Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

KẺ NGU VÀ NGƯỜI TRÍ


Đi trong thế giới của người điên, mấy ai cho rằng ta là kẻ bình thường? Đi trong thế giới bình thường, mấy ai cho rằng ta là kẻ bị điên? Hai phạm trù của tỉnh và mê, trí và ngu, thế gian vẫn thường hay định nghĩa. Và trong những định nghĩa ấy, đã không ít lần ta giật mình đỏ mặt vì cũng có mình hiện thân của kẻ mê, kẻ ngu trong cái mác trí thức từ nhiều năm qua.
Ngu mông ngu cực
Tự vị ngã trí
Ngu nhi thắng trí
Thị vi cực ngu.
(Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Phẩm Ngu Ám thứ 15)
Nghĩa là:
Kẻ ngu muội cực cùng
Tự cho mình là trí
Ngu mà tưởng hơn trí
Đó chính là cực ngu.
Tinh-Do-Ngu-Kinh
Cũng lắm lúc không dám nhìn lại mình. Dường như ta đã vỗ ngực xưng tên rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ là sự rỗng không, sự mê muội giữa đại dương của nguồn tri thức. Đã vạn kiếp ta mộng cùng thế gian lang thang từ muôn kiếp trong cuộc hành trình thiên lý mà vẫn chưa có sự trở về thật sự. Lâu nay, ta vẫn chấp cái thân giả dối, cái tâm hư vọng này là một ngã thể bất biến, ta áp đặt mọi tri kiến của mình lên người khác, ta có thể làm bất cứ điều gì (ngay cả làm cho người khác đau khổ) cũng chỉ để cung phụng cho cái túi da này. Cái bản ngã thật bự lớn lên mỗi ngày để rồi cuối cùng ta đã giết chết chính mình mà không biết. Thân tứ đại rồi cũng trở về với cát bụi, chết là hết thì tiếc gì ngày tháng ăn chơi, đắm mình trong thú vui dục lạc của thế gian. Ta coi thường lý Nhân – Quả, ta tha hồ tạo nghiệp, ta không màng đến sự khổ đau của tha nhân, cười trong nước mắt của thế gian, đứng trên nỗi đau tột cùng của người. Cái ngã và ngã sở quá lớn nên ta chưa từng biết xả bỏ là gì, chỉ biết hưởng thụ và rồi phiền não lăng xăng trong dòng suy nghĩ nên đến tận bây giờ vẫn còn trôi lăn mãi giữa dòng tử sinh.
Tham lam, sân hận, si mê, cống cao ngã mạn, nghi ngờ… đã làm cho ta và người mất đi sự truyền thông, ta ôm mình trong nỗi đau nghĩ rằng không ai hiểu mình, ta đã tách mình ra khỏi cộng đồng sống trong thế giới u uất của riêng mình. Mỗi một sát-na đi qua, ta đã hủy diệt chính ta mà cứ ngỡ đời chỉ còn mình ta là trên hết?! Cuộc sống là những chuỗi ngày của sự bon chen, đấu tranh, não phiền và hờn giận, ta cũng là phần tử góp nên sự “đấu đá” đó. Là ta đó! Mấy ai nhận ra? Mấy ai dám đối diện? Ngu si trong cái danh hiệu của người tri thức, lấy bằng cấp của thế gian để cho rằng ta là kẻ hơn người. Ôi! Cuộc đời! Một dòng sinh diệt triền miên, sống trong mộng mà cho là thực nên ta vẫn còn ngơ ngẩn trước cơn vô thường của cuộc đời.
13463
Đau đớn thay! Đúng lắm thay! Người giành khôn là kẻ dại, người chịu dại tức là khôn!
Vâng! Cái mà ta cho rằng hiểu biết hơn người, thông đạt tất cả khoa học, triết học, văn học thế gian cũng chỉ là cái hiểu biết ngọn ngành, không giải thoát được sinh tử. Chính vì bám vào đó, ta tự cho mình là trí, ai ngờ rằng đó chính là cực ngu!
Người trí luôn biết nhận chân giá trị của giáo pháp để làm mái chèo mà qua khỏi dòng sông diệt – sinh. Người hiểu được quy luật nhân – quả, nguyên lý duyên khởi thì không còn khổ đau trước sự biến chuyển cuộc đời, sống tỉnh thức trong mỗi phút giây đi qua, nhận ra sự chuyển động của dòng tâm thức, nhận ra ta và người, nhận ra mọi thứ vốn không phải là thường còn, tâm an nhiên tự tại, không động cũng chẳng trụ, tất cả chỉ thuần một tánh di nhiên.
Hơn nữa, người trí chỉ giáo hóa người khác khi mình đã có một vị trí thích đáng. Chia sẻ, độ người cũng phải đúng chỗ, tùy lúc. Giáo pháp Phật-đà là để giúp người có được sự chuyển hóa, chứ không phải để khoe kiến thức, so tài hơn thua. Tinh thần người học Phật không coi trọng chức vụ, địa vị. Tuy nhiên, trong một vài hoàn cảnh thì đó cũng là phương tiện để độ người. Nên nhớ đó là phương tiện chứ không phải sự lạm dụng để phân chia cao thấp, lớn nhỏ. Nếu ta còn mắc kẹt trong cái phân biệt thì con đường giải thoát xa muôn trùng, biết nẻo nào để trở về? Người trí luôn xây dựng cái nhìn sâu và nhìn rộng, chứa đựng tình yêu thương và sự hiểu biết từ gốc rễ, lựa chọn dứt khoát giữa thiện và bất thiện, vượt trên mọi sự xúc động thường tình của thế gian nên không cảm thấy đau khổ. Không lấy cái bất thiện làm thiện, không lấy cái bất tịnh mà làm tịnh. Tịnh và tĩnh trong động để lắng nghe sự chuyển động của dòng tâm thức, im lặng để lắng nghe tiếng nói của vùng nội tâm, ôm ấp và xoa dịu những nỗi đau như một vết thương cần chữa trị thì từ đó ta mới hiểu được nỗi đau của chúng sinh.
Ngày thường, ta tự hào trong cái biết của mình, ta giẫm đạp lên nỗi đau của người khác trong mớ kiến thức vụn vặt của chính mình. Ta viết, ta nói cho thật nhiều, lý luận cho hay, biện tài cho giỏi nhưng rốt cuộc chỉ là một kẻ diễn hài giữa màn kịch cuộc đời. Kẻ ngu càng học càng thấy mình khôn, người khôn càng học càng thấy mình không biết gì. Cũng vậy, kẻ ngu càng tu càng thấy mình chứng rồi đến một ngày “trở chứng” đem những cái gọi là hiểu biết Phật pháp ra lý luận trong mớ ngôn ngữ rẻ tiền của thế gian. Vâng! Ta cũng đã từng là kẻ như vậy đó. Lâu nay, cứ tưởng rằng mình hơn người nhưng hóa ra lại là kẻ cực ngu, đại ngu. Kẻ ngu luôn mượn lời Tổ, lời Phật mà lý lẽ nhưng lại chẳng hiểu gì cả. Người trí không nói nhưng sức mạnh của sự im lặng sấm sét đó có thể làm nên một bài pháp không lời làm rúng động cả ba cõi. Người si mê chỉ biết xây dựng ngôi chùa sắt thép, đất đá, còn người trí không cần chùa to Phật lớn, dù là chùa đất nhưng Phật vàng. Ngôi chùa ta đang cần là ngôi chùa tâm linh chứ không phải chùa du lịch. Đây không phải là sự phê phán mà là muốn nhấn mạnh tinh thần học Phật và kết quả của sự chuyển hóa, vì thật ra, một ngôi chùa đẹp cũng là một trong những phương tiện để hóa độ người nhưng cái ta muốn nói là nội dung tâm linh và sự chuyển hóa trong mỗi đạo tràng tu học tại từng ngôi già lam.
- Buddha1
Quay trở lại với vấn đề, kẻ ngu và người trí, kẻ mê và người tỉnh, đó vẫn là hai đối tượng luôn có mặt trong cuộc sống của ta. Và đó cũng chính là sự hiện thân của ta trong vạn kiếp luân hồi. Ngu và trí, ác và thiện chỉ trong một niệm nếu ta biết cách quán chiếu, tịnh và tĩnh trong mọi hoàn cảnh môi trường tác động. Tận cùng trong cái ngu vẫn có một cái trí tồn tại khi ta biết dừng lại với hơi thở của mình. Có những cái ngu “truyền kiếp”, có những cái ngu “nhất thời”, nhưng dù là cái ngu nào đi chăng nữa, một khi đã biết nhận ra bản lai diện mục của cái ngu đó, dám đối diện sự thật thì đó chính là người có trí. Bởi người trí luôn muốn biết những điều đáng biết, không nghĩ sai lệch và cũng không muốn biết những điều không nên biết.
Nói tóm lại, người trí và kẻ ngu không phải được xác định qua bằng cấp của thế gian mặc dù điều đó không phải là sai hoàn toàn, bởi nó chỉ đúng khi đứng ở một phương diện nào đó trong cuộc sống. Theo tinh thần Phật giáo, trí tuệ được tượng trưng qua hình ảnh của ánh sáng tức là sự tỉnh thức. Ánh sáng ấy soi rõ trong tâm mình và đem năng lượng bình an, nội lực vững chãi đến cho người. Còn kẻ ngu thì không cần đến ánh sáng vì họ không dám đối diện trong cuộc sống, họ lấy sự bảo thủ để bảo vệ cho mình nên sẽ không đón nhận được những làn gió mát của sự an lạc và dần dần tự đào thải mình trên con đường tu học. Kẻ ngu và người trí là vậy!
Kẻ ngu muội cực cùng
Tự cho mình là trí
Ngu mà tưởng hơn trí
Đó chính là cực ngu.
Câu “thần chú” cho những kẻ đang say trong mộng. Ngu mà tưởng hơn trí!
Nguyên Giác Hạnh

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Tình người


Tình người – chẳng biết viết sao cho đủ, chẳng biết nói sao cho vừa? Thơ ca, văn học, báo chí hay các mảng nghệ thuật khác dù nói về khía cạnh gì đi chăng nữa cũng không ngoài mục đích ca ngợi tình thương yêu nhân loại. Biết rằng thế, nhưng sao lòng vẫn trăn trở, nghĩ suy… Lòng thấy nặng hơn giữa buổi chiều về…Trăn trở, không phải là sự than vãn mà chỉ đơn giản chỉ là sự tìm lại những giá trị đạo đức của nhân loại mà thôi.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Ôi!

Bầu ơi! Thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Từ những ngày còn là học sinh tiểu học, ta đã thuộc lòng câu ca dao này rồi. Nhưng…  tất cả những sự hiểu ấy cũng chỉ diễn bày bằng ngôn ngữ hoa mỹ của thế gian cho bóng bẩy cái tình người của lý thuyết chứ chưa phải bằng sự trải nghiệm của cuộc đời. Nhìn lại thực tế, có đôi lúc cũng đau lắm thay!

Mới nghe qua tưởng chừng như bi quan, nhưng thực tế không phải vậy! Mở rộng lòng mình, lắng nghe sâu hơn những khúc nhạc của tình người và mắt thương nhìn cuộc đời để ta biết rằng vì sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”? Nên nhớ rằng, đồng bào ta không phải chỉ gói gọn trong nước Việt Nam mà còn ở nước ngoài nữa. Dù cho họ có mang quốc tịch gì đi chăng nữa thì dòng máu đang chảy trong người vẫn là dòng máu của con rồng cháu tiên. Không phải là cùng một nước mới thương nhau, khác nước là “đá nhau”, phân biệt. Nếu hiểu như vậy, chúng ta đã giết chết giá trị của tình người, tình dân tộc, tình đồng bào, tình đồng loại. “Một nước” chỉ là hình ảnh tượng trưng, còn nói rộng ra là người cùng chung một thế giới của “nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Chúng ta cùng khổ như nhau cả thôi. Thế thì tại sao nhiễu điều lại không phủ lấy giá gương? Tại sao không yêu thương, đùm bọc lẫn nhau? Ta được gì trong chiến tranh đẫm máu? Ta được gì trong tiếng khóc của trẻ thơ? Khi tiếng súng giữa các khu vực còn nổ, khi máu vẫn còn rơi trong tiếng thét lạc giữa vùng bom rơi đạn nổ là ta biết tình người vẫn còn là cái gì đó nói cho vui miệng, cho thỏa mãn cái danh đạo đức để người ta khen ngợi cái bản ngã hão huyền của cá nhân đó mà thôi.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Đó là sự đùm bọc, che chở bằng cả sự chân thành mà động từ “phủ lấy” đã nói rất rõ. Dân tộc này “phủ lấy” dân tộc khác, quốc gia giàu mạnh “phủ lấy” quốc gia chậm phát triển không phải là sự xâm chiếm mà phải là sự sớt chia, bao bọc làm ấm lại tình người. “Nhiễu điều” và “giá gương” là hai vật quý trên bàn thờ tổ tiên, nhờ sự “phủ lấy” của “nhiễu điều” mà “giá gương” và cả tấm gương được sáng trong, không bụi mờ. Cũng vậy, nhờ sự “phủ lấy” của đất nước phát triển mà những nước chậm phát triển đã khá hơn trước, lá rách cũng không còn rách nữa mà lành lặn hơn, đẹp hơn bởi cái đùm bọc của lá lành!
Tôi là bầu, anh là bí nhưng chúng ta cùng chung một giàn. Đất nước Việt Nam tôi là bầu, đất nước các bạn là bí nhưng chúng ta cùng chung một giàn là mẹ trái đất. Tôi là dân tộc Kinh, anh là dân tộc vùng núi. Nhưng thì sao? Ta vẫn chung một giàn của đất mẹ Việt Nam. “Bầu và bí” là hai hình ảnh tượng trưng để chúng ta có tình yêu thương không sự phân biệt. Khi thọ lấy thân là ta biết đã thọ lấy khổ, vậy cớ gì còn nhìn bằng con mắt nhị nguyên của sự đối đãi, phân chia mà không thương lấy nhau?

Kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc ta vô cùng phong phú nhưng có đôi khi ta chỉ viết bằng ngôn ngữ cọc cạch của thế gian. Trước đây, khi viết về câu ca dao này, ta chỉ đề cao tinh thần yêu nước nhưng ta lại không biết yêu luôn cả nước bạn. Tình người không thể hạn hẹp trong một xóm làng, một thành phố, một đất nước mà phải trải rộng ra cả nước khác. Vì chúng ta cùng một giàn mẹ trái đất như nhau cả thôi. Nếu ta chỉ biết thương cái nhánh gần mình mà không biết thương những nhánh khác thì cũng chẳng khác nào làm cho giàn trái đất này lung lay. Tình thương mà Đức Phật dạy là nó phải vượt qua sự phân biệt, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã không chứa đựng cái tôi hay cái của tôi. Lật lại từng trang báo thời sự trong nước và trên thế giới, ta nhận xét gì về tình người của thời đại @, thời đại toàn cầu hóa, thời đại mà con người ta đang ca ngợi một nếp sống văn minh? Vùng Phi châu, đói vẫn đói, chiến tranh vẫn chiến tranh. Vùng Âu châu, súng vẫn nổ ở một vài quốc gia. Vùng Á châu, bạo động vẫn còn âm ỉ, đâu đó vẫn còn nghe tiếng súng. Và đất nước ta, không hiểu sao lại ngày càng mọc lên những vụ án giết người man rợ, ghê không khác gì phim!!! Bạo động học đường bắt đầu nhen nhóm rồi bùng lên. Thật dễ sợ! Tất cả là do đâu? Nền tảng đạo đức con người chưa được xây dựng vững chắc. Đồng ý rằng không thể đạt được cái hoàn hảo nhưng cũng không nên để cái tiêu cực phát triển nhanh như vậy. Cuộc sống này vốn dĩ chẳng có tội. Lỗi là do chúng ta chưa từng biết chấp nhận cái khiếm khuyết của riêng mình, ta đã che đậy nó quá kỹ lưỡng, không cho ai biết và cũng chẳng cho ai đụng tới. Ta chưa từng biết yêu thương người xung quanh mình nên thủ đoạn đã được che đậy dưới lớp chữ của tình thương, chính vì thế cũng đừng ngạc nhiên khi ta lúng túng, ngượng nghịu trong cách giúp đỡ một người khó khăn. Nếu con người của thời đại @ chưa biết trân trọng những sự trở ngại như một cơ hội để thử sức mình, chưa dám tin vào mình, chưa biết cách yêu thương và tha thứ (đó là chưa nói đến phải yêu thuơng và tha thứ những kẻ mà ta cho là “oán tắng hội khổ”) thì chưa thể gọi là văn minh được. Còn nhiều vấn đề mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn như một chút gì đó để chén trà trên tay thôi không nặng lòng ưu tư. Nhưng thôi! Đành im lặng như một dấu ba chấm vì ngôn ngữ đã không thể họa bày hết được.
Trở lại với vấn đề, những câu ca dao trên đều nói về tình yêu thương con người. Cần nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta dù là huynh đệ hay không phải là huynh đệ thì cũng đồng một họ Thích. Hãy thương yêu nhau bằng tình đạo vị, không phân biệt hệ phái, vùng miền, có như vậy thì “giàn” Phật giáo Việt Nam mới phát triển được.
Nói tóm lại, viết về giá trị của tình người, ngôn ngữ chỉ là phương tiện để nói lên phần nào đó những điều muốn sẻ chia. Không nên nói bằng ngôn ngữ của thế gian mà hãy nên nói bằng tất cả tình cảm của tình nhân loại. Dù đây là chủ đề không còn mới mẻ gì nhưng ta cũng nên hiểu tất cả những câu ca dao ấy theo nghĩa rộng hơn, vượt qua biên giới của sự hạn hẹp bởi tình thương cần phải được trải rộng. Khi chữ “Tình” xuất hiện cũng có nghĩa là sự truyền thông đã có mặt. Điều này chứng minh là ta đã đặt nền tảng cho “hiểu và thương”. Tình người là sự truyền thông của nhân loại, là sự truyền thông giữa các dân tộc và quốc gia. Tình người cũng là tình huynh đệ, tình Tăng thân được xây dựng trên nền tảng của Lục hòa và đó chính là giá trị miên viễn cần phải được bảo vệ, chớ để cho tình người xói mòn trong mỗi thời đại. Và khi đó, máu đã ngừng rơi, nước mắt đã ngừng chảy và súng đạn cũng không còn diễn ra nữa.
Vâng!
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người cùng trái đất phải thương nhau cùng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
NGUYÊN GIÁC HẠNH

MIỀN TRUNG KHÚC RUỘT



 
Anh đã thấy rồi em
Cảnh điêu linh quê mình
Ngày nước rút
Xác xơ, tiêu điều
Nhà cửa chẳng còn chi.
Anh muốn gào, muốn thét
Hỡi trời cao có thấu
Miền Trung quê mình
Nghiệt ngã, nỗi đắng cay.
Hạn hán khô cằn
Nắng như đổ lửa
Bão lụt trào dâng
Phủ hết cả xóm làng
Tài sản dành dụm
Bao năm trời vất vả
Cũng trôi đi theo dòng nước vô tình.
Nước cuốn, nước xoáy
Như trả thù giận dữ
Càn quét quê mình
Tàn phá chẳng còn chi
Người dân quê
Hứng chịu nỗi cực hình
Ôm cay đắng
Chất chồng bao oan nghiệt
Nhìn ruộng vườn
Còn đâu để thu hoạch
Mái nhà tranh
Cũng thành bãi tha ma.
Anh ôm lòng quặn thắt trái tim đau
Nhìn thấy em
Ngậm ngùi vành tang trắng
Có muốn khóc
Cũng không thể khóc được
Bởi nước mắt đã khô cạn từ lâu.
Nói chi đây?
Ơi miền Trung khúc ruột!
Năm từng năm, lũ vẫn ghé thăm hoài
Bát cơm đầy, nước mắt hoà làm canh
Ngậm khổ đau làm thức ăn qua ngày.
Nghèo khổ, cơ cùng với đất cằn sỏi đá
Quanh năm suốt tháng
Hết nắng rồi lại mưa
Lũ dữ nhấn chìm quê mình trong biển nước
Xác xơ, tiêu điều
Còn lại nỗi đắng cay.
Thế là
Đã trắng hai tay
Một đời gian khổ
Cuối cùng là đây!
Ông trời! Ơi hỡi ông trời
Đất ơi có thấu con người miền Trung?
Trần gian còn chỗ nào dung?
Chỗ nào còn đất, miền Trung nương mình?
Anh đã nghe rồi em
Tiếng vợ hiền khóc than tiễn biệt chồng
Tiếng con thơ gào thét nỗi mất cha
Em ơi! Anh đã nghe rồi
Biết làm sao qua được nỗi cơ hàn
Khi chữ nghèo gồng gánh thêm chữ khổ
Núi có thương?
Sông ơi! Ngươi có hiểu?
Khi quê mình còn thống khổ, điêu linh.
Anh sẽ hát về miền Trung quê mình
Anh sẽ cười vơi bớt nỗi sầu đau
Ráng lên nghe!
Vẫn còn anh bên cạnh
Nghĩ về em
Nam Bắc cũng chạnh lòng
Chút cứu trợ, em dùng cho đỡ dạ
Đây tấm lòng của đồng bào quê xa
Bắc Trung Nam vẫn một nhà
Việt Nam đất mẹ ruột rà có nhau.

TỊNH HẠNH