Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

TỈNH MỘNG

Ta đã gặp em từ lúc nào? Ta cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng trên chuyến tàu sinh - tử, tử - sinh, ta và em đã từng bao lần vô tình đi ngang qua nhau. Nay trong ta chỉ còn một cõi lòng rỗng lặng hằng tri, ta muốn được cùng em chia sẻ với những gì đã qua.

“Ảo ảnh phù du, một kiếp người
Vô thường thay đổi, tựa mây trôi
Hằng ngày, tự thân mài bút mực
Ươm mầm tuệ giác, xây mộng đời”. (T. Trí Giải)
Là ta đây? Em nhận ra ta không? Một buổi chiều bên núi đồi chỉ còn mình ta với đôi vần thơ ta viết tặng em. “Ảo ảnh phù du, một kiếp người”, có bao giờ em nhận ra cảm giác này chưa? Khi xung quanh ta bây giờ là những nấm mộ, rêu xanh đã phủ lối, gió vẫn thổi vào mỗi buổi chiều về và dường như đâu đó có tiếng khóc than cho số phận của một kiếp người đã qua. Tiếng khóc hòa trong gió và chỉ mình gió nghe được để rồi cùng hòa điệu giữa tiếng than khóc của nhân sinh giữa cuộc đời. Ôi! “Vô thường thay đổi, tựa mây trôi”. Ta có được gì trong vạn kiếp đã qua? Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị ư? Ta đã bỏ lại chúng giữa vòng quay của sinh diệt, diệt sinh. Chúng đều là những thứ không thể ở mãi bên ta được và rồi bỗng chốc cũng hóa thành hư không mà thôi. 
Em hãy nhớ lấy câu này:

“Hằng ngày, tự thân mài bút mực
Ươm mầm tuệ giác, xây mộng đời”.

          Đừng lãng phí thời gian trong lúc này khi chính em có thể làm được tất cả. Ta đã đánh mất thời giờ quý báu đó rất nhiều và ta cũng không muốn em đi theo vết xe đổ ấy. Hãy tự thân, tự lực mài bút mực để chính tay em viết lên những niềm đau của cuộc đời. Đừng nhờ ai viết thay cho mình, khi em đã hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình thì em mới cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân, của chúng sanh. Đã viết được niềm đau do chính mình nghiệm thấy thì sẽ viết lên được những lối thoát cho thế nhân còn hụp lặn trong biển khổ, hãy ươm mầm tuệ giác, hãy buông bỏ tất cả với những ý nghĩ lăng xăng để tâm an định mong hiển bày trí tuệ chân thật của chính mình, đó cũng chính là tánh giác tròn đầy của mỗi chúng ta. Ta tập ngồi lại với chính mình, ta lắng nghe những tiếng than thở của cõi lòng và lau chùi những bụi bặm đang che mờ tánh giác của chính ta. Biển mê của con người chính là đây. Phiền não, chấp trước, không xả bỏ, lăng xăng trong dòng suy nghĩ để rồi từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau vẫn còn trôi lăn mãi giữa dòng sinh tử. Ta chưa từng cảm nhận được sự an lạc nội tại, chưa một lần ta ngồi lại với chính con người thật của mình, đó chính là lý do tại sao ta chưa từng một lần biết “xây mộng đời” bằng chính cái rỗng lặng hằng tri của chính ta.


“Ngược dòng xa bến mộng niềm riêng
Vơi nhẹ trong tâm rũ não phiền
Gác nẻo mộng mơ, về bến Giác
Thuyền Từ lướt sóng, tâm an nhiên” (T. Trí Giải)
          Đã vạn kiếp ta “mộng” cùng thế gian, với những gì của kiếp sống phù du để rồi ta ra đi cũng chỉ hai bàn tay trắng giữa cuộc đời. Con thuyền ngược dòng xa bến cõi tạm, ta ôm ấp với nỗi niềm của riêng mình. Ôi! Ảo ảnh phù du, đời vô thường. Ta muốn ngược dòng thế sự trong chính cái “hằng yên tĩnh, sáng suốt” bên trong ta để trở về bến Giác “gác nẻo mộng mơ” giữa cõi đời ô trược. Ta chợt nhận ra một điều rằng dường như ta chưa từng một lần ngồi lại như thế này với chính mình bao giờ. Xin rũ bỏ những nỗi phiền muộn trong lòng này, những ganh đua, não phiền với danh lợi phù du, xin gác lại tất cả những gì của một thời mộng mơ giữa cõi tạm, vững mái chèo “tâm an nhiên” trên chiếc thuyền Từ lướt sóng về bến Giác an vui.

“Vân trời lãng đãng, cảnh thiên nhiên
Suối chảy dịu êm, tọa tâm thiền
Núi non hùng vĩ chim vui hót
Cảnh trần thơ mộng, chẳng phan duyên” (T. Trí Giải)


Mây vẫn thong dong trên nền trời xanh, suối vẫn chảy, chim vẫn hót vang tiếng hoan ca. Ngày mới đã đến trong ánh bình minh nắng chiếu qua từng kẽ lá và tất cả tấu lên điệu nhạc giao hưởng dịu êm của thiên nhiên. Ta tọa tâm thiền trong sự yên bình của đất trời, mọi sự giao tiếp thế sự hay sự vận hành của tâm thức dường như cũng đang dừng lại, ta không còn khởi tâm niệm trước mọi cảnh giới bên ngoài, soi vào trong tự tánh chẳng động, cảnh và trí đều lặng, tâm an nhiên, thanh tịnh, chẳng tham chẳng nhiễm, “chẳng phan duyên” trước “cảnh trần thơ mộng”. Tâm không dong ruổi, cũng chẳng trụ, tất cả chỉ thuần một tánh di nhiên.
          Em biết không? Đó chính là sự hiện hữu của một con người chân thật với cõi lòng rỗng lặng hằng tri không dính mắc và vướng bận trước sự biến chuyển của vạn vật, của lòng người ở cõi nhân thế. Lặng hết các duyên, thân tâm đồng như hư không cũng là lúc ta đã không còn bị tác động trước sự thật giả của cuộc đời. Ta cùng em dạo bước trong một khu vườn hoa xuân tươi đẹp, diệu kỳ, bao la diệu vợi. Ta đang an trụ trong sự hài hoà của đất trời và vạn vật cũng chính là lúc ta đang an trú trong một mùa xuân miên viễn, một mùa xuân sung mãn đang hiện diện khắp nơi từ ngoại cảnh đến tận đáy sâu của tâm thức.

“Dòng suối rì rào, khúc nhạc êm
Vi vu tiếng gió, cảnh êm đềm
Cỏ xanh thơ mộng, dòng thác chảy
Cung đàn dạo khúc, mặc cảnh tiên” (T. Trí Giải)

  Cảnh đẹp như một bức tranh với khúc nhạc dòng suối rì rào hòa trong tiếng gió vi vu, êm đềm với thảm cỏ xanh thơ mộng, dòng thác cung đàn vẫn dạo khúc tấu bản nhạc của núi rừng vang xa vào thái không. Ta mỉm nụ cười an lạc trong sự vững chãi vì từ nay ta đã không còn phải dong ruổi hay vướng mắc bởi cảnh tiên. Ôi! “Đâu ngờ rằng tánh mình xưa nay thanh tịnh”, đâu ngờ rằng ngay trong tấm thân ngũ uẩn sinh diệt này vẫn còn có một con người chân thật, thường hằng, bất sanh bất diệt. Bấy lâu nay, ta chưa một lần thể nhập vào cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp. Thế mới biết tại sao từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau, ta vẫn cứ mãi là khách phong lưu trên chiếc thuyền lội giữa dòng sinh tử, quán trọ trần gian đã bao lần đến và bao lần đi, lang thang từ muôn kiếp trên cuộc hành trình thiên lý. Chính sự dong ruổi, vướng mắc, tham nhiễm trước cảnh tiên, và cũng vì ta chưa một lần trở về với sự vắng lặng của dòng tâm thức, không còn lay động bởi ngoại cảnh nên ta chưa tìm ra được con người thật của chính mình, một con người không hình tướng, không chịu sự chi phối của vô thường, vượt trên cả không gian và thời gian, cảnh đẹp lắm nhưng “mặc cảnh tiên”. Ta đã không còn đắm nhiễm, tâm này đã trở về trong sự tĩnh lặng và an định nhưng vẫn tồn tại một cái biết có trí tuệ, không hư vọng. Em hãy cùng ta bước những bước chân thật vững chãi và thảnh thơi. Hãy cùng thở và cười để cảm nhận được sự hiện hữu của ta giữa vũ trụ này, em nhé!

 

“Khoác áo nâu sầm, dứt trần duyên
Tình nhiều oan trái, lắm lụy phiền
Bao người tham ái, sầu đau khổ
Đường trần mở lối, vui cảnh thiền” (T. Trí Giải)
Màu áo nâu sồng, màu áo của sự đơn sơ và giản dị, màu áo của sự khiêm nhường, của thiểu dục tri túc, cuộc sống đạm bạc và trầm tĩnh, màu áo của một cuộc đời thanh đạm để quán chiếu về lẽ vô thường, duyên sinh, bất tịnh và đó cũng là màu áo “dứt nợ duyên”. Ta cắt đứt những duyên trần bụi bặm, tình cảm luyến ái đã từng làm ta không ít lần “lắm lụy phiền” vì những cuộc “tình nhiều oan trái”. Vì tham ái, con người đã phải nhiều lần hụp lặn trong biển khổ sinh tử, nước mắt cho những cuộc tình chia ly, sầu đau trong sự nhung nhớ, tuyệt vọng để rồi ta và người được gì trong vạn kiếp trầm luân. Nay trần duyên đã dứt, đường trần mở lối, ta vui cảnh thiền, xin xả bỏ tất cả những vướng mắc, buộc ràng ở thế sự, những giàu sang, phú quý, danh lợi phù du để bước chân ta thong dong, vững chãi giữa đôi dòng thuận nghịch.
Xin hát tặng cuộc đời, hát tặng cho người những câu ca của tình thương và những vần thơ của niềm tin trí tuệ để giữa dòng đời vạn biến này tâm ta không buông lung, tham đắm hay dong ruổi trước sự quyến rũ bởi những cặn bã lợi danh của chợ đời.

 
“Bình minh thức dậy, thật sáng trong
Mặt trời tỏ rạng, thấu cõi lòng
Chợt nhận kiếp người, là ảo mộng
Dòng đời trôi mãi, tựa dòng sông” (T. Trí Giải)

          Ta đang sống trong mộng nhưng ta chưa từng biết đó là mộng, ta đắm chìm trong những thứ dục lạc của thế gian, vì chấp đó là thật nên ta đã không ít lần gây đau khổ cho người và cả cho chính ta. Trên dòng thác lũ sinh tử, ta để mặc cho dòng nước cuốn trôi, cứ trôi xa và xa mãi, cuối cùng ta đã bị cuốn phăng đi, và, nếu không có sự cảm nhận cay đắng tột cùng đó thì ta đã không biết được giá trị của một buổi sáng bình minh hôm nay khi “mặt trời tỏ rạng, thấu cõi lòng”, ta thức dậy trong ánh bình minh thật sáng trong. Giờ ta mới hiểu một điều rằng đạo lý luôn nằm ngay trong cuộc sống đời thường chứ không phải ở đâu đó xa xôi, hạnh phúc nằm ngay trong chính sự khổ đau, giá trị của chân thường chính là khi ta hiểu được về vô thường. Khi “Chợt nhận kiếp người, là ảo mộng. Dòng đời trôi mãi tựa dòng sông” ta mới hiểu được rằng cuộc đời vốn không thật, là duyên sinh, vô thường và huyễn mộng, vậy mà ta vẫn cứ đau khổ trước sự biến đổi không ngừng của vạn vật.
 
“Vẫn biết kiếp người là ảo mộng
Tình thương chia sẻ, sưởi ấm lòng
Dù cho thế sự, nhiều trắc trở
Bền tâm, vững chí, sống thong dong” (T. Trí Giải)

          Đó là một dòng sinh diệt ảo mộng, sống trong mộng mà chấp là thực nên ta vẫn còn ngơ ngẩn trước cơn vô thường của cuộc đời. Và khi “chợt nhận”, ta biết trong cái tàn hoại của ảo mộng vẫn còn có một lối giải thoát khi ta biết chia sẻ tình thương để “sưởi ấm lòng”, ta “bền tâm, vững chí, sống thong dong” “dù cho thế sự nhiều trắc trở”. Ta không cần em làm gì nhiều vì khi “vẫn biết kiếp người là ảo mộng” thì chỉ như vậy thôi cũng đã đủ lắm rồi!
          Mọi thứ rồi cũng qua đi. Ta còn được những gì vào những ngày đã qua đắm chìm trong cõi mộng. Nhưng được hay không cũng chỉ là do ta mà thôi. Đời không ban phát cho ta một điều gì cả. Nếu ngày nào em vẫn còn cuốn theo dòng nước lũ cuộc đời thì ngày đó em vẫn còn hờn trách cuộc đời này sao lắm nỗi đau thương. Cuộc đời vốn dĩ đã là vậy, em ạ! Chính những nốt nhạc thăng trầm đã viết nên một bản tình ca về cuộc đời để nhân loại này cần phải biết xoay tâm mình vào trong để biết nhìn thật, nhìn rõ và nhìn sâu. Lặng hết các duyên, ta không mộng giữa cõi mộng, trong mộng ta nhìn thấy một cái thường hằng hiện hữu, ta thể nhập vào cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp, ta không còn mắc kẹt giữa dòng ảo mộng, lội ngược dòng ta viết nên hai chữ “Tỉnh mộng” giữa cuộc đời để xin được tặng em cùng thế nhân.

Thơ: Thích Trí Giải
Bình thơ: Ánh Vy
Pháp Danh: Tịnh Hạnh


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

A Xà Thế thời nay

"Cuộc đời dâu bể lặng thầm nuôi con khôn lớn
Đôi lưng oằn cong cho con đứng thẳng người".
Trên chuyến xe về lại Sài Gòn, tôi miên man với những dòng suy nghĩ, trong lòng như đang quặn từng khúc ruột cho một người con gái giết Mẹ. Lặng thầm nhìn qua khung cửa xe dưới cái ánh nắng gay gắt và đất đai khô cằn của vùng đất thanh long, tôi không nghĩ rằng chính nơi đây lại sinh ra một A Xà Thế thứ hai của thời hiện đại.
Khép lại trang sách của lịch sử, ngậm ngùi khi đọc lại những hình ảnh hoàng tử A Xà Thế giết Cha để chiếm ngôi. Vua Tần Bà Sa La đã chết trong ngục vào những ngày cuối đời. Đôi khi tưởng rằng những hình ảnh này chỉ có ở lịch sử. Thế nhưng nó đã tái diễn lại ngay chính trên vùng đất quê hương này.
Nếu ngày xưa hoàng tử A Xà Thế có thể giết Cha để chiếm ngôi vua thì ngày nay người ta có thể giết Mẹ để chiếm đất. Chỉ vì muốn chiếm luôn mảnh đất của Mẹ mà người con ấy đã không từ một thủ đoạn nào, họ có thể bỏ đói bỏ khát người Mẹ 86 tuổi ấy không một hạt cơm, giọt nước, họ không giết Mẹ bằng dao để xóm giềng phải nhìn thấy nhưng họ đã giết Mẹ bằng chính những thủ đoạn dã tâm nhất của những gì không thuộc về một con người.
Mẹ đã khóc … Tiếng khóc Mẹ không dám nấc lên thành tiếng. Mẹ nuốt nước mắt vào trong chịu đựng bao sự đắng cay, đau đớn. Mẹ cắn răng im lặng không một lời oán con, chỉ mong người con ấy sớm tỉnh ngộ đừng gây nên tội lỗi nữa. Mắt Mẹ đã mờ, Mẹ té xuống không người đỡ dậy, người con ấy đã xốc Mẹ lên như chỉ muốn làm cho Mẹ đau đớn thêm. Mẹ đau đến thấu tận trời xanh, cõi lòng Mẹ đã nát tan khi chính đứa con ruột của mình khóa chốt cửa bên trong không cho một ai tới thăm Mẹ, họ giam Mẹ bỏ đói cho đến chết mới thôi…
Mẹ đã đi rồi…
Tôi muốn hét lên giữa trời xanh, trước biển cả bao la, giữa đất trời lồng lộng. Đến bao giờ thì bốn chữ sắc, tài, danh, lợi mới không còn hiện hữu trên thế gian này nữa. Vì tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, người con gái ruột của Mẹ đã bất chấp mọi thủ đoạn để giết đi người đã sinh ra mình, nuôi con lớn lên bằng những đồng tiền chắt chiu của Mẹ để con có những bữa cơm no lòng, lưng Mẹ còng theo năm tháng cũng là lúc con đứng thẳng người với thiên hạ. Con lớn lên trở thành ông này bà nọ được người ta kính trọng, Mẹ nằm một xó trong góc giường không hạt cơm giọt nước. Ngày đưa tang Mẹ, đàn cháu con ngậm ngùi trong chiếc khăn tang đưa Mẹ về lòng đất lạnh. Người con gái ruột đã giết Mẹ cũng đóng một màn kịch hết khóc rồi xỉu, như thể rằng họ cũng đang rất đau lòng lắm??!!
Cả một cuộc đời Mẹ đã hy sinh cho tất cả khi hai người con đầu của Mẹ đã trở thành liệt sĩ, Mẹ không sống cho riêng Mẹ, ngay đến cuối đời Mẹ vẫn kiên cường, cố gắng chịu đựng để sống, để giữ cho được miếng đất của cha ông để lại, Mẹ muốn xây một ngôi Từ Đường ngay chính trên mảnh đất này, Mẹ không muốn miếng đất ấy phải rơi vào tay những kẻ độc ác.
"Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà Mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời giống nước đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng, Mẹ ơi!"
Tôi nhớ rằng sau khi giết cha là vua Tần Bà Sa La rồi, một hôm A Xà Thế nằm mộng thấy cha về mỉm cười và nói với ông rằng:
-         "A Xà Thế! Ta là cha của con. Tuy con đã giết ta nhưng ta không oán hận con. Là đệ tử của đức Phật nên ta nguyện dùng đức từ bi của Phật mà tha thứ cho con. Dầu sao con cũng đã là con của ta nên ta chúc con một điều, chúc con sớm giác ngộ mà bước đi trên con đường ánh sáng".
Lời báo mộng của vua Tần Bà Sa La cũng chính là lời mà người Mẹ ấy đã muốn nói với người con gái ruột của mình trước khi nhắm mắt, nhưng lúc này bà đã quá yếu không thể nhấc môi để nói lời cuối cùng. Bà nắm chặt tay người cháu ngoại và nhẹ nhàng ra đi trong tiếng niệm Phật.
Tạm biệt vùng đất thanh long nắng nóng, tôi trở về lại Sài Gòn với tâm trạng khắc khoải, đau buồn. Lạc giữa dòng người tấp nập với từng dòng xe cộ qua lại, người người hối hả giữa dòng mưu sinh, họ đang chạy theo tiền tài và danh vọng, trong số họ có ai đang nghĩ về những người Mẹ đứng tựa cửa ngóng trông con tháng ngày hay không? Có người nào đã làm tròn chữ Hiếu hay chưa?
Phàm ở đời làm việc gì cũng phải chịu sự chi phối của luật nhân quả, mỗi một hành động của chúng ta đều đã được ghi chép lại. Ta có thể che mắt được thế nhân nhưng những gì đã ghi trong sổ Nhân Quả thì muôn đời một chữ cũng không thể sửa. Hãy ý thức những gì mình đang làm. Đừng để tới lúc khi quả báo tới mới phải than khổ giữa cuộc đời này.
  Tựa đầu vào vách tường nhìn về xa xăm của cõi hư không, đôi dòng lệ chảy ra từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Tôi mỉm cười và tự hỏi rằng tôi đang khóc cho sự ra đi của một người Mẹ hay tôi đang khóc cho nhân thế giữa dòng vô minh. Tôi gạt dòng nước mắt và gật đầu: Tôi đang khóc cho cả hai. Cho sự ra đi đau đớn của Mẹ, cho nhân loại còn đắm chìm trong biển khổ, sức mạnh của đồng tiền, bóng tối của vô minh đang bao trùm trên khắp tất cả, chữ Hiếu đã bị xói mòn trong thời đại ngày nay, chữ Tài chữ Danh đang được vun bồi. Chua chát để nhìn ra sự thật rằng giá đất càng tăng thì chữ Hiếu lại càng được coi rẻ. Thế mới biết tại sao trong một vòng lẩn quẩn, chúng ta luôn cứ phải gặp nhau ở cõi Ta Bà này. Không buông được sắc, tài, danh, lợi thì làm sao cầu được giác ngộ, giải thoát, không bỏ được vọng tưởng, chấp đắm thì làm sao ra được rừng mê về miền cực lạc. Than ôi! Thế gian này! Tất cả chỉ đều là giả tạm rồi cũng hóa thành hư không mà thôi. Thế nhưng người ta vẫn có thể sẵn sàng giết Mẹ mình để đạt lấy nó, để rồi cho dù là đời nào đi chăng nữa thì hình ảnh một A Xà Thế giết cha vẫn luôn được tái hiện lại. “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên” câu nói này liệu có còn được ai nhớ đến nữa hay không?
Miên man trong dòng suy nghĩ, tôi giật mình và trở về nhà trong lời ru của Mẹ, trong ánh sáng đưa đường của ánh trăng đêm rằm… “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” nguyện cho thế gian sớm ngộ được câu nói này. Mong lắm thay!

TỊNH HẠNH

Người tu sĩ và con đường âm nhạc

Chuông vang lời kinh Phật
Mõ vọng tiếng từ bi
Như ánh trăng tỏa chiếu
Làm dịu mát lòng người
Như nắng trời sưởi ấm
Cho cây đời xanh tươi
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.
Có những bài hát như ánh lửa bừng lên rồi chợt tắt, không còn đọng lại gì ở người nghe. Tuy nhiên cũng có những bài hát, mặc dù tiếng nhạc đã dứt hẳn nhưng âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại ở trong ta. Cất tiếng hát không phải để hát cho chính mình, không phải để hát cho riêng tôi hay cho riêng anh mà “tôi hát cho muôn loài càng thương nhau hơn”.
Vậy người tu sĩ có nên được hát, có nên đến với âm nhạc hay không? Thực tế có những quan điểm cho rằng không nên vì nó sẽ đánh mất oai nghi của người tu, không nên dấn thân vào những chốn ồn ào, náo nhiệt. Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng người tu sĩ vẫn có thể hát, hát để phục vụ chúng sanh, hát những bài kinh phổ nhạc hay niệm Phật nhạc chẳng hạn. Nếu xem âm nhạc là một phương tiện để truyền tải lời Phật dạy trong từng lời ca tiếng hát thì sao lại còn chấp vào việc người tu sĩ có nên hát hay không? Quan điểm nào cũng có một cái lý của nó. Nếu chúng ta gán cho âm nhạc một cái nhãn hiệu là ồn ào và náo nhiệt thì nó sẽ luôn là thứ ồn ào và náo nhiệt. Và điều này thì người tu sĩ lại càng phải tránh xa con đường ca hát. Nhưng thực chất bản chất âm nhạc vẫn chỉ là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong cuộc sống. Bản nhạc đó có đi vào lòng người hay không, có đánh mất oai nghi của người tu sĩ hay không còn tùy thuộc vào người trình bày bài hát đó. Phật tử tới chùa tụng kinh, nghe Thầy giảng pháp, nhưng lại có những người chỉ thích nghe nhạc và âm nhạc cũng có thể cảm  hóa được họ. Vậy tại sao ta không chuyển lời Phật dạy thành những bài ca thanh tịnh, ấm áp tình đạo vị trong mỗi ca từ. Vào dịp lễ Phật Đản hay Vu Lan, các chùa cũng hay mời ca sĩ về hát, điều này thật ra cũng không có gì, nhưng con thiết nghĩ những bài nhạc Đạo hay như vậy người tu vẫn có thể hát được chứ. Bằng chính tình cảm của mình, quý Thầy quý Sư Cô cũng sẽ thể hiện được ý nghĩa thậm thâm trong từng lời kinh Phật. Con nói ở đây không phải để bênh vực cho ý kiến người tu sĩ phải được hát mà ở một góc độ, một chừng mực nào đó thì những ca khúc Phật Giáo cũng nên được trình bày bởi người tu. Chúng ta nên từ bỏ định kiến đã làm rào cản bấy lâu nay là “tu rồi không nên hát hò”. Mà vấn đề chính ở đây là nên hát những gì và không nên hát những gì. Âm nhạc là một nghệ thuật trong cuộc sống và cũng là một trong những phương tiện đối với vấn đề hoằng pháp. “Tôi hát cho hết thảy chúng sanh, tôi hát cho những người dân khốn khổ, tôi hát cho những kẻ còn đang đắm chìm trong rừng mê, còn đang say trong mộng tưởng và tôi cũng đang hát cho cuộc đời này, cho quán trọ trần gian đã bao lần đến và đã bao lần đi”.
Vì hạnh nguyện đại bi, hóa thân cõi vô thường
Vì hạnh nguyện lợi tha, dấn thân đem tình thương
Để chân lý thấm sâu, mọi chúng sanh đều thấm nhuần
Nguồn diệu pháp tràn lan đem bình an cho muôn loài.
Xin tiếp bước dấu chân xưa, Tăng Ni Phật tử trẻ chúng con nguyện lên đường dấn thân vì Phật Pháp, đem tiếng hát lời ca xoa dịu nỗi đau của muôn loài, đem ánh sáng Phật Pháp xé toạc màn vô minh, chúng sanh khắp nơi thấm nhuần nguồn Diệu Pháp bình an.
Hãy hát lên để nhân loại cùng hoan ca, để cuộc đời này được thăng hoa giữa ánh sáng của trí tuệ và hương thơm của tình đạo vị.
Pháp Phật bất khả tư nghì
Như Lai thị hiện thương vì chúng sanh.
Con xin gửi tặng Đại đức Thích Pháp Như hai câu thơ trên, không những Thầy mà còn có những quý Thầy khác nữa đã có rất nhiều tâm huyết với nền âm nhạc của đạo Phật. Quý Thầy đã không ngại quãng đường xa xôi để đi khắp nơi nguyện đem tiếng hát của mình xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời khốn khổ, tiếp thêm đạo tâm cho những ai đang trên cuộc hành trình mong cầu sự giác ngộ, giải thoát. Ánh đèn sân khấu không phải là cái để che lấp đi một sự giản dị mà oai nghi, vững chãi và thảnh thơi của một người tu sĩ. Vẻ đẹp của người tu sĩ với chiếc áo nâu sẽ không bao giờ bị đánh mất nếu ta đang hát với trái tim của một người con Phật, bắng cái tâm rộng mở luôn hướng đến muôn loài.
Đoạn đường nào cũng gặp nhiều gian khó… Tiếng hát sẽ vẫn còn vang mãi khắp muôn nơi… Âm hưởng cuả những bản nhạc thanh tịnh đã thấm sâu vào tâm hồn của mọi chúng sanh… Bởi vì “tôi không hát cho chính tôi mà tôi đang hát:
Cho quê hương ngập ánh tình thương
Cõi nhân gian hiện bóng thiên đường
Vì thiện pháp đã giăng đầy trên mọi lối”.

TỊNH HẠNH

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

PHÙ DU

Đời người nào khác chi hoa
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn.
Có phải vậy không em? Khi người đời vẫn biết điều đó là sự thật. Mặc dù vẫn tin là thật nhưng vẫn cứ phải kiếm tìm, giành giật những thứ chỉ là phù du, những thứ không thuộc về bất cứ ai, không thuộc về tôi mà cũng không thuộc về em. Tôi đã chạy một quãng đường rất dài, chạy hoài, chạy mãi cố đạt được điều này điều kia, vậy mà cũng không lấp được lòng tham ở trong tôi. Thế mới biết lòng tham của con người lớn đến dường nào.
Tôi đã để lại em giữa cuộc đời này, ra đi vẫn chưa kịp nói lời từ biệt. Giờ đây giữa chốn hiu quạnh, tôi mới biết cuộc đời như một giấc mộng, một giấc mộng mà trong đó tôi đã gặp được em, được yêu em, được sống bên em, được làm chồng của em và hơn thế nữa khi tôi đã được làm cha của hai đứa con nhỏ. Nhưng giờ đây thì sao? Tôi không thể được ôm lấy em hay được hôn lên hai đứa con của mình. Tôi đã khóc… Tiếng khóc của một linh hồn không ai nghe thấy tiếng. Tiếng khóc lạc lõng giữa hư không. Ba mươi hai năm ở trần gian tôi đã đánh mất đi quá nhiều, tôi đã thật phí sức mình cho những cái không thật của thế gian này.
Xin em đừng khóc vì điều đó chỉ làm cho tôi thêm đau lòng, không thể bước đi tiếp trên con đường còn lại. Tất cả chỉ là một vòng lẩn quẩn, chia ly rồi gặp, gặp lại rồi chia ly. Con người đã quá đau khổ vì những cuộc chia ly như vậy. Từ vô lượng kiếp tôi đã từng khóc vì em và em cũng đã từng khóc vì tôi. Cũng là một nhân duyên hẹn ước từ bao kiếp trước để rồi hôm nay chúng ta mới kết duyên là vợ chồng. Nhưng duyên đã hết thì biết làm sao đây?
Ta phải đi một ngày khi đã tận
Yêu đã xong, ân oán đã xong rồi.
Xin lỗi em! Vì tôi đã không làm tròn bổn phận của một người chồng, trách nhiệm của một người cha. Cuộc đời này còn lắm nỗi đau thương. Tất cả chỉ là phù du, là tạm bợ, vốn không có gì là thường còn. Có sinh tức có diệt, sinh diệt là chuyện thường tình. Thân này đã không phải là của ta. Đừng khóc nữa em nhé! Vì điều đó chỉ làm cho em đau khổ thêm thôi. Chúng ta vẫn không hề xa nhau. Khi em đang nghĩ về tôi cũng là lúc ta đang rất gần bên nhau. Đừng chấp vào cái thân giả tạm này vì một ngày nào đó em cũng phải rời bỏ nó để khoác một chiếc áo mới. Tôi không mong một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho em mà chính em hãy đứng trên hạnh phúc bằng chính đôi chân của mình, trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Sống thực với giây phút hiện tại để biết rằng ta đang còn hiện hữu trên cõi đời này. Hãy quên đi quá khứ vì tất cả đã qua rồi, đừng vọng tưởng vào tương lai vì chúng vẫn còn chưa tới. Hãy sống thật tốt em nhé! Thân xác dưới đáy mồ kia vốn không phải của tôi. Hãy nói với con của chúng ta rằng “Cha của chúng không hề mất. Cha rất gần bên các con”. Dù cho thân xác này vốn không phải của ta, em cũng đừng nên tổn hại nó vì đó sẽ là phương tiện giúp em hiểu được chân lý trong cuộc sống này.
Chiều nay nếu em đến thắp nhang trên mộ tôi, xin em đừng khóc để hai con phải buồn vì nhớ cha. Nén nhang không phải làm cho khu nghĩa địa này thêm tang tóc mà nó sẽ làm cho thân xác dưới kia được ấm lên. Vì cuộc đời luôn có cả mật ngọt và mật đắng, có nghĩa địa và vườn hoa, có tiếng khóc và tiếng cười, hãy trồng cho tôi một vườn hoa giữa khu nghĩa trang này, em sẽ đỡ thấy buồn và hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống như thế nào . Vững chãi trước sóng gió cuộc đời, hãy dạy cho các con biết thế nào là vô thường khi chúng bắt đầu tiếp xúc với cuộc sống này, em nhé! Hữu sinh hữu diệt, sinh sinh diệt diệt đó chính là luân hồi.
Gió vẫn thổi… Hoàng hôn đang buông phủ trên khắp núi đồi… Tôi đang tiếc thương cho một kiếp người… Phú quý ư? Vinh hoa ư? Sắc tài danh lợi cũng chỉ là phù du. Tôi đã đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng, ra đi cũng chỉ là kẻ trắng tay. Thế mới biết “Ta nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”.
Bình minh đã lên. Một ngày mới lại bắt đầu cũng có nghĩa là sẽ bắt đầu cho một kết thúc mới. Hãy đứng vững trước ngưỡng cửa sinh tử. Hãy vững tâm để nhìn rõ trần gian này. Tất cả chỉ là mộng. “Say mộng hay tỉnh mộng. Vẫn là mộng mà thôi”. Tất cả không có gì là chân thường, là thường còn, chỉ có vô thường mới chính là lẽ chân thường của thế gian này.
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Trong tôi vẫn luôn có em, trong em vẫn có tôi. Đừng lấy tấm thân giả tạm này để đau khổ cho sự chia cách. Người ta có thể mất một năm để tập nói nhưng lại mất sáu mươi năm để tập sự im lặng. Xin đừng để hết một cuộc đời này mới biết được đâu là thật, đâu là giả mà ngay bây giờ đây hãy biết im lặng, nhận rõ chân tâm và sự thật giả của thế gian này.
Vậy em nhé! Tất cả vẫn là không!
Trời cũng không, đất cũng không
Nhân sinh mênh mông ở bên trong
Ngày cũng không, đêm cũng không
Mọc đông lặn tây vì ai đây
Vàng cũng không, bạc cũng không
Chết rồi có gì ở trong tay
Thê cũng không, tử cũng không
Đường tới hoàng tuyền không tương phùng
Quyền cũng không, danh cũng không
Chớp mắt là hoang dã mênh mông.
Hãy yêu lấy cuộc đời này. Hãy lấy sự đau khổ làm chất liệu trong cuộc sống. Hãy lấy sự buồn vui để hiểu chuyện con người. Hãy đứng vững giữa giông tố cuộc đời. Đừng vì một cảnh chia ly tử biệt mà sầu khổ. Bởi vì sao? Tôi cũng không và em cũng không...

TỊNH HẠNH

Thư gửi chị

Em không định sẽ viết về chị. Vì em không biết phải viết gì cả. Nhưng tại sao khi đặt bút lên từng dòng chữ lại cứ theo nhau ra nền giấy. Em định sẽ dừng lại nhưng không biết phải dừng lại từ đâu và em cảm thấy rằng dường như khi em đang tâm sự với bút mực, em đã cảm thấy dễ chịu hơn.
Giờ đây khung cảnh thật tĩnh mịch. Nhớ lại mấy năm trước cũng vào những ngày này, chị em mình hay ngồi chơi với nhau, ngày đó nhà mình còn nghèo lắm, Mẹ lại mới vừa mất, bốn chị em luôn quây quần bên nhau. Cứ đến ngày tết chúng mình lại cùng nhau gói bánh chưng đi bán, mỗi người một việc, thức khuya dậy sớm chị em có nhau. Lúc đó em thầm nghĩ rằng chắc ở một nơi xa xôi Mẹ cũng đang rất vui khi thấy chị em biết yêu thương nhau như vầy.
Thời gian trôi nhanh thật chị à! Cũng đã 5 năm rồi còn gì. Nhà mình bây giờ đã khá hơn xưa, nhà lầu cửa lớn nhưng trong nhà thì không còn ai cả. Tụi em đã không còn ở bên chị. Út đã bỏ nhà đi từ lâu, giờ này không biết là đang ở đâu nữa. Em và bé Tư rất muốn về với chị nhưng tại sao mỗi lần về em lại không tìm được giây phút hạnh phúc như ngày xưa. Thắp nhang cho Mẹ xong lại phải lập tức xách gói ra đi. Mỗi lần như vậy, em rất giận chị và em rất nhớ chị Hai ngày xưa của em. Con số 5 năm không phải là con số lớn nhưng chị đã thay đổi quá nhiều. Không lẽ tiền bạc và danh vọng lớn đến thế sao? Chị sợ tụi em dành ngôi nhà này với chị. Nhưng chị ơi! Tụi em đâu cần những thứ ấy. Em đau lắm! Đau đến xé ruột xé gan khi người ta nói em là đồ cướp nhà, đồ rắn hổ mang! Nếu thời gian có thể quay ngược lại em mong sao vẫn còn nhà tranh vách đất như ngày xưa, vẫn còn những buổi thức khuya chị em nấu bánh chưng đem bán. Ngày đưa tang Mẹ, ba đứa em vẫn còn bàng hoàng không tin rằng Mẹ đã mất, lúc đưa quan tài xuống huyệt em biết giờ này không còn ai là người thân ngoài chị. Chị Hai là chỗ dựa vững chãi nhất cho em, bé Tư và Út.
Chị Hai ơi! “Lợi danh như bóng hoa chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời”. Đừng đắm chìm trong biển hồ tham vọng nữa. Nó chỉ là thứ bắt ta cứ phải lẩn quẩn trong vòng vô minh. Em vẫn đồng ý rằng ở đời ta cũng cần phải có vật chất, tiền bạc để làm phương tiện trong cuộc sống nhưng ta không thể để chúng làm chủ ta được. Tình thương là cái mà người ta rất cần cũng giống như tụi em đang rất cần tình thương của chị vào lúc này.
“Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường”.
Vô thường không đợi một ai. Tụi em đã không còn Mẹ và tụi em không muốn phải mất luôn cả chị. Phàm ở đời làm việc gì cũng phải chịu sự chi phối của luật nhân quả, vô thường, nghiệp báo. Chị sẽ hiểu em chứ?
Trời đã khuya lắm rồi. Khung cảnh thật yên lặng. Chỉ còn mỗi em với chiếc máy niệm Phật và những giọt sầu trong đêm. Em không biết giờ này chị Hai có đang nghĩ về tụi em hay không? Người ta nói rằng phải là vô lượng kiếp chúng ta có duyên lắm thì đời này mới kết làm chị em. Và em mong rằng chúng ta đừng chối bỏ nhân duyên này. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chị luôn được an lành. Nguyện cho mái nhà tranh ngày xưa vẫn còn để tình chị em chúng con mãi còn bền lâu. Em sẽ đi về muôn lối để tìm gặp lại chị như ngày xưa, dù rằng con đường đi sẽ rất xa nhưng sẽ rất gần nếu chỉ cần một phút chị nghĩ về tụi em. Cuộc đời này như một giấc mộng, danh lợi cũng chỉ là phù du, trần gian là nơi ở trọ, bỗng chốc rồi cũng hóa hư không mà thôi…
Tụi em cần chị, chị Hai à!
Chị em mình về đây ở trọ
Trọ trần gian và trọ trong nhau
Vui buồn, hạnh phúc, khổ đau
Chị em mình vẫn bên nhau tháng ngày.
TỊNH HẠNH

Nếu người Nhật cần, người Việt Nam vẫn sẵn sàng!

Nhân dịp tổ chức lễ cầu nguyện 49 ngày và quyên góp cho nạn nhân động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Hoa Linh Thoại đã có dịp được quý chư Tôn đức trong Ban tổ chức chia sẻ về ý nghĩa của đại lễ và thông điệp gửi đến cho những đất nước may mắn không gặp phải ách nạn này.
 1. Kính bạch Thầy, Thầy hoan hỷ cho chúng con được biết vì sao Lễ cầu siêu lần này được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO:
Đây là lần thứ hai, Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức. Lần thứ nhất, Học viện PGVN kết hợp với chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) tổ chức buổi lễ cầu nguyện, cầu siêu cho nhân dân Nhật Bản tử nạn trong trận động đất, sóng thần. Vì thời điểm đó, mình chưa có bước chuẩn bị nên phải kết hợp bên đó làm lễ cầu siêu. Hôm nay, sở dĩ Học viện PGVN tổ chức là bởi vì theo truyền thống của Phật giáo, tuần chung thất rất quan trọng, quyết định sự vãng sanh của một con người. Nhân hôm nay là ngày chung thất của nạn nhân động đất, sóng thần, Học viện PGVN do GS.TS. Lê Mạnh Thát cùng với Thầy tổ chức với mục đích chính là cầu siêu chung thất, kèm theo mục đích chính này là vận động thêm để cứu trợ cho nhân dân Nhật Bản trong đợt thảm họa vừa rồi. Thầy cũng có trực tiếp mời bên Tổng Lãnh sự Nhật Bản, nhưng chiều nay do bận nên sẽ cử đại diện Tổng Lãnh sự đến tham dự lễ cầu siêu, đồng thời Thầy cũng có mời một số doanh nhân Nhật Bản đến dự. Ngoài doanh nhân Nhật Bản còn có các doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam, các Phật tử Ban Bảo trợ, các Phật tử của Thiền viện Vạn Hạnh và các Tăng Ni sinh viên các khóa Học viện PGVN, các cấp chính quyền. Sở dĩ được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh là do Học viện PGVN đứng ra tổ chức, mà Học viện nằm trong khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh thì phải làm lễ tại Chánh điện của Thiền viện chứ không thể nào làm lễ tại trường được.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN:
Thiền viện Vạn Hạnh và Học viện Phật giáo Việt Nam là một địa chỉ. Thứ 2, Học viện là trường học, cho nên về vấn đề tôn giáo, nghi lễ phải tổ chức ở Chánh điện. Do vậy, chúng ta mượn cơ sở, mượn Chánh điện của Thiền viện để thực hiện. Về tinh thần tổ chức thì Học viện là đứng ra tổ chức nhưng do điều kiện thuận lợi là cùng một địa chỉ. Hơn nữa, HT. Thích Minh Châu vừa là Viện trưởng danh dự của Học viện vừa là Viện chủ của chùa nữa, nên đại lễ lần này được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh.
 2. Thầy hoan hỷ giải thích thêm cho chúng con biết về ý nghĩa của buổi cầu siêu này là gì ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Ý nghĩa ở đây là chia sẻ hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, căn cứ vào lời của Đức Phật dạy trong kinh, tuần thất thứ 49 quyết định một kiếp nhân sinh của con người, thì mình đem lời Đức Phật dạy theo truyền thống của đạo Phật là tuần chung thất cho nên các Thầy tổ chức cầu nguyện, cầu siêu cho họ. Ý nghĩa thứ hai là vận động để có được một số tiền lớn gửi qua Nhật Bản. Ý nghĩa thứ ba, đây là một trường Đại học của Phật giáo, đứng ở góc cạnh của người làm giáo dục thực hiện buổi lễ này trong tinh thần của Sinh viên Học viện PGVN để nhân dân Nhật cũng thấy rằng giới học thức trẻ của chúng ta cũng có quan tâm đến sự kiện vừa qua.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU):
Như mình biết người Nhật Bản qua trận động đất, sóng thần vừa rồi mất mác nhiều lắm, đặc biệt là nhân mạng đã lên tới gần 30.000 người, mất tích 12800 người. Trong tình nhân loại với nhau, đặc biệt Nhật Bản là đất nước Phật giáo, hơn 90% người Nhật theo Phật giáo, nước ta cũng là nước Phật giáo, cho nên, ngoài tình đồng loại còn có tình đồng đạo. Do đó, Học viện PGVN đã chủ trương tổ chức 49 ngày kể từ ngày 11/3 vừa rồi, theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam thì người mất, mình phải làm lễ tiễn đưa họ, trang trọng nhất đó là lễ 49 ngày. Vì vậy, trường đã tổ chức buổi lễ này.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN Cái đầu tiên của Phật giáo là từ tâm, lòng người con Phật dù là cư sĩ hay Phật tử đều đặt vấn đề từ bi lên trên, cho dù là ban Tin học hay ban HIV, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện thì cũng đặt từ bi lên trên. Chính tâm từ bi, ta mới có thể phổ độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu sĩ như thế. Hiện tại đất nước trên thế giới đang bị tai nạn như thế, ảnh hưởng của nước Nhật là ảnh hưởng trên toàn thế giới. Một khi đã ảnh hưởng toàn thế giới thì chúng ta thấy rõ rằng chúng ta phải gióng lên một tiếng chuông, tiếng chuông đó là trải lòng của người Phật tử, người con Phật ra khắp mọi nơi. Chúng ta phải biết tôn trọng tự nhiên cũng như phải biết thương tâm khi mọi vấn đề xảy ra, chúng ta phải biết chia sẻ trên đau khổ của mọi người. Đó chính là ý nghĩa của buổi lễ cầu siêu ngày hôm nay.
 3. Như vậy, ngoài việc tổ chức cầu siêu, Ban tổ chức còn mong muốn thực hiện thêm một điều gì đó cho người còn sống nữa ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Đây là buổi lễ cầu siêu cho người đã mất, cầu an cho người đang gặp hoàn cảnh khó khăn và kèm theo cứu trợ cụ thể.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Đúng vậy, chúng ta phải quyên góp. Trước mắt, chúng tôi đã quyên góp gần 600 triệu, còn tối nay có thể hơn. Hy vọng là sẽ hơn. Nói chung là cầu siêu nhưng cũng phải cầu an, nghĩ đến người còn sống.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Theo đúng ngày hôm nay là 49 ngày, trong đạo Phật rất quan tâm về ngày thứ 49. Nước nhật cũng là nước Phật giáo và 49 ngày là ngày định nghiệp của họ. Bên cạnh ý nghĩa cầu siêu, Học viện cũng mong muốn rằng hãy vì lòng từ bi mà giúp đỡ người Nhật, có thể giúp đỡ nhiều mảng chẳng hạn như tinh thần, bởi vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dân Nhật thì giàu lắm nhưng khi đã gặp tai ách thì cũng chẳng còn gì trong tay. Và chính lúc đó những cái mà mình giúp bằng vật chất miếng gạo hay miếng cơm vào giai đoạn đó rất giá trị. Do vậy ta vừa quyên góp tiền mà cũng vừa quyên góp cơm cho nạn nhân sóng thần.
 4. Buổi lễ hôm nay, ngoài việc cầu siêu cho người đã khuất còn là cầu an cho những người dân còn sống. Vậy quý Thầy có điều gì cần chia sẻ đến những người dân đã may mắn thoát khỏi cảnh thiên tai vừa rồi không ạ?
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Thực tế, người dân hiện giờ họ đã khổ lắm rồi và cái mà ta mong muốn họ là được ổn định đời sống, cái mong ước nhất bây giờ của Hội đồng điều hành Học viện nói chung và riêng bản thân của Thầy nói riêng là mong ước cho họ có đời sống kinh tế ổn định lại để từ sự ổn định đó thì họ mới có thể làm những chuyện khác. Nhưng coi phim thì quý vị cũng thấy rồi, tinh thần người Nhật rất cao, Thầy nghĩ rằng họ sẽ mau chóng thôi, mau chóng để đi đến sự ổn định. Thầy vẫn mong muốn rằng lời nguyện của mình cũng như lời nguyện cầu của các vị, của những người tham dự lễ hôm nay, nhờ ơn Tam Bảo gia hộ để họ sớm có thiện nghiệp nhanh hơn nữa.
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Đức Phật dạy cuộc đời này vô thường, sống chết trong một hơi thở, cho nên những người còn sống là chưa tới số chết (cười), họ có nhiều may mắn thoát được trong sự chết tập thể đó. Mặc dù họ còn sống nhưng cũng chẳng vui sướng gì vì nhà cửa đã tan hoang không còn, trong hoàn cảnh này người sống còn khổ hơn người đã chết nữa.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Chính những buổi lễ này, mình đã gửi thông điệp là mình rất quan tâm đến họ trong tinh thần đồng đạo của người con Phật.
 5. Thầy có thể hoan hỷ cho chúng con biết thêm về công tác tổ chức cho buổi lễ lần này, như vậy tính đến thời điểm hiện giờ, tổng số tiền quyên góp đã được bao nhiêu rồi ạ? Và, trong quá trình quyên góp, ban tổ chức có gặp phải khó khăn gì không ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Nói chung cũng không có khó khăn gì vì đây là công việc mình làm bằng cái Tâm, bằng tấm lòng giúp đỡ họ chứ không vì mục đích gì khác. Do vậy, Tổng Lãnh sự Nhật Bản cũng rất vui.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): cũng không khó khăn gì cả vì tất cả đều làm bằng chữ Tâm, bằng sự tự nguyện. Chúng tôi vẫn cho đó là một số tiền lớn trong hoàn cảnh kinh tế đất nước mình đang khó khăn và cả thế giới nữa, trong thời kỳ khôi phục lại kinh tế cũng đang khó khăn. Dù cho tiền không nhiều nhưng chủ yếu là tấm lòng. Tấm lòng của người Việt mình rất rộng rãi, đó là truyền thống.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Chỉ trong vòng một tuần mà tổ chức lễ có tính quốc gia như vầy thì thật sự là khó nhưng cũng không có gì đáng suy nghĩ cả. Tính đến giờ phút này đã quyên góp được 600 triệu. Thực tế thì số tiền, mình cũng quan tâm nhưng không quan tâm lớn. Bản thân khi Thầy ngồi nói chuyện với các doanh nghiệp cũng thế, Thầy cũng không quan tâm việc ủng hộ nhiều hay ít mà vấn đề ở chỗ các vị có tham gia hay không, các vị có cùng chắp tay cầu nguyện cho họ hay không, quan trọng là năng lượng bình an ta gửi đến cho họ.
 6. Vậy quý Thầy có lời nhắn gửi gì đến nhân dân Nhật Bản đang phải gánh chịu hậu quả của thiên tai này không ạ? Và thông điệp gì gửi đến cho những nước may mắn hơn không phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn như đất nước Nhật Bản lần này?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Với vai trò là người tu sĩ Phật giáo thì Thầy nghĩ rằng những người còn sống sót là những người rất may mắn, được phước báu, được đức Phật che chở nhưng cũng hãy cố gắng tu nhân tích đức thêm để vượt qua nạn ách. Còn những đất nước may mắn hơn Nhật Bản, Thầy cũng có lời khuyên rằng, theo  luật Nhân Quả trong nhà Phật, mình ở hiền gặp lành, nếu ở ác thì gặp điều xấu. Thầy mong rằng mọi người hãy ý thức luật Nhân Quả này mà tránh đi những điều không tốt, điều ác để gặp những điều thiện.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT(TT.THÍCH TRÍ SIÊU): Trước tiên, chúng ta tổ chức như thế này là thể hiện sự quan tâm, một nước quan tâm, cả thế giới quan tâm. Đây là một sự mất mác quá lớn trong lịch sử nhân loại.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Với tất cả các nước, kể cả đất nước của chúng ta thì thông điệp mà không phải riêng Thầy mà tất cả những người có tâm với thế giới, với con người là chúng ta hãy nên tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Đồng ý rằng phát triển là đi lên nhưng cũng không được lạm dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức.
 7. Về tu học, quý Thầy có thể chia sẻ cho chúng con biết việc hướng về Tam Bảo trong giai đoạn này sẽ giúp cho người Phật tử học được điều gì trên con đường thực tập của mình ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Qua đợt này, Phật tử sẽ ý thức được cuộc đời là vô thường. Bên cạnh đó, không những Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều nhận thấy rằng người Nhật đã rất bình tĩnh trước trận động đất sóng thần ghê gớm như vậy. Tất cả các báo chí, báo đài đều kết luận rằng nhờ vào tinh thần giáo lý của đạo Phật.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Ngay khi ta thấy người Nhật ứng xử với tai họa to lớn như thế nhưng vẫn bình tĩnh và kiên cường thì đó là một bài học không chỉ cho nước ta mà còn cho cả thế giới. Điều đó cũng nhắc nhở cho Phật tử mình, dân tộc mình phải học tập tính cách của họ để ứng dụng vào điều kiện của đất nước mình cũng chịu thiên tai nhiều. Năm vừa rồi đây, những đợt cứu trợ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phật giáo vẫn luôn chia sẻ với nỗi đau của người dân. Đêm nay, chúng ta sẽ cùng mở rộng lòng mình. Mặc dù so về kinh tế với các nước trên thế giới , chúng ta cũng không giàu có gì nhưng đây là tấm lòng.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Hôm nay dù chỉ diễn ra trong một đêm nhưng người Phật tử sẽ học được rất nhiều cái. Thứ nhất là họ có thể trải được tâm Từ, đúng tinh thần của người Việt Nam là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, mọi người đều đồng tâm hợp ý khi gặp một sự cố xảy ra. Đây là tính đoàn kết. Thứ hai là tâm họ sẽ khởi mạnh khi tham gia những chuyện vì người khác. Thứ ba, họ sẽ ý thức được là tôn trọng những cái đang có, vì cuộc sống này mong manh lắm, có thể hôm nay có nhưng ngày mai thì mất hết. Cũng như đất nước Nhật Bản, có thể họ đang có rất nhiều nhưng rồi cũng không còn gì, chỉ còn đống rác mà thôi. Cho nên, hãy tôn trọng những cái mình đang có. Thứ tư, để tôn trọng cái mình đang có thì hãy tôn trọng thiên nhiên. Khi học được những điều này thì con người mình sẽ thay đổi tư duy một chút về cách sống, cách ứng xử, ta thương nhau nhiều hơn, tôn trọng nhau nhiều hơn. Thiền của Phật giáo ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của người Nhật, họ rất bình tĩnh trước mọi vấn đề dù là làm ăn hay thiên tai. Các doanh nhân hiện tại của Tp.HCM cũng đưa thiền vào trong làm ăn, họ tập kềm chế bản thân mình. Đặc biệt lần cầu nguyện này không những chỉ có Tăng Ni, Phật tử mà còn có doanh nhân đứng ra cầu nguyện. Mặc dù, trước đây đã có tổ chức những buổi cầu siêu ở các chùa nhưng đặc biệt lần này là các doanh nhân họ cho cả công nhân của họ cùng nhau đến tham dự buổi lễ. Ví dụ có 150 công nhân viên của Tôn Hoa Sen đến tham dự. Họ đã cho phép công nhân đến chia sẻ thì người công nhân sẽ có ý thức tốt. Đây là một trong những nét đặc biệt mà chưa có buổi lễ cầu siêu nào có được.
 8. Như vậy để có thể xoa dịu được nỗi đau của những người dân xứ sở hoa anh đào, người học Phật có thể chia sẻ bằng cách như thế nào để từ đất nước xa xôi họ có thể cảm nhận được năng lượng từ bi mà ta muốn gửi đến?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Trong giáo lý có dạy “Nhất niệm thông tam giới”, mình nhất tâm đồng niệm thì sẽ thông được tới đất nước Nhật Bản.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT.THÍCH TRÍ SIÊU): Thông qua buổi cầu nguyện, chúng ta gửi năng lượng bình an của ta đến cho họ. Thiền sư Nhất Hạnh có nói tới, mình chia sẻ năng lượng bình an của mình cho những người đang đau thương. Dù rằng họ rất kiên cường và bình tĩnh như thế nhưng mình biết chắc con người vẫn rất đau thương trước sự mất mác về gia đình, người thân, bạn bè.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Chính cái hôm nay chúng ta đang làm là để gửi đến cho họ, những hành động thiết thực nhất chứ không phải làm suông. Nếu đất nước Nhật Bản cần thiết những người tu sĩ qua để giúp đỡ nhân dân họ thì bên chúng tôi sẽ phát động phong trào để cho tu sĩ đi ngay. Nếu Nhật Bản cần người để thay cho robot làm trong những môi trường khó khăn thì ta vẫn sẵn sàng vì họ để làm được. Đó là những cái rất thiết thực. Nếu người Nhật cần, người Việt Nam vẫn sẵn sàng.
 9. Kính bạch Thầy, Thầy có thể cho chúng con biết về cảm xúc của Thầy trong ngày hôm nay không ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Thầy cảm thấy mình rất hạnh phúc vì đã làm được một điều mà cả thế giới cũng đều làm. Hạnh phúc nhất là một trường của đại học của Phật giáo đã đứng ra tổ chức.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Thực tế, Thầy cảm xúc ngay từ khi thầy Lê Mạnh Thát đưa ra chương trình này, chứ không phải chờ đến giờ này đâu, vừa lo vừa xúc động vì mình chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm chuyện này. Vì Thầy nghĩ rằng những chuyện này chỉ có những bậc cao tăng làm vì họ có mối quan hệ còn Thầy thì không có mối quan hệ gì với Nhật cả nhưng khi nhận được chương trình này, Thầy rất vui, từ tâm mà khởi. Khi mình xả lòng mình ra thì làm được rất nhiều. Cảm xúc thì không thể dùng lời mà nói được, nói chung mình làm với tâm thiết thực tự nhiên thì đó mới là cái cảm xúc. Chuyện thành công hay không, Thầy không quan tâm, Thầy chỉ quan tâm toàn bộ tâm ý mình đặt vào đâu, phải làm cho hết lòng mình thì sẽ thành công.
Về phía sinh viên học viện có 3 ban: Ban HIV, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện và ban Tin học cùng tham gia  tổ chức chương trình này, các sinh viên khác tham gia hoạt động thắp nến. Trong đó ban Tin học là hoạt động về báo chí, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện lo vấn đề sắp xếp nhân sự cho phù hợp và ban HIV sẽ lo về đèn thắp. Tất cả mọi người đều làm bằng chữ Tâm mà thôi.
Thay mặt Hoa Linh Thoại, chúng con thành kính tri ân:
 HT. Thích Đạt Đạo – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
GS.TS Lê Mạnh Thát  – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
ĐĐ. Thích Quảng Thiện - Trưởng phòng sinh viên vụ
Quý Thầy đã dành thời gian chia sẻ với chúng con về ý nghĩa của buổi lễ đêm nay và những kinh nghiệm tu học chúng con sẽ học được thông qua sự kiện lần này. Kính chúc chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật Pháp quang huy và hạnh nguyện viên mãn. A Di Đà Phật.
Ánh Vy thực hiện