Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Hạnh phúc đời con

Ba Mẹ kính yêu!
Một Mùa Vu Lan nữa đã về. Đây là mùa Vu Lan thứ 28 kể từ khi con chào đời. Vậy là đã 27 mùa Vu Lan trôi qua nhưng mãi đến mùa Vu Lan này con mới bắt đầu viết về Người, viết về một gia đình ấm áp của chúng ta.
Con vô tâm và hững hờ quá phải không Mẹ? Con đã mãi chạy theo những thú vui của thế gian, đắm chìm trong công việc, lúc nào cũng nghĩ rằng phải kiếm thật nhiều tiền để Mẹ vui. Nhưng con đâu biết rằng con đã biết bao lần để Mẹ phải khóc vì con, biết bao lần con đã làm trái tim Mẹ phải đau nhói lên chỉ vì những suy nghĩ, những hành động bồng bột của con. Con sai rồi Mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con Mẹ nhé! Vì hiện giờ con cũng đang rất buồn.
Chiều nay, trời bỗng dưng đổ những cơn mưa thật lớn. Con ngồi thu mình trong một góc phòng. Và khi con buồn nhất, đau khổ nhất cũng là lúc con rất cần Mẹ bên cạnh. Dù cho bôn ba khắp bốn phương trời thì chỗ dựa vững chãi nhất để có thể xoa dịu nỗi đau sau những lần vấp ngã vẫn là gia đình. Đã bao nhiêu lần con phải quỵ xuống trước cơn bão tố của cuộc đời, nếu không có bàn tay của Mẹ, lời khuyên của Ba nâng con dậy thì chắc có lẽ giờ này con đã buông xuôi mặc cho dòng chảy của cuộc đời cuốn trôi con về một bến bờ vô định.
Con đã lớn lên bằng tiếng đục, tiếng gõ của Ba, bằng những cái bánh, cái kẹo Mẹ thức khuya dậy sớm đi bán hàng ngày. Dù cho có những khi cơn đau bao tử hoành hành, Mẹ vẫn cố gắng gượng để chị em con không phải mặc cảm với bạn bè về sự thiếu thốn. Mặc cho những ngày trời mưa bão, mới bốn giờ sáng Mẹ đã phải dậy sớm đạp xe đi dọn hàng. Ngoài kia trời rất lạnh, gió thổi từng hồi, giữa một không gian bóng tối bao trùm duy chỉ có mình Mẹ cặm cụi với chiếc xe đạp đi giữa trời giông bão mong kiếm được cho gia đình những bữa cơm ngon, để chị em chúng con có được bộ sách vở mới, quần áo mới khi sắp đến mùa khai giảng. Nằm ở trong mùng ấm áp trong chăn êm nệm ấm, con vẫn muốn ra phụ Mẹ nhưng sức mạnh của cơn thèm ngủ đã khiến cho con không bước nổi ra khỏi giường. Con vô tư và ngủ một giấc tới sáng… Khi ngủ dậy thì đồ ăn cũng đã có sẵn, đến trưa thì Mẹ đi bán về rồi lo bữa cơm trưa cho gia đình. Và thời gian cũng dần trôi qua, khi chúng con bước vào ngưỡng cửa đại học, gánh nặng lại càng đè lên vai Cha lưng Mẹ. Muốn con không phải lo lắng về tiền bạc, yên tâm học hành, Mẹ đã giấu đi nỗi khó khăn của gia đình, Người vẫn cố gắng mỉm cười thật tươi khi nói chuyện với con để con không phải bận tâm ở nhà. Ngày đưa con vào Sài Gòn học, Ba chở con trên chiếc xe đạp đi tìm trường, mồ hôi ướt đẫm lưng áo Ba. Thỉnh thoảng qua những ngã tư, vì mãi chỉ đường cho con mà Ba quên mất có đèn đỏ, cứ như thế Ba băng qua và khi luồng xe bên kia ùa tới, đông đúc và tấp nập đã khiến cho chiếc xe đạp của cha con mình lạc giữa một rừng xe máy. Tấp nập, vô tình và hối hả - phải chăng chính nhịp sống ở vùng đất Sài Gòn ồn ào và khói bụi này đã khiến con cũng trở nên vô tình, hờ hững trước bao khổ cực mà Mẹ Cha đã gánh chịu vì con.
Hãy tha lỗi cho con! Con đã sai rồi. Con đã làm cho Ba phải buồn, cho Mẹ phải khóc vì con. Trên vạn nẻo đường của cuộc đời con luôn cần có Mẹ Cha bên cạnh. Chính hai đấng sinh thành đã vực con dậy sau những lần con té đau và cũng là người chia sẻ với con rất nhiều trên đài vinh quang. Cha Mẹ vẫn luôn là những người bạn tri kỷ nhất, không bao giờ bỏ rơi con trong những lúc con rơi vào trạng thái cùng cực nhất, khi con đang loanh quanh và thu mình trong bóng tối với những mớ phiền não, khổ đau do chính con gây nên. Mỗi một năm qua đi, chị em con mỗi ngày một lớn lên cũng là lúc vai Ba càng đau và lưng Mẹ lại càng oằn xuống vì bao lo toan cho chúng con. Mùa Vu Lan này tụi con đã không về được với Mẹ, chỉ có thể gọi điện thoại hỏi thăm Người. Ba vẫn thường nhắc nhở hai chị em phải siêng năng đi chùa, niệm Phật. “Chỉ cần vậy thôi Ba Mẹ cũng thấy vui rồi, không cần phải kiếm tiền nhiều để làm gì, nó vốn là cái không thật và nó cũng không phải là cái của riêng con hay bất cứ ai. Chỉ có sống tốt, biết sợ luật nhân quả, vô thường nghiệp báo và thực hiện tốt những lời Phật dạy mới là cái thật của chính con. Đó là hành trang tốt để con vững bước đi giữa cơn bão của cuộc đời dù cho không có Ba Mẹ bên cạnh. Biết làm thiện là tốt nhưng cũng cần phải có trí tuệ để nhận diện được sự thật giả, đúng sai của cuộc đời và con hãy nên nhớ rằng dù cho con có thất bại thì trong đó nó đã ẩn chứa cái nhân của thành công nếu con biết tự mình vươn lên và trong thành công cũng đã ẩn chứa cái nhân của thất bại nếu con chỉ biết ngủ say trong chiến thắng. Ba Mẹ luôn bên con không phải bằng cái thân xác này mà ở bên con bằng chính cái tâm hồn, bằng những lời dạy thiết thực và quý giá trong cuộc sống”. Ba đã cho con cả một cuộc đời, cho con lẽ sống giữa miền trần gian. Tình yêu thương của Ba là cả một bầu trời bao la và tình yêu của Mẹ là cả một đại dương vô tận. Chị em con như những cơn sóng nhỏ lăn tăn nằm trong sự ôm ấp của Mẹ, là những cánh chim bé nhỏ bay giữa bầu trời rộng mở trong tình yêu thương của Ba. Con muốn mình sẽ trèo lên núi hái vầng thơ dâng Cha, bơi ra biển vớt câu ca tặng Mẹ. Vậy mà con vẫn chưa làm được. Thứ lỗi cho con vì chữ hiếu vẫn chưa tròn.
Khi còn ở nhà, con đã không biết trân trọng những ngày tháng được ở bên Ba Mẹ để rồi đến khi phải sống xa nhà con mới thấm thía được một nỗi nhớ gia đình đến chừng nào. Tối nay con đã cùng với đại chúng tụng bài kinh Vu Lan và tham gia lễ cài bông hồng, đó là một khoảnh khắc thiêng liêng và lắng đọng. Đã biết bao mùa Vu Lan trôi qua, chúng con cũng được cài bông hồng nhưng chưa bao giờ con cảm nhận được hết ý nghĩa của bông hồng trên ngực áo con như ngày hôm nay. Nước mắt con đã rơi xuống làm ướt cánh hoa hồng, nước mắt của một kẻ vỡ òa khi cảm nhận được một niềm vui bất tận - niềm hạnh phúc vì đời con vẫn còn có Mẹ, vẫn còn có một gia đình có đầy đủ Ba Mẹ bên cạnh.
Mẹ ơi! Mẹ có biết không?
Con thương Mẹ lắm gian truân, nhọc nhằn
Vì con bao quản tấm thân
Trèo non lội suối gió sương giãi dầu
Mẹ Cha ơn nặng trước sau
Con nguyền báo đáp trước sau trọn đời.
            Chị em con vẫn luôn sống tốt. Ba Mẹ hãy cứ yên tâm về chúng con. Xin thật tâm chia sẻ nỗi mất mác với những ai đang cài bông hồng trắng. Đó sẽ là một tổn thất rất lớn trong cuộc đời khi không còn Mẹ. Dù cho có thức trọn đêm nay để hát ngàn lời ca, chép vạn lời thơ về hai đấng sinh thành thì cũng không thể nào nói hết được công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha của Mẹ. Bởi vì sao?
Ngôn ngữ trần gian là túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ Cha
Văn tự là chiếc xe cọc cạch
Đường về quê Mẹ vạn trùng khơi.
               Tất cả đều vô nghĩa! Dẫu cho con có dùng ngàn vạn lời hoa mỹ để viết về Người thì cả cuộc đời này con vẫn không viết tròn được hai chữ Mẹ Cha. Và Vu Lan cũng không có nghĩa là chỉ riêng rằm tháng bảy mà 365 ngày luôn là những ngày để báo hiếu Cha Mẹ, cả cuộc đời này mỗi người con đều phải nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành không những trong hiện tại mà cả Cha Mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp. Xin đừng tạo nghiệp với bất cứ một sinh linh nào cả vì có thể đó cũng là Cha Mẹ của ta trong bảy đời quá vãng. Cám ơn Người đã cho con hình hài này và dẫn dắt con đến với con đường Đạo Pháp thông qua từng lời dạy của Người. Ngày hôm nay con đã ngộ ra rằng Phật không ở đâu xa, Phật luôn gần bên con mỗi ngày, đã từng nắm tay con và tập cho con đi những bước chân đầu tiên trong cuộc đời. “Phụ Mẫu tại đường như Phật tại thế”, câu nói này tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng có người đến cả cuộc đời vẫn chưa nhận ra được.
               Kính mừng đại lễ Vu Lan báo hiếu. Con chẳng biết nói gì cả. Chỉ có thể bấm máy và nói với Ba Mẹ rằng: “Con yêu Ba Mẹ đến vô cùng. Xin hãy tha lỗi cho con vì mùa Vu Lan này con đã không về được”. Xin được gửi triệu triệu đóa hồng đẹp nhất cho Mẹ kính yêu và xin được gửi muôn ngàn lời yêu thương đến Cha của con. Cánh hồng đã ướt đẫm nước mắt trên ngực áo, niềm hạnh phúc như được vỡ òa, hạnh phúc vì đời con vẫn còn Ba Mẹ kề bên.
                                                                                                                                                           
                                                                                              Hư thân
NGUYỄN ÁNH VY







Bông hồng trắng

Độ nhỏ tôi không tin
Người thân tôi sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất.
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán mẹ hôn con
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ la lẩy.
Một tâm trạng nghi ngờ đã theo con suốt mười mấy năm qua rằng con vẫn không tin sự thật mẹ đã mất. Con ngây thơ và khờ dại quá phải không mẹ? Đã biết bao mùa Vu Lan trôi qua con vẫn không đủ can đảm để cài bông hồng trắng. Con luôn chối bỏ sự thật dù rằng con vẫn biết mẹ đã không còn nữa. Đến giờ này tim con vẫn còn đau nhói khi nhớ lại cái ngày mà anh chị em chúng con ngậm ngùi trong chiếc khăn tang đưa mẹ về lòng đất lạnh.
Mẹ ơi!!!
Đó là tiếng gọi duy nhất mà con có thể hét lên lần cuối cùng khi người ta đưa quan tài của mẹ xuống huyệt. Con đau lắm! Chưa bao giờ con có thể cảm nhận được một nỗi đau quá lớn như vậy. Suốt mười mấy năm qua con đã sống trong sự trầm cảm, nghi ngờ và chối bỏ những sự thật về vô thường. Con trách ông trời đã cướp đi người mẹ của con, con trách trời Phật không thương những người lương thiện. Tại sao những người độc ác lại được sống lâu và giàu có? Tại sao mẹ con cả một đời lam lũ, vất vả đối chọi với cái khó cái nghèo, chắt chiu từng đồng để chúng con có được những bữa cơm ngon, có được bộ quần áo đàng hoàng để đến trường thì ông trời lại bắt mẹ con đi sớm?
Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời xanh.
Muôn vàn khó khăn, đau thương là thế. Cái đói cái nghèo đã làm héo hon đời mẹ. Thương cho anh chị em chúng con ở nhà đang chờ mẹ về để có bữa cơm chiều ngon miệng, mẹ đã ráng hết sức mình chèo đò qua sông mua cho được những thứ mà chúng con thích ăn nhưng nào ngờ đâu đó lại là buổi chiều định mệnh để rồi mãi mãi con đã không còn những buổi đứng tựa cửa chờ mẹ về. Dòng nước chảy xiết đã vô tình cuốn mẹ đi, năm đó trời mưa tầm tã, không một ai nghe tiếng mẹ kêu cứu, chỉ có tiếng gió và tiếng nước chảy cuồn cuộn đáp lại lời mẹ. Trong khi đó lũ chúng con cứ ngơ ngác nhìn nhau thắc mắc “Sao lâu quá mẹ vẫn chưa về?” Nào ngờ khi người hàng xóm vội vàng chạy qua nhà báo xác mẹ mới được vớt từ dưới sông, báo tin cho anh Hai phải chạy ra gấp. Anh Hai vội  chạy thật nhanh theo người hàng xóm, chân còn chưa kịp xỏ đôi dép, nước mắt ràn rụa chạy như điên như muốn níu kéo một điều gì đó. Nhưng đã muộn mất rồi… Mẹ đã xa chúng con thật rồi!
Một chiều thu lạnh dâng bát cơm đầy
Tình nghĩa ấy mẹ ơi bao thắm thía
Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ
Đức cù lao muôn một trả chưa xong.
Có phải là quá sớm không mẹ khi chúng con đang bắt đầu cảm nhận một nỗi đau về vô thường? Những giọt nước mắt mặn chát cứ tuôn chảy liên hồi, con muốn ngăn chúng lại mà không được. Thôi thì hãy cứ khóc. Hãy cứ hét lên cho đất trời biết rằng ông trời đã quá nhẫn tâm với chúng con. Nhưng rồi liệu mẹ có sống lại được không? Có về với chúng con được nữa không? Anh Hai cố nén cơn đau, cắn chặt môi cố ngăn đôi dòng lệ nhưng dẫu có cứng rắn cỡ nào con biết trong lòng anh cũng đang rất đau. Chỉ tội nhất là Út, Út chẳng biết gì cả, cứ ngơ ngác nhìn mọi người rồi lại cười, sau đó lại khóc vì đòi mẹ.
Rồi năm tháng cũng dần trôi qua, chúng con đang tập cho mình phải đứng vững trước những nỗi đau của cuộc đời, tập cho mình cách sống khi không còn mẹ bên cạnh, khi lớn lên rồi mỗi đứa tụi con mới nhận ra rằng lưng mẹ còng theo năm tháng cũng là lúc con đứng thẳng người với thiên hạ. Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh cho tất cả đến ngay lúc cuối đời mẹ cũng ra đi trong sự lạnh lẽo của đất trời vào ngày giông bão. Cuộc đời của anh chị em chúng con bắt đầu bước sang một trang mới kể từ cái ngày định mệnh ấy. Tất cả đều lấy những lời mẹ dạy để làm phuơng châm sống, phải sống cho thật tốt vì đó sẽ là cách trả hiếu cho mẹ. Và giờ đây khi con đã hiểu được thế nào là lẽ vô thường, vô ngã, thế nào là khổ, thế nào là sự được mất, sự giả tạm trong cuộc đời, con đã không còn oán trách trời đất nữa. Con đã chấp nhận và mỉm cười với tất cả. Con đã thực tập những phút giây sống thật với chính mình, con đang tập cho mình những bước chân vững chãi và thảnh thơi trong mỗi phút giây, con biết rằng mẹ vẫn luôn có mặt trong mỗi chúng con. Bao lâu nay con đã quá khờ khạo và ngốc nghếch, mọi khổ đau con đã không dám chấp nhận và đứng lên, con đã sống trong những ngày tháng dối lòng mình, con vẫn luôn mơ hồ tin rằng mẹ vẫn còn bằng xương bằng thịt ở với chúng con. Con đã luôn chấp cái thân giả tạm ấy chính là mẹ mà quên mất đi một người mẹ thật sự luôn ở trong chúng con. Con đã tự tạo cho mình những khổ đau, sống trong sự nghi ngờ, chấp trước, con đã tự buộc những phiền não vào trong mình để rồi mười mấy năm qua con vẫn luôn ngơ ngẩn trước cơn vô thường của cuộc đời. Con sai rồi. Con đã làm cho mẹ phải phiền lòng vì con. Mùa Vu Lan năm nay con vẫn ngậm ngùi mỉm cười để cài bông hồng trắng, bông hồng cho những ai không còn mẹ, có những giọt nước mắt vô tình âm thầm rơi nhẹ lên ngực áo ướt đẫm cánh hoa hồng và những giọt nước mắt ấy sẽ mau được lau khô để con vững bước đi tiếp trên con đường phía trước.
Mẹ hãy cứ yên tâm, mẹ nhé! Chúng con cuối cùng rồi cũng đã thành công trong xã hội, đoạn đường đi qua với muôn vàn khó khăn nhưng con biết mẹ vẫn luôn ở bên cạnh. Thành công chúng con có được ngày hôm nay cũng là nhờ sự dạy dỗ của mẹ năm xưa. Những lời dạy ấy vẫn còn luôn theo mãi chúng con trên suốt mỗi chặng đường. Chiều nay, nhân dịp lễ Vu Lan, anh chị em chúng con lại gặp nhau cùng đến thắp hương trên mộ của người, chúng con ngồi kể chuyện cho nhau nghe về mẹ, mặc dù Út không có nhiều ký ức về hình ảnh của mẹ nhưng em đã có một khuôn mặt rất giống mẹ khi còn sống và đó cũng chính là gia tài lớn nhất mà em đã có được từ mẹ. Tụi con vẫn luôn sống tốt và mẹ vẫn luôn có mặt trong mỗi chúng con.
Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng
Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan
Bâng khuâng nhớ đến ân sinh dưỡng
Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn.
Con đang khóc và con cũng đã từng khóc rất nhiều, con luôn không giấu được nước mắt khi mỗi năm phải cài bông hồng trắng. Xin gửi đến những ai đang còn mẹ lời mong mỏi hãy luôn luôn đừng làm cho mẹ buồn, dù cho bạn có thức trọn đêm ngày để hát về mẹ, cũng không hát hết được công ơn sinh thành dưỡng dục của người đâu. Hãy trở về bên mẹ khi bạn đang còn có cơ hội được ở bên cạnh người. Đừng để rồi một mai khi bạn ngậm ngùi với vành tang trắng và thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi!” thì cũng đã muộn rồi.
Con đang bước những bước chân thật vững chãi cho mẹ, cho con, cho anh Hai và cho Út. Chúng con sẽ cố gắng thực hiện những ước nguyện năm xưa của mẹ. Con yêu mẹ đến vô cùng! Mẹ ơi!

TỊNH HẠNH


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Vì em, tôi đã bật khóc hai lần…


Bức thư này tôi tính gửi riêng cho em nhưng khi nghĩ lại tôi muốn gửi cho tất cả mọi người. Chẳng để làm gì cả! Chỉ mong ai đó sẽ cùng chia sẻ với tôi vào lúc này. Tôi biết trong đó có em vì chính em đã làm tôi phải bật khóc hai lần…
Ngày về lại thành phố, tôi nhớ em và mọi người rất nhiều. Trên chuyến xe của buổi sáng hôm ấy, tôi như muốn níu kéo lại từng phút giây đi qua. Nhưng có níu kéo được không? Khi chính ta vẫn biết mọi thứ vẫn đang trôi qua như một dòng sông êm đềm. Đêm cuối cùng tôi cùng em và các bạn nói chuyện, chân tình lắm để rồi giờ này trong tôi vẫn chứa đựng những hình ảnh thân thương ấy. Sáng nay, khi check mail, nhận được email em gửi qua, đó là một địa chỉ lạ, tôi hơi ngạc nhiên, khi đọc từng dòng chữ và nhìn thấy những tấm hình em lén chụp tôi, tự nhiên có những giọt lệ trong lòng bỗng lặng lẽ chảy ra từ khóe mắt. Hai lần rồi em! Ngày em trao cho tôi dải băng “Hồi trống pháp”, tôi cũng xúc động không ngôn từ để tỏ bày. Mỗi giây phút đi qua là từng khoảnh khắc tôi trân quý đến vô cùng. Đêm chia sẻ cùng những người em “Thiện – Mỹ”, trong tôi đã hơi chạnh lòng nhưng tôi vẫn cười, vẫn đùa để tâm trạng thật của mình không được xuất hiện trong không khí chẳng thể nào quên được này. Dốc hết lòng này, tôi rất muốn chia sẻ nhiều nữa nhưng thời gian không cho phép để ta kéo dài thêm dẫu chỉ là một phút ít ỏi.
Đêm xuống dần… Càng về khuya, tiếng nói trong lòng như càng rõ hơn, ta lặng im lắng nghe những âm thanh từ vùng nội tâm phát ra theo nhịp thở của mình. Tôi biết em cũng đang thở cùng tôi. Tôi cười, em cười và các bạn cùng cười, bốn người chúng ta dù không nói ra nhưng dường như vẫn đang cảm nhận được những gì đang diễn ra của giây phút hiện tại này.
Trong bức email, em đã cảm ơn tôi rất nhiều. Nhưng em ơi! Tôi vẫn chưa được như vậy, tôi vẫn là một kẻ còn rất nhiều khiếm khuyết và đang từng bước khắc phục lại bản thân. Đã không ít lần, tôi từng bẻ gẫy cây bút của mình vì tôi chưa làm được những gì mà tôi đã  viết. Đã viết được thì phải làm được, nếu viết được mà làm không được thì ngôn ngữ cũng chỉ là sáo rỗng làm màu mè cho nghệ thuật mà không đọng lại chút hồn gì trong văn chương. Tôi thở dài trong sự mệt mỏi, có tiếng nấc nghẹn ngào trong đêm khuya xấu hổ cho chính mình. Cuộc sống với muôn vàn khó khăn và thách đố, tôi rất cần một người lắng nghe được những niềm đau trong lòng. Trong vạn người đi qua, tôi luôn cần có một người đi song hành cùng tôi, hiểu được tôi trong lúc này để tôi biết được rằng tôi chưa từng đơn độc. Hai mươi tám năm qua, ta chần chừ cho một quyết định tương lai của mình, hai mươi tám năm ta học khổ, không, vô thường, vô ngã… nhưng đến giờ ta vẫn chưa thông khi đứng trước quyết định cho một sự lựa chọn. Ta phải dừng lại tại đây thôi! Nay duyên trần đã dứt, đường trần mở lối, ta vui cảnh thiền, trong ta rỗng không trong ngày trở về… Hai năm cho một sự lựa chọn, trong tôi đang với những bộn bề lo toan lắm điều nghĩ suy cho một cuộc hành trình mới để sau này ta không còn vướng bận bởi những phiền muộn, ưu tư ở cuộc đời. Xả hết cho tâm này thanh thản nhưng cũng không tránh khỏi những giây phút của cảm giác ấy thoáng qua khi ta ngồi lại với chính mình.
Sáng nay, sau ca trực đêm, tôi không về nhà, bức mail này viết cho em khi tôi đang ngồi tại quán Café Stone Garden. Đó là Vườn Đá. Tôi tâm sự cùng đá, cùng cỏ cây, với bút mực và với chính tôi nữa. Tôi vẫn tin đá cũng có một linh hồn, đá lắng nghe tôi mà không nói một lời, đá im lặng nhưng đá không hề trơ trơ, cỏ cây cũng nghe tôi chia sẻ, cỏ cây cũng không nói gì, chỉ im lặng và thỉnh thoảng lại cười trong gió. Tôi đang hòa mình theo nhịp điệu vũ khúc của đất trời, nỗi buồn xin gửi vào gió mây vì tôi biết vẫn còn có những người bạn thiên nhiên là kẻ tri âm, tri kỷ dù tôi không nhận được một lời hồi âm ngoài tiếng gió và tiếng chim ca. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Bỗng dưng tiếng hát của nữ ca sĩ Khánh Ly cất lên, tôi giật mình trong cái nghĩ lại chính mình và mỏi mệt trong cái loanh quanh của 28 năm qua.
Cảm ơn em vì đã lắng nghe tâm sự của tôi vào lúc này. Trong khi chia sẻ có đôi lần vì nghĩ thân thiện, không gò bó, hình thức, tôi “lỡ” dùng những thô từ hơi quá dân dã “mày, tao” gì đó trong khi đùa giỡn, nếu những thô từ này có làm em suy nghĩ điều gì thì hãy bỏ qua cho tôi nhé! Vì chỉ nghĩ rằng nó trên mức độ thân thiết mà thôi vì mình là những người bạn không còn gò bó trong tướng chấp, ngôn ngữ của thế gian. Đơn giản chỉ là vậy! Nhưng dù nói gì thì nói, trong ngàn vạn từ hoa mỹ viết ra cũng chẳng bằng một dòng vô ngôn trong tình đạo vị.
            Tôi tin em sẽ vững chãi hơn tôi nên em hãy cứ yên tâm. Trong cuộc sống, dù có gặp những nỗi đau hay những phiền muộn, em cũng đừng nên lẫn tránh bất cứ điều gì nhé! Hãy mạnh dạn, vững chãi đón nhận nó như một món quà không sự phân biệt, ta đón nhận cơn đau thấm vào lòng rồi từng bước ta chuyển hóa thì từ từ những cơn đau ấy sẽ dịu xuống và “tìm đường thoát ra”. Ở đời, đừng lẫn tránh điều gì cả vì chuyện gì cũng có thể tới, càng tránh ta lại càng gặp và thở mệt mỏi trên đường trốn chạy, tốt nhất ta cứ để cho bước chân này thật thong dong, mỉm cười đón nhận tất cả những gì đến với mình, ôm ấp, quán sát và chuyển hóa thì nỗi đau dù đã qua đi vẫn để lại trong ta một dư vị ngọt ngào của kinh nghiệm sống khi ta đang có sự an tĩnh trong nội tại. Buồn – vui là chuyện thường tình, vì không có buồn - vui thì làm sao ta hiểu chuyện con người, không đau khổ ta lấy chi làm chất liệu trong cuộc sống. Khi đã hiểu chuyện con người rồi thì ta có còn kẹt trong hai chữ “buồn – vui” của thế gian nữa không? Khi ta sai, người góp ý ta vẫn buồn, không phải ta buồn người mà ta buồn vì ta đã làm sai, ta chưa thực tập được những điều mình đã viết bằng bút mực, ta xấu hổ khi nhìn lại mình, và ta vui vẻ cố gắng nhìn lại con người còn nhiều khiếm khuyết ấy để ta vững bước đi lên. Hãy tự thân, tự lực mài bút mực để chính tay em viết lên những niềm đau của cuộc đời. Đừng nhờ ai viết thay cho mình, khi em đã hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình thì em mới cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân, của chúng sanh. Đã viết được niềm đau do chính mình nghiệm thấy thì sẽ viết lên được những lối thoát cho thế nhân còn hụp lặn trong biển khổ, hãy ươm mầm tuệ giác, hãy buông bỏ tất cả với những ý nghĩ lăng xăng để tâm an định mong hiển bày trí tuệ chân thật của chính mình, đó cũng chính là tánh giác tròn đầy của mỗi chúng ta. Ta tập ngồi lại với bản thân, ta lắng nghe những tiếng than thở của cõi lòng và lau chùi những bụi bặm đang che mờ tánh giác của ta. Biển mê của con người chính là đây. Phiền não, chấp trước, không xả bỏ, lăng xăng trong dòng suy nghĩ để rồi từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau vẫn còn trôi lăn mãi giữa dòng sinh tử. Ta chưa từng cảm nhận được sự an lạc nội tại, chưa một lần ta ngồi lại với chính con người thật của mình, đó chính là lý do tại sao ta chưa từng một lần biết “xây mộng đời” bằng chính cái rỗng lặng hằng tri của chính ta.
Đó là những dòng tâm huyết ta muốn được chia sẻ cùng em và các bạn. Ngày trở về, nếu không tìm thấy tôi trong thân tướng của hiện tại thì hãy tìm tôi trong tận đáy sâu của tình cảm tôi gửi vào đây. Giữa dòng pháp giới duyên sinh vô tận, ta thể nhập vào cội nguồn uyên nguyên của vạn Pháp, trở về với sự vắng lặng của dòng tâm thức, cố gắng không còn lay động bởi ngoại cảnh mong tìm được con người thật của chính mình, một con người không hình tướng, không chịu sự chi phối của vô thường, vượt trên cả không gian và thời gian, tâm này trở về với sự tĩnh lặng, an định nhưng vẫn tồn tại một cái biết có trí tuệ, không hư vọng. Thân tâm này đã cống hiến cho Đạo Pháp, xin được khắc phục hết tất cả những lỗi lầm, trong Phật sự tịnh tâm gánh vác, ngoài xã hội không thối tâm trước sự biến chuyển của vạn vật và lòng người, nguyện hết mình thực hành hạnh nguyện lợi tha, tâm này rỗng không trên đường trở về…
Vì em, tôi đã bật khóc hai lần nhưng là người con Phật tôi vẫn luôn phải vững bước đi lên!

                                                                                                                  
TỊNH HẠNH 



Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chút tình đạo vị gửi người em Thiện - Mỹ

Thiện-Mỹ thân mến!
Biết nói gì đây? Khi ngôn ngữ chỉ là phương tiện đạo đoạn, lòng ta muốn nói rất nhiều nhưng phải bắt đầu từ đâu đây? Trên chuyến xe từ Sài Gòn về Đồng Nai, trong lòng với biết bao phiền muộn của những ngày qua, vứt bỏ mọi u buồn qua khung cửa xe, ta chỉ nghĩ về em và ta trân quý phút giây hiện tại này bên tách trà ta cùng em đàm đạo dưới đêm trăng ở sân chùa.
Em chia sẻ với ta rất nhiều, em đã đem đến cho ta và mọi người một đêm trăng đạo vị bên tách trà của tình đệ huynh. Những trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, một chút gì đó vô tư trong tiếng cười hồn nhiên và một chút gì đó điềm đạm của người học Phật, ta tin em sẽ vững chãi trên con đường sau này. Ta không cần em phải làm gì nhiều, không cần em phải nói cho hay, làm cho giỏi để thế gian khen, ta chỉ cần em luôn an tĩnh trước mọi sự biến đổi của cuộc đời. Đừng như ta khi chính ta đã từng trốn tránh những niềm đau bằng cách giam mình trong bốn bức tường của căn phòng chật hẹp. Ta trốn tránh sự não phiền của thế gian mong tìm một chút gì đó niềm an lạc nhưng rồi cũng chỉ là vô nghĩa vì ta chưa từng biết ôm ấp niềm đau của chính mình để học cách chuyển hóa.
Mặt trời đã lên cao từ lúc nào? Ta cũng không biết nữa. Lòng ta vẫn một đám mây đen không ánh dương tỏ rạng bởi trong ta vẫn chưa một lần có sự an lạc nội tại. Có chăng sự an lạc đó cũng chỉ là ngôn ngữ thoáng qua cho bóng bẩy, trau chuốt hình thức của thứ văn chương gỉả tạm ở thế gian. Ta khóc cho thật nhiều, ta muốn hét cho thật lớn để những cơn đau trong lòng không còn nữa. Nhưng có ai biết được rằng càng khóc ta lại càng đau. Đau cho tình thế nhân, ta học được chữ “ngờ” trong niềm đau khốn cùng để rồi ta đã biết được rằng trong ta chưa từng có sự vững chãi, chưa từng chấm dứt được mọi sự nghi ngờ. Xé tan mảnh giấy trắng sáng nay với mớ ngôn ngữ sáo rỗng để lấy lòng thiên hạ, ta đặt bút viết nên dòng vô ngôn trong cõi lòng rỗng lặng hằng tri, ta mỉm cười cùng em bên tiếng cười chứa chan sự an tĩnh nội tại, hạnh phúc nhiệm mầu mà vạn kiếp qua ta chưa từng một lần cảm nhận được.
Gửi em tôi!
Các em còn rất trẻ, trên đoạn đường em đi dẫu muôn vàn khó khăn, giông bão cuộc đời có thể khiến em sẽ ngã quỵ vào bất cứ lúc nào. Hãy đứng vững trước sự biến chuyển của vạn vật, của lòng người ở cõi nhân thế. Hãy là những người Phật tử trẻ với trái tim nhiệt huyết xây dựng ngôi nhà Ngọc Quang ngày một rạng ngời bằng tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật. Ngọc Quang Tịnh xá không phải vững chãi bằng xi-măng, cốt thép, không phải đẹp bởi cây cao bóng mát mà điều đó một phần được khẳng định bởi sự vững chãi và tâm hồn trong sáng của các em nữa. Do đó, hãy quý trọng những gì mình đang có, sống thực với giây phút hiện tại này để ta cảm nhận sự có mặt trong nhau. Ta đang sống trong tình huynh đệ, tình Thầy trò, đó là tình đạo vị mà bạc vàng ở thế gian cũng không thể nào mua được. Hơn 24 giờ ở cùng em là khoảnh khắc để ta nhớ mãi về những bữa cơm tương chao, dưa cà nhưng chữ “Tình” lại nặng vô cùng và chén trà đạo ấm áp tình Thầy dưới đêm trăng quây quần bên nhau. Mộc mạc thôi, đơn giản chỉ vậy thôi mà sao ngôn ngữ lại trở nên bất lực không họa được bức tranh thơ cho ý nghĩa vẹn toàn. Chỉ là những thô từ mộc mạc gửi tặng em, ta chẳng biết phải chia sẻ gì vào lúc này, vài dòng ngắn ngủi gửi đến em như món quà đạo tình trước khi ta lên xe trở về lại thành phố của khói bụi, ồn ào.
Ôi! Ngôn ngữ cuối cùng cũng chỉ là phương tiện đạo đoạn, lòng này muốn tỏ bày rất nhiều và nhiều lắm, văn vẫn chưa hết lời, lời vẫn chưa hết ý mà sao câu từ vẫn như chiếc xe cọc cạch không chuyển tải được hết nỗi lòng này. Ta tin ở em, Thiện-Mỹ. Các em cũng sẽ là những viên “Ngọc-Bửu” xây dựng ngôi nhà Chánh Pháp - Ngọc Quang -  mãi trường tồn, cùng hỗ trợ các vị trong hàng ngũ Tăng già tiếp nối dòng sinh mệnh của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hãy sống trọn với hai chữ “Phật tử”, viết tròn được hai chữ này, các em sẽ hiểu được ý nghĩa về pháp danh của mình mà Sư phụ đã đặt cho. Và Ngọc Quang vẫn mãi là viên ngọc sáng cũng như viên ngọc trong chéo áo mà chính ta đôi khi vì vô minh đã không nhận ra được đấy thôi.
Mặt trời đã lên cao, vẫn những tia nắng ấm áp dưới sân chùa, những làn gió mát của buổi sớm mai, muôn chim ca hát mừng thay những viên “Bửu-Ngọc” trong tâm hồn người “Thiện-Mỹ”. Ta đang nghĩ về em… Hãy hiểu và thương nhau nhiều hơn, huynh đệ ta đang an trú trong giây phút hiện tại, ta cùng thở và cười để rồi ngày mai gặp lại  ta cùng hát vang bài “Hôm nay ta về đây” như dạo ấy ta vẫn thường hát tặng nhau.
Vững bước đi lên! Ta cười và em cũng cười… Khoảnh khắc này sẽ chẳng bao giờ ta quên được.
Tặng em, ta họa đôi vần thơ
Giây phút bên nhau thật bất ngờ!
“Bửu-Ngọc”, tâm hồn người “Thiện-Mỹ”
“Ngọc Quang” chiếu sáng, mãi không mờ.
Ngọc Quang Tịnh xá, 17/07/2011
TỊNH HẠNH

Ghi chú:
* Thiện-Mỹ: tên đệm đặt pháp danh cho quý Phật tử nam-nữ dưới 18 tuổi.
* Bửu-Ngọc: tên đệm đặt pháp danh cho quý Phật tử nam-nữ từ 18 tuổi trở lên.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

CLB Hoa Linh Thoại thành lập “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” cho Tăng Ni sinh

I. Mục đích thành lập.
Đất nước Việt Nam ta với hơn 4000 năm văn hiến và trong đó đã có tới 2000 năm đạo Phật có mặt tại đất nước này cùng chịu bao thăng trầm vinh nhục cùng dân tộc Việt Nam. Mỗi thời đại lịch sử đều có xuất hiện các vị Tăng tài một lòng vì Đạo pháp và Dân tộc, chính các vị ấy đã tạo nên một lịch sử Phật giáo sống mãi trong lòng dân tộc với ngàn năm qua. Trong số các vị Tăng tài ấy có những vị đã từng trải qua giai đoạn là một Tăng Ni sinh ngồi trên ghế nhà trường tại các trường Phật học hay Đại học bên ngoài. Các thế hệ Tăng Ni sinh dù ở bất cứ thời đại nào hay môi trường nào đi chăng nữa, họ cũng là một bộ phận của Tăng đoàn, đó chính là những hạt giống cho một tiền đồ quang minh của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Một thực tế ai cũng có thể thấy rằng xã hội đang ngày càng phát triển, đất nước đang ngày càng chuyển mình trong thời kỳ hội nhập, mở cửa giao lưu văn hóa với các quốc gia trên thế giới, trình độ dân trí cũng tăng cao. Chính vì thế, trên bước đường hoằng pháp, người tu sĩ trẻ cũng cần phải có kiến thức Phật học và thế học vững chắc cùng đôi chân vững chãi trước sóng gió thử thách của danh lợi chợ đời. Thiết nghĩ, đối với những vị Tăng Ni sinh trẻ ở tỉnh để có điều kiện học tập tại các trường Phật học cũng là một điều khó khăn huống chi họ còn phải hoàn tất chương trình thế học bên ngoài. Với sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, họ đã không ngại vượt qua bao hoàn cảnh khó khăn trong điều kiện học tập thiếu thốn, sức khỏe bản thân không ít lần cũng “thăng ít trầm nhiều”. Để theo học, họ đành phải xa chùa quê về thành phố với bao lo toan vượt sức mình trong chiếc áo một người xuất gia. Mức sống và kinh phí học tập tại các trường Đại học ở thành phố cũng khá cao, do vậy, việc trang trải cho những phương tiện học tập là một việc không thể không nghĩ đến của người tu sĩ trẻ, chương trình học dày đặc nên đã có không ít vị phải chọn giải pháp cuối cùng ra ở trọ (vì một số trường vẫn chưa có Ký túc xá cho Tăng Ni sinh), làm thêm các công việc dạy kèm, đánh máy, viết thư pháp để có thêm chút thu nhập trang trải cho việc học của mình. Và lẽ tất nhiên khi những hình ảnh này còn tồn tại thì sẽ gây ra tác dụng phụ cho thời khóa tu tập vì thời gian đã không còn. Nếu những hình ảnh này không sớm được xóa bỏ thì sẽ có cảnh “Tăng ly chúng Tăng tàn”, một cộng đồng tu học mang tính “Lục hòa cộng trụ” sẽ bị lung lay, đó là một kết quả đau lòng không ai mong muốn.
Thiết nghĩ, dù là Phật học hay thế học thì con đường mà họ hướng tới vẫn là “Hoằng pháp lợi sanh” chứ không vì một mục đích tư lợi nào cả. Riêng với các vị vì hoàn cảnh quá đặc biệt phải trọ học ngoài thế gian, chúng ta cũng có thể chia sẻ bớt một phần khó khăn này với những tấm gương hiếu học vượt khó, họ đã nhẫn chịu mang tiếng đời đàm tiếu để sớm hoàn tất chương trình học mong được về hòa nhập cùng chúng đồng tu.
Nói tóm lại, trên bước đường học các chương trình nội điển lẫn ngoại điển, các vị học Tăng học Ni luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng vì lý tưởng hoằng pháp, các vị đã không nản chí bằng cách vượt lên mọi hoàn cảnh luôn đạt thành tích tốt trong học tập, xây dựng niềm tin cho Thầy tổ, huynh đệ và Phật tử. Vì vậy, để có thể trợ duyên cho quý vị ấy cũng chính là lý do ra đời “Quỹ hỗ trợ Tăng tài” của CLB Hoa Linh Thoại nhằm chia sẻ bớt những gánh nặng về tinh thần và vật chất mà họ đã và đang trải qua, cùng góp tay bảo vệ và ươm mầm những hạt giống là tiền đồ quang minh của Phật giáo Việt Nam.
II. Nội dung hoạt động
Kết hợp phòng Sinh viên vụ của Học viện Phật giáo Việt Nam để có được danh sách của những vị Tăng Ni sinh là tấm gương hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chút phần học bổng này hy vọng sẽ trợ duyên được phần nào cho các vị ấy trang trải học phí trong thời gian đang là những vị học Tăng, học Ni tại trường. Phần học bổng sẽ chuyển đến hai đối tượng:
- Tăng Ni sinh đạt thành tích tốt trong quá trình học tập và có hoàn cảnh quá khó khăn cần được hỗ trợ.
- Tăng Ni sinh hiện đang theo học trường Phật học và trường Đại học bên ngoài,  có hoàn cảnh đặc biệt.
III. Hoạt động
1. Ban điều hành gồm có:
a. Chủ nhiệm quỹ : ĐĐ. Thích Quảng Lợi
- Là lá phiếu quyết định khi các thành viên khác có sự bất đồng ý kiến về một vấn đề cụ thể.
- Vị đại diện thông qua mối quan hệ với các Học viện, trường trung cấp Phật học nhằm tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn của Tăng Ni sinh, để thông báo cho quỹ tìm hướng giúp đỡ.
- Vị quyết định mức hỗ trợ cũng như quyết định tăng, giảm hay ngừng giúp đỡ.
- Vị duy nhất có quyền yêu cầu thủ quỹ xuất chi.
b. Thủ quỹ kiêm thư ký: PT. Tịnh Hạnh (Nguyễn Ánh Vy)
- Thành viên có quyền tham gia ý kiến, được quyền bỏ phiếu xử lý một vấn đề cụ thể.
- Giới thiệu các hoàn cảnh Tăng Ni sinh khó khăn lên ĐĐ. Quảng Lợi để có quyết định giúp đỡ.
- Chịu trách nhiệm theo dõi từng hoàn cảnh được hỗ trợ để có đề xuất tăng, giảm hay ngừng giúp đỡ đúng lúc.
- Chỉ xuất chi khi có yêu cầu của ĐĐ. Quảng Lợi.
- Theo dõi và báo cáo thu, chi, tồn quỹ hàng tháng vào ngày cuối của tháng.
c. Ủy viên đối ngoại: PT. KevinHieu
- Phụ trách việc vận động tài trợ, tham gia đóng góp ý kiến, được quyền bỏ phiếu xử lý một vấn đề cụ thể.
- Trong giai đoạn đầu, KevinHieu cam kết mức tài trợ vận động được là 10 triệu – 20 triệu đồng/tháng.
- Chịu trách nhiệm trả lời thắc mắc của nhà tài trợ.
2. Quy tắc hoạt động
Các thành viên hoạt động dưới sự điều hành của Đại đức chủ nhiệm Thích Quảng Lợi. Hàng tháng, tổng kết kết quả danh sách Tăng Ni sinh nhận học bổng, báo cáo tài chánh, kết quả theo dõi thành tích học tập và hoàn cảnh của từng vị.
3. Vấn đề khác
Nếu sau này quỹ phát triển vượt khả năng quản lý của các thành viên hiện tại thì sẽ kêu gọi thêm thành viên khác tham gia và bảng phân công công việc sẽ được bổ sung sau.
4. Thông tin liên lạc
Quý vị Mạnh Thường Quân, nhà tài trợ có vấn đề gì thắc mắc, vui lòng gửi email tới các địa chỉ sau và xin để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ liên lạc với quý vị trong thời gian sớm nhất.
a. Đại đức Thích Quảng Lợi: chủ nhiệm CLB Tin học - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM; chủ nhiệm CLB Hoa Linh Thoại.
Điện thoại: 0938 708 807
Số tài khoản “Quỹ hỗ trợ Tăng tài”:
Ngân hàng Vietcombank 072 1005 080625 (tên TK Nguyễn Văn Linh)
b. Phật tử Tịnh Hạnh (Nguyễn Ánh Vy): Thủ quỹ kiêm thư ký
c. Phật tử KevinHieu: Ủy viên đối ngoại
Nguồn: http://hoalinhthoai.com/?option=ban_tin&view=ban_tin_chitiet&dm_id=45&post_id=3579&lang=vn