Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Đoàn từ thiện Phước Duyên - Chia sẻ nỗi khổ cùng người trong thế giới của tỉnh và mê

Đi trong thế giới người điên, mấy ai cho rằng ta là kẻ bình thường? Đi trong thế giới người bình thường, mấy ai cho rằng ta là kẻ bị điên?
Một cuộc đời sống không ký ức, một cuộc đời sống trong tiếng la hét, kêu gào không tự chủ được bản thân, kết quả được nhận lấy là sự xa lánh của mọi người, của thế giới những “người bình thường”. Lý do cho sự cách ly ấy rất đơn giản vì họ là những người điên.
Vạn kiếp qua, ta từng là kẻ bị điên, điên rất nặng, nên đến giờ ta vẫn còn mãi lòng vòng ở nơi này. Kiếp này ta đang điên hay đang tỉnh giữa một đống hỗn độn của chợ đời? Điên giữa đống rác danh lợi và quyền lực, sắc đẹp và giàu sang. Tỉnh trong sự trắng tay khi mọi thứ đã mất tất cả, bàng hoàng trong cơn tỉnh mộng. Có những cái điên rất tinh vi, khó nhận thấy nên người ta không tự nhận là mình điên. Còn những bệnh nhân ở trại tâm thần đó là những cái điên dễ nhận thấy nên họ sớm bị gọi là người điên. Vậy cái điên tinh vi và cái điên hiển lộ, cái nào nguy hiểm hơn?
Sáng ngày 28/8, đoàn từ thiện Phước Duyên (trực thuộc CLB Hoa Linh Thoại) đã có chuyến viếng thăm bệnh viện tâm thần Lê Minh Xuân (Bình Chánh). Đây là chuyến đi thứ hai đến các trung tâm điều dưỡng tâm thần trên địa bàn Tp.HCM.
Đến thăm và chia sẻ có ĐĐ. Thích Quảng Lợi – chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại làm trưởng đoàn; Đạo hữu Diệu Quý – trưởng ban từ thiện Phước Duyên; Đạo hữu Diệu Tâm - phó ban; anh Phát đầu bếp trưởng cùng quý vị Phật tử thiện nguyện thành viên CLB Hoa Linh Thoại đồng hoan hỷ tham gia chuyến đi trong niềm vui chia sẻ ấm tình đạo vị cùng các bệnh nhân nơi đây.
Bắt đầu bữa điểm tâm buổi sáng với bánh mì, lagu chay và sữa. Với số lượng 500 bệnh nhân, Thầy trò trong đoàn mỗi người một việc để kịp bữa sáng cho họ. Tình đạo vị muốn được nói đến không phải ở chỗ món ăn đó có phong phú, đa dạng hay không? Mà chính là người bệnh nhân khi ăn vào có cảm thấy ngon được hay không thôi. Họ ăn ngon, chúng ta cũng muốn cho họ sớm được bình phục để trở về với cuộc sống bình thường của mình bên gia đình và bạn bè. Ai bảo rằng người điên không biết buồn, không biết đến hạnh phúc? Khi hết cơn, họ là những con người rất bình thường, rất tình cảm và rất tỉnh. Đó là những cơn điên chỉ diễn ra trong chốc lát, không tự chủ. Cái điên này dễ chữa trị. Còn những cái điên trước mớ danh vọng mà cứ tự hào là mình tỉnh mới chính là căn bệnh trầm kha, vô phương cứu chữa nếu chính mình không tự chữa cho mình.
Vạn kiếp luân hồi, vạn nẻo trầm luân. Chớ điên trong những cái thiên hạ cho là tỉnh. Hãy tỉnh trong những thứ mà người ta đang điên để kiếp sống này, ta không phải sống trong sự điên cuồng và sợ hãi. Chia sẻ với nỗi bất hạnh của 500 bệnh nhân nơi đây, dẫu chỉ là một bữa điểm tâm sáng đơn sơ nhưng hòa trong đó là những tiếng niệm Phật mong họ sớm hết bệnh để chấm dứt một cuộc sống không có ký ức trong thế giới của những người điên.
“Ngày hôm nay, chúng ta gặp nhau tất cả đều là duyên, nếu không duyên thì làm sao ta gặp nhau trong tình đạo vị này. Phước Duyên ra đời vì muốn được chia sẻ với những nỗi khổ niềm đau của người. Vạn kiếp qua, ta đã mê, chẳng lẽ kiếp này, ta cũng mê mê tỉnh tỉnh nữa sao?” – Đạo hữu Diệu Quý ngậm ngùi chia sẻ cùng chúng tôi trong ánh mắt xúc động.
Hoa Linh Thoại vẫn từng ngày nở hoa, hoa không ở trên trời và hoa cũng không phải chỉ có ở dưới đất. Hoa ngay chính trong tâm mỗi người. Hoa cũng đang nở trong lòng của họ - những bệnh nhân của Trung tâm điều dưỡng tâm thần Lê Minh Xuân. Những cánh tay vẫy chào chúng tôi khi đoàn ra về, từng ánh mắt dõi theo, lòng tôi như xót xa nhưng tôi biết họ sẽ sớm bình phục vì Linh Thoại hoa đã thực sự nở trong “những người điên” ấy khi họ đã chắp tay xá chào Đại đức Thích Quảng Lợi trong sự thành kính “Nam Mô A Di Đà Phật”.

TỊNH HẠNH

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Đoàn từ thiện Phước Duyên (trực thuộc CLB Hoa Linh Thoại) viếng thăm Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức

Chiều ngày 14/8/2011 (15/7 năm Tân Mão), đoàn từ thiện Phước Duyên trực thuộc CLB Hoa Linh Thoại đã có chuyến viếng thăm Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thủ Đức.
Đến thăm và chia sẻ có ĐĐ. Thích Quảng Lợi – chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại làm trưởng đoàn; Đạo hữu Diệu Quý – trưởng ban từ thiện Phước Duyên; Đạo hữu Liên Hạnh – Phó ban; Đạo hữu Diệu Lộc – phó ban cùng đông đảo quý vị Phật tử, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân trong ban tài trợ cùng hoan hỷ đến chia sẻ trong tình thương của người con Phật. Gần 1300 phần ăn chay được chuyển đến cho các bệnh nhân trong ngày đại lễ Vu lan báo hiếu chứa đựng tất cả tình cảm và lời nguyện cầu một sự đổi mới đến với họ. Bằng tất cả tâm huyết và tình cảm của mỗi thành viên, chỉ mong sao những người anh, người chị, người em nơi đây có thể được ấm lòng khi họ đang sống trong sự cách biệt rất lớn của hai thế giới giữa tỉnh và mê.
Có đến rồi mới cảm được nơi này. Họ đủ những lứa tuổi và “đến với nhau” từ đủ loại nguyên nhân khác nhau nhưng họ cùng chung một tên gọi đó là những bệnh nhân tâm thần. Cuộc đời chẳng ai muốn thế gian phải gọi mình là “người điên” và bản thân của gần 1300 con người nơi đây cũng vậy, trong họ vẫn nửa tỉnh nửa mê, khóc đó rồi lại cười đó, họ ăn nhưng không biết thế nào là no, họ cười trong tiếng cười ngờ nghệch, họ khóc trong tiếng khóc như một đứa trẻ ngây thơ, quãng đời còn lại gắn bó sau những song cửa sắt với những cánh tay vẫy gọi người qua lại, ánh mắt cứ ngây dại nhìn về một khoảng xa xăm như có hình ảnh nào đó của ký ức tràn về. Lòng xót xa khi định nghĩa về hai phạm trù tỉnh và mê, họ phải tách rời với cộng đồng bên ngoài sau song cửa sắt vì họ đang đứng ở bờ mê, cái mê ở dạng thô, dễ thấy nhất, dễ phân biệt với cái tỉnh của người bình thường trong những lúc họ lên cơn. Thế nhưng, trong cộng đồng của những người mà thế gian vẫn gọi là “người điên” ấy, họ vẫn sống rất có tình người, họ vẫn có một thế giới riêng, vẫn có một nơi để mong muốn được trở về, họ khao khát được yêu thương, thiết tha có một gia đình như bao người bình thường khác. Khi chúng tôi chia sẻ với một nữ bệnh nhân đã ngoài 40 tuổi, bà tên Nữ ở khu D, trong từng câu nói của bà chúng tôi biết bà đang “mê” vì bà hồn nhiên và vô tư như một đứa trẻ biết vâng lời, nhưng có ai biết trong cái “mê” ấy vẫn có một cái “tỉnh” hằng hữu khi chúng tôi nhắc đến hai chữ “niệm Phật”, bà liền bật khóc “Nữ có muốn bệnh như vầy đâu, lúc nào Nữ cũng niệm Phật để mong được tỉnh táo trở về với gia đình đó chứ, nhớ nhà lắm, tôi cũng thích ăn chay niệm Phật nữa!” Tự nhiên nước mắt tôi đã lăn theo câu nói của nữ bệnh nhân ấy. Bà cũng khóc, tôi tự hỏi mình lời chia sẻ của người đàn bà ấy là tỉnh hay là mê?
Đoàn đi có tất cả 37 vị, chúng tôi chia ra từng nhóm nhỏ kết hợp với các nhân viên điều dưỡng đến từng khu để phân chia thức ăn, thức uống cho bệnh nhân. Mỗi người một việc, từng thành viên chú tâm vào công việc của mình, vừa làm vừa niệm Phật, thức ăn chuyển đến cho người không phải là thức ăn hết no rồi đói với gia vị của thế gian mà đó chính là pháp vị chứa đựng sự tỉnh thức và lòng từ bi. Ta và người từ vạn kiếp đã là mê, đã là mộng, nay trùng phùng tại nơi này – Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần – lòng này không khỏi xót xa. Ở ngoài xã hội kia, cũng có lắm kẻ đang mê, lắm kẻ tâm thần, họ “mê” giữa cặn bã lợi danh, hơn - thua, được - mất của thế gian, họ đang “mê” nhưng cho là “tỉnh”, họ đang “mộng” nhưng cho là “thực”, đánh mất chánh niệm là ta đang sống trong vọng tưởng, sống với mộng, không có chánh niệm nghĩa là không tỉnh thức. Buồn thay! Trần gian kia còn lắm kẻ mê mà không nhận là mê, vì họ không tỉnh thức.
Chuyến viếng thăm không phải để tham quan “cảnh giới” của những người tâm thần rồi so sánh với “cảnh giới” của người bình thường. Mà đó là chuyến đi để chia sẻ, để cảm được nỗi đau, nỗi mất mác về một tình thương của người thân gia đình. Chia sẻ một bữa cơm chay đạm bạc nhân dịp đại lễ Vu lan, ta mong người được ấm lòng với những bát cơm, ly nước được nấu bằng cả một tấm chân tình yêu thương của người con Phật, những bát cơm pháp vị mong cả ta và người hãy tỉnh thức sau những giấc mộng dài của cơn mê.
Với số lượng gần 1300 bệnh nhân, tưởng chừng rất vất vả cho mỗi thành viên vỏn vẹn chỉ có 37 vị, thế nhưng mọi người đều thấy rất vui, rất hạnh phúc, một niềm vui mà khi bắt tay vào làm mới hiểu được hết giá trị của sự chia sẻ, cảm thông. Từ thiện Phước Duyên ra đời cũng vì lẽ đó. Một duyên lành để anh chị em trong đoàn cùng hội ngộ, cùng làm, làm lợi ích cho người không phải vì để mong cầu phước đức cho bản thân mà chỉ mong người bớt khổ, những việc làm với tâm vô phân biệt, không còn khái niệm giữa người cho và người nhận, không mang tâm cầu danh, tất cả đều là sự chia sẻ mong người được bớt khổ vì loanh quanh từ vạn kiếp ta cũng đã khổ lắm rồi. Đến thăm và chia sẻ từng khu trại, Đại đức Thích Quảng Lợi đã ân cần thăm hỏi từng bệnh nhân, phân chia từng khẩu phần thức ăn cho mỗi vị, tất cả đều là tình đạo vị, một tình cảm không thể dùng ngôn ngữ để tỏ bày, không thể sánh với tình cảm của thế gian vẫn còn giới hạn của sự biệt phân.
Vì cái mê ở dạng thô, dễ nhận thấy nên 1300 con người ấy đành phải tách ly ra khỏi cộng đồng những người “tỉnh thức”, trong cái thế giới của người điên, họ sẽ không còn một cuộc đời làm người được trọn vẹn khi tỉnh khi mê. Còn trong số những con người “tỉnh thức” ở bên ngoài xã hội bon chen kia vẫn còn tồn tại lắm kẻ tâm thần ở dạng vi tế trong cái tham vọng danh lợi, quyền lực, địa vị, cái mê ấy nếu không “uống thuốc” kịp thời thì có Trung tâm điều dưỡng tâm thần nào chứa hết được hay không?
Hãy đến với nhau bằng tình thương chân thật, không có sự phân biệt hay mong cầu lợi ích cho bản thân. Từ thiện không phải để làm màu cho bản ngã mà là tiêu diệt cái bản ngã trong sự vô phân biệt, không nghĩ thiệt hơn về mình. Từ thiện Phước Duyên đến với người cũng chỉ mong sao giúp người nhận thấy những đóa hoa Linh Thoại trong lòng mình đang nở lên từng ngày mà ta đã quên mất sau những giấc mộng dài.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bài TỊNH HẠNH, ảnh LINH NGUYỄN