 600 người đã được hướng dẫn thiền ngồi, thiền đi, nghe pháp thoại, ăn cơm yên lặng trong chánh niệm và thiền buông thư. Mọi người rất phấn chấn, nhiều nhân viên tiết lộ : Ui chao ! Chuyện xảy ra chỉ một lần trong đời, ai mà không tham dự là dại lắm. Thiền Sư Nhất Hạnh tới đây và ở luôn với chúng ta đến 5 tiếng đồng hồ ! Các bạn tin được không ? Và rồi mọi người đã ở lại cho đến cuối ngày, không ai bỏ cuộc nửa chừng. Đ ại công ty Google có trên 30 ngàn nhân viên, nhưng chỉ có trên 600 người cư trú và làm việc trong vùng có trụ sở trung ương là được tham dự trực tiếp ngày thực tập. Và cũng vì chỗ quy tụ lớn nhất tại đây chỉ chứa được từng ấy người. Danh sách chờ đợi (waiting list) hơn 500 mà ban tổ chức không biết phải làm cách gì hơn là cho thêm một phòng riêng có 200 chỗ, ở xa hơn và để màn ảnh. Niềm an ủi của họ là sẽ được thấy và nghe những lời dạy dỗ và những sinh hoạt trong ngày được để nguyên không cắt xén, trên You Tube để phổ biến toàn cầu, ít nhất 3 giờ 30 phút, những gì mà ban lãnh đạo cho là quan trọng nhất cho nhân viên của họ.
Đưc biết tại trụ sở Trung ương của Google ở Mountain View, Ban Quản Trị đã bỏ ra những số tiền khổng lồ để trang bị những tiện nghi tối đa cho nhân viên làm việc, để họ có thể tiếp tục khảo cứu, sáng tạo và tận dụng tới mức tối đa tài năng của những nhân viên ưu tú của mình. Googlers là tiếng gọi vui cho những ai làm việc cho Google. Googlers có nhu yếu lớn là làm sao thiết lập được quân bình giữa những đòi hỏi của chức nghiệp và đời sống cá nhân của họ. Phần lớn đều còn trẻ, tuổi từ 30 đến 40, đều đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ như Havard, MIT, Yale và Standford. Rất nhiều vị đã được Google thu dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Họ là những người trí thức được đặt vào trong một môi trường đòi hỏi, phải làm việc thật nhiều thật nhanh để có thể tranh đua mà vượt thắng các hãng khác. Vì thế họ không có thì giờ để lo cho bản thân họ. Cách sống và làm việc của họ là để hầu hết thì giờ và năng lượng để vận dụng óc suy tư của mình. Phải luôn luôn vượt thắng chính mình, phải tự phán xét minh và phán xét người khác trên căn bản khả năng làm cho hay hơn và sản xuất cho nhiều hơn, không cho phép mình được ngừng lại. Mặc dù trụ sở Trung ương không thiếu những tiện nghi bồi dưỡng, giải trí, những phòng xoa bóp, nhiều cafeterias lớn nhỏ với thực phẩm rất lành mạnh, rất ngon, bổ dưỡng, nhân viên ăn uống bao nhiêu cũng được và không phải trả xu nào. Nhưng tất cả những tiện nghi vật chất đó không đủ để giảm bớt sự căng thẵng và những áp lực của sự trông chờ. Nhân viên nào cũng làm việc vượt xa mức tối đa của sức người nên kết quả là họ dễ trở thành nạn nhân của trầm cảm, lo lắng, mất ngủ và béo phì. Rất nhiều người trong họ phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày tại trụ sở.
Làm sao để có sự thăng bằng giữa đời sống và công ăn việc làm, đó là vấn đề của họ, và đó là lý do cho sự có mặt của Tăng đoàn Làng Mai.
Ngày thực tập bắt đầu bằng những bài hát chánh niệm do các sư cô Đàn Nghiêm, Hiến Nghiêm và các thầy Pháp Linh và Pháp Khôi hướng dẫn. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền tọa với sự tham dự của cả Tăng đoàn. Sau lời giới thiệu của các cô Olivia và Lilian, Sư Ông bắt đầu nói về pháp môn thực tập. Tiếp đó là phần vấn đáp. Sau đó đại chúng thực tập thiền hành, ăn cơm chánh niệm và sư cô Chân Không hướng dẫn thiền buông thư. Phần đầu của buổi thực tập đã dược Google đưa lên You Tube, xin mời các vị thân hữu lên xem cho biết. Đề tài thuyết giảng của sư ông là Mindfulness as a foundation for Health (Chánh niệm là nền tảng của sức khỏe)
Trên mạng, Google đã giới thiệu như sau: (Dịch từ U Tube) : “Thầy Thích Nhất Hạnh đã đến hướng dẫn nửa ngày tu tập tại Google về phép chánh niệm để xây dựng sức khỏe. Đây là một dịp viếng thăm hiếm có . Thầy là một trong những thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, một tác giả sách bán chạy nhất, một nhà thơ, một nhà vận động hòa bình, đã từng được Martin Luther King đề cử giải Nobel Hòa Bình. Thầy là người tiên phong áp dụng tuệ giác thiền quán vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội, kinh tế và sinh môi. Tác phẩm mới nhất của thầy là Savor, dạy về sự thực tập ăn uống và sống đời chánh niệm, viết chung với Giáo Sư Lilian Cheung của trường đại học Havard. Tuổi đã 85 nhưng thầy còn đi giảng dạy. Sau khi giảng dạy tại Hoa Kỳ, thầy sẽ trở về tu viện ở Pháp.
Đời sống ở Google thì vừa hăng say vừa vui nhộn nhưng cách sống này có thể đem lại nhiều tổn thất cho bản thân và cho gia đình. Buổi thực tập hướng đẫn rất khéo léo này của thầy sẽ giúp cho bạn làm dịu bớt căng thẳng, chỉ cho bạn ăn uống thế nào cho có thêm sức khỏe, ngủ được ngon giấc hơn, xử lý được những cảm xúc dễ dàng hơn, giữ cho tâm ý được tập trung lâu dài hơn và để thành công nhiều hơn trong việc thi thố tài năng của mình.”
 
Thị giả.


Đức Pháp chủ: Đã có Kinh, Luật, Luận, cứ theo đó mà làm

Sau 30 năm thành lập và phát triển, với tinh thần đoàn kết hòa hợp, tăng ni, Phật tử Việt Nam đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại lão, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về những thành quả mà tăng ni, Phật tử cả nước đã đạt được góp phần thực hiện phương châm của Giáo hội.
PV: Thưa Đức Pháp chủ! Pháp chủ có thể cho biết tư tưởng đoàn kết, hòa hợp mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra đã được thực hiện như thế nào trong Giáo hội?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Đạo Phật có nhiều hệ phái: Tiểu thừa, Đại thừa, rồi các học phái, hệ phái. Đấy là những pháp môn chính, ai theo hệ phái nào thì cứ theo đó mà tu. Có hệ phái tu thiền, tu tụng kinh niệm phật, có hệ phái khất sĩ, hệ phái thì tu về Mật giáo: Người ta trì chú, bí mật, phát huy tư tưởng, đạo pháp, thần quyền.
Phương pháp tu hành có riêng rẽ nhưng phải đoàn kết thống nhất. Đoàn kết, hòa hợp trong hệ phái mình và đoàn kết các hệ phái. Cùng là đệ tử Thích Ca, dù tu theo hệ phái nào cũng phải đoàn kết, coi nhau như anh em một nhà.
PV: Dưới góc độ giáo lý, Đức Pháp chủ có thể nói rõ hơn khái niệm Lục hòa mà Tăng ni, Phật tử trong nước đang phấn đấu thực hiện?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Trước đây không có Giáo hội, chỉ có các Sơn môn, Tổ đình học theo giáo lý của đức Phật rồi lại truyền dạy cho mọi người theo Kinh, theo Luật, theo Luận. Luật là giữ gìn uy nghi đức hạnh. Kinh là học để học chân lý của đạo Phật. Luận là nghiên cứu sâu những điều giảng bằng kinh sách còn khó hiểu, phải nhờ những bậc cao minh giảng giải ra để cho dễ hiểu.
Làm thế nào cho đời sống người tu hành, thân không phạm giới luật, miệng nói năng không có lời điêu ngoa độc ác, ý không nghĩ gì về việc ham lợi, cùn cấu giận bực người khác và si mê gây nên tội lỗi. Ai đã có lòng theo Phật thì dù là tại gia hay xuất gia đều đã có Kinh, Luật, Luận, cứ theo đó mà làm.
Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo chúng tôi. Thân hòa cùng ở, miệng hòa không cãi nhau, ý hòa cùng vui vẻ, bàn giảng với nhau về đạo pháp, ý thì cùng vui vẻ với nhau. Vui với đạo pháp mà quên hết phiền não, xóa bỏ đau khổ cho mình và người khác. Thập phương đàn tín có gì đem đến biếu, giúp đỡ thì cùng hưởng với nhau.  
PV: Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ chia sẻ điều gì với tăng ni, Phật tử cả nước?
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Có 3 điểm quan trọng ghi trong hiến chương của Giáo hội là Đạo pháp- Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Đạo thì chúng đã có Kinh, Luật, Luận- là tự lợi và lợi tha với những người cùng chí hướng với mình. Dân tộc là phải biết yêu nước bảo vệ dân tộc mình, xây dựng đất nước mình có tươi đẹp thì quần chúng nhân dân mới vui mừng và tin theo Phật, mới tránh xa tội lỗi, ác nghiệp, tiến hóa lên chân chính, sáng suốt.
Trong các khóa lễ, chúng tôi thường khuyên Phật tử: Sống trong đất nước, trên trời dưới đất phải được không khí thuận hòa, êm ái; Quốc gia phải được yên bình, làm ăn xây dựng cuộc sống cho tốt cả tinh thần và vật chất. Quốc gia chính trị tri ân, thủy thổ thuần dụng tri đức. Tức là ăn ở trên đất nước của cha ông mình thì phải lo đắp bồi, giữ gìn ra sao để báo ân đất nước; ơn bậc sư trưởng dạy bảo, ơn cha mẹ sinh thành, ơn đàn na thiện tín đã giúp đỡ mình tu hành. Có làm được 4 điều ấy thì sự nghiệp tu hành của mình mới trọn vẹn. Nếu không thì mình chỉ là người ích kỷ thôi.
 ** Xin cảm ơn Đức Pháp chủ!
Theo: VOVnews