Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

ĐA DỤC VI KHỔ




Cuộc sống là một chuỗi ngày đi qua với đầy đủ cung bậc cảm xúc trong một con người. Những nốt nhạc của tham lam, thù hận, si mê đã làm nên một lịch sử nhân loại đầy tang thương. Những nghiệt ngã oan khiên của cuộc đời đã lần lượt diễn ra như những thước phim chiếu chậm, bao tâm hồn yếu đuối đã chết lần chết mòn dưới cơn nắng hạ của lòng tham vô hạn. Tiếng hống sư tử từ ngàn năm vẫn còn vang vọng “Biển có thể cạn, núi có thể mòn, quả đất có thể băng hoại nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với người còn vô minh và ái dục” (Tương Ưng III, chương 1, phẩm 5, tr. 267). Càng nhiều tham muốn, con người lại càng xây dựng nên ngọn núi đau khổ thật lớn. Thậm chí mãi đến giờ, người ta vẫn “hì hục” vun đắp thêm mà không cảm thấy mệt mỏi. Một câu hỏi mà cả ngàn mấy năm qua, nhân loại dù biết câu trả lời nhưng vẫn không thực hiện được.
 Vẫn biết rằng, cuộc sống cần phải có những cái “muốn” để làm mục tiêu hướng tới mà vươn lên. Thế nhưng, người đời đã đẩy mức độ “muốn” lên tới mức chìm đắm, mê muội nên đã tạo ra nhiều tội lỗi chịu nhiều khổ đau. Căn bệnh trầm kha của con người là dù đạt được cái này rồi nhưng lại muốn có thêm cái khác, cứ như thế mà “cái muốn” ấy không bao giờ dừng lại, chúng sanh chìm vào vòng xoáy tham cầu liên miên, bất tận để rồi tạo ra vô vàn khổ đau cho mình và cho người. Có những lúc ngôn ngữ cũng trở nên bất lực để làm phương tiện phơi bày tội ác mà con người gây ra: tội ác với thiên nhiên, tội ác với cỏ cây, tội ác với các loài động vật và cả tội ác với nhân loại. Trong khoảnh khắc nào đó nghĩ suy về cuộc đời, ta phải rùng mình hoảng sợ vì không ngờ rằng đó lại chính là những tội lỗi được làm nên bởi con người – loài động vật bậc cao có ý thức?! Ta tự hào cho một nền văn minh nhân loại với công nghệ khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến nhưng ta vẫn phải đang tha thiết kêu gọi vì một giá trị đạo đức của con người. Cuộc đời vẫn luôn tồn tại với hai mặt vui – buồn, vinh -  nhục, được – mất. Nhưng, vì con người không bao giờ biết chấp nhận và dung hòa, họ chỉ biết lao theo và cố đạt cho bằng được cái mà họ thích, họ muốn, cho nên lòng vị kỷ cũng từ đó mà theo ra và phát triển thành những thủ đoạn độc ác, con người trở thành những loài dã thú điên cuồng. Nghe hơi gay gắt và chua chát nhưng có sự thật nào che giấu được đâu. Đức Phật đã dạy tham dục và sự thỏa mãn lòng tham ái giống như người khát uống nước biển, như người bị ghẻ lở sợ lửa, như chó gặm xương khô, như liếm mật trên lưỡi dao, như ôm rơm đi vào lửa (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Thế nhưng, có mấy ai nhận ra được điều này? Để thỏa mãn lòng tham dục của mình, họ tự nguyện trở thành nô lệ của dục vọng, bị sai sử bởi dục vọng, tội ác chập chồng mà họ cứ ngỡ đó là lẽ sống. Khi tòa án của lương tâm và tòa án của nhân loại kết án, bước chân lấm bùn không còn trở về được nữa, họ tự đào thải mình khỏi sự sống, tự “trải thảm” đưa mình tới con đường hủy diệt, không còn đủ tư cách sống trong xã hội loài người. Cái giá ấy có quá đắt không khi kẻ nô lệ của lòng tham được trả công bằng sự đào thải?

 Ta luôn sống trong cảm giác không được an lạc, luôn cảm giác thiếu thiếu một cái gì đó. Ta chưa bao giờ cảm nhận được rằng ta đã đầy đủ và không cần nữa. Chính vì thế, ta càng cố gắng được thỏa mãn thì lại càng bất mãn, ta càng mơ mộng được giàu sang thì lại càng vỡ mộng ở hố sâu của tội lỗi. Trên lộ trình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình, ta đã gây nên không biết bao bất hạnh cho người khác. Vì chưa đạt được “tiêu chuẩn” hạnh phúc như mong muốn nên ta đã mặc nhiên đạp đổ đi tất cả những niềm hạnh phúc thật sự mà người khác không dễ gì có được. Đó thật sự là một lòng tham không đáy và ta là một con chó, là kẻ nô lệ của lòng tham. Để đạt được đối tượng, mục tiêu của mình tất nhiên phải trải qua giai đoạn tranh giành, thủ đoạn và chém giết, cuối cùng tạo điều kiện cho nghiệp lực lẫy lừng, tội ác lên ngôi. Thế nhưng, khi đạt được rồi lại phải ngày đêm canh giữ, lo sợ, bất an vì nếu bị mất đi, tinh thần có thể hoảng loạn, điên cuồng. Còn nếu cố gắng mà vẫn không đạt được thì dẫn đến trạng thái tâm lý thất vọng, oán giận, buồn trách, than thân, trách phận, hận đời thù người, nặng hơn có thể là sự trầm mình trong tuyệt vọng, buồn đau, tự mình chấm dứt sự sống của chính mình. Như vậy, dù có đạt được hay không đạt được thì cũng điên cuồng mà chết. Cuộc sống thật vô vị với những kẻ lòng tham không đáy, si mê không có giới hạn, cuối cùng sinh tử phải bì lao, khổ khổ trùng trùng.

 Chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận rằng chạy theo dục vọng là chạy theo nghiệp, là hành khách thân thiết trên chuyến tàu sinh tử triền miên, vô tận không có bến đỗ. Ta đừng than rằng “đời là bể khổ” khi chính ta là tác nhân tạo ra sự khổ. Theo dõi thông tin báo chí hàng ngày, thật đúng là một sự đa dục chồng chất khiến trái đất này như muốn nổ tung vì năng lượng của lòng tham, thù hận, si mê quá mạnh. Trái đất có thể nổ tung vì những dòng năng lượng này, đó cũng chính là ngày tận thế, là cái khổ lớn nhất mà loài người và muôn loài phải gánh chịu. Nếu dục là một lòng tham không đáy thì khổ cũng là một đại dương không bến. Nhân quả thật rất công bằng, anh “đa dục” thì phải “đa khổ” thôi, không thể “đa dục” mà “thiểu khổ” được. Cái khổ này bao hàm cho cả ta và người. Tội ác này lớn lắm! Gây khổ cho mình chưa đủ, lại còn gây khổ cho người nữa. Chẳng toà án nào dung tha được anh kể cả tòa án lương tâm của chính anh.
  Nếu tự ta hiểu và ý thức được câu “thiểu dục tri túc”, sống chánh niệm với ý thức, với tâm ham muốn của mình thì “đa dục vi khổ” làm gì có mặt cho thêm khổ? Ta nên sống như một đại trượng phu, ta tuyên chiến với đau khổ nhưng ta không chết đuối trong khổ đau. Ta không mắc kẹt giữa danh lợi và mất danh lợi, ta không phân vân suy nghĩ cho rối trí giữa vinh và nhục mà ta thong dong, vững chãi trước những được - mất, hơn – thua của cuộc đời. Đã biết tham dục tạo ra đau khổ, đã biết khổ đau là kết quả của tham dục thì ta còn ham muốn gì để làm nô lệ, làm chó săn của dục vọng?
 Người con Phật nên hiểu rằng dục tức là muốn. Theo chiều hướng tích cực, “dục” hoàn toàn không có khổ, nếu nó là một lời đại nguyện, là nguyện ước đem lại hạnh phúc cho con người và vạn loại chúng sanh. Còn nếu “dục” được sanh ra bởi tham, sân, si thì không cần phải thắc mắc gì cho câu “đa dục vi khổ”.
Nói tóm lại, chúng ta là hàng phàm phu, còn sống ở cõi ô trược này thì năm món dục ở thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc) là cái mà chúng ta không thể nào không ham muốn. Vì vậy, đa dục là còn nhiều tham muốn về ngũ dục, mà trên đà tham lam chắc chắn sẽ sinh ra sân hận rồi dẫn đến kết quả si mê. Cuối cùng, khổ là một điều tất nhiên, là chân lý không thay đổi được.
Vậy hàng đệ tử Phật, những bậc đại nhân có cần những thứ ấy nữa không? Hãy biến lòng dục vọng thành những đại nguyện đem lại hạnh phúc, an lạc cho nhân loại và chúng sanh. Ngũ dục là gốc sanh tử, luân hồi, khổ đau nên ta đừng quên rằng “đa dục vi khổ”. Mỗi chúng ta cần “thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại” (Kinh Bát Đại Nhân Giác) mới xứng danh là những người con của dòng họ Thích ngàn đời!
Nguyên Giác Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét