Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Xin cho con được gọi Người là Mẹ

Kính tặng: Mẹ Nguyễn Thị Mối, 78 tuổi, hiện sống tại tổ 12, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long (Bình Phước)

Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà Mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời giống nước đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng Mẹ ơi!
Xin cho con được gọi Người bằng một tiếng Mẹ thân yêu. Dẫu rằng giữa con và Mẹ chỉ là những người chưa một lần gặp mặt nhưng không hiểu sao tim con như thắt chặt trong từng nỗi đau khi vô tình con gặp được hình ảnh của Mẹ trên mạng internet chiều nay. 78 tuổi vẫn đi lượm rác nuôi chồng con”.
Với khuôn mặt đầy nếp nhăn và thân hình gầy gò của Mẹ bên cạnh những đống rác lượm từng bao nilong bán lấy tiền đã khiến con không thể cầm được hai dòng lệ rơi trên mỗi nét bút con viết về Mẹ. Giữa cái nắng gay gắt của một buổi trưa mệt mỏi, Mẹ vẫn ôm từng đống giấy bìa cactong, lưng cõng thêm một chiếc bao chất đầy vỏ chai, bao nilong. Mẹ loay hoay trong từng đống rác để tìm những cái mà người ta có thể bỏ đi nhưng đối với Mẹ, chúng sẽ là những thứ giúp Mẹ kiếm được đôi ba đồng để chống chọi với cái đói cái nghèo. Dù rằng, chỉ là những lon bia của ai đó vứt bừa ra đường, dù rằng, chỉ là những bao nilong dơ bẩn và dù rằng là gì đi chăng nữa Mẹ vẫn phải ngày ngày oằn mình, mệt mỏi và loay hoay trong những mớ hỗn độn của cuộc đời.
Tết, là dịp để người ta có thể vui chơi sum họp, nhậu nhẹt. Sau mỗi cuộc vui, hàng đống lon bia lại được quăng ra ngoài, từng vỏ chai rượu đắt tiền cứ nằm ngổn ngang. Nhưng có ai biết rằng, chính những cái mà người ta quăng, người ta liệng ấy lại chính là những thứ mà hàng ngày Mẹ phải loay hoay bới tìm mới có tiền đổi lấy thức ăn cho chồng, cho con. Đau lắm! Con đau lắm, Mẹ ơi!
Đôi vai Mẹ mỏi mòn thân cát bụi
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời.
20.000 đồng Mẹ kiếm được sau mỗi lần bán ve chai, với ai đó chỉ là một số tiền nhỏ nhoi không đáng kể nhưng với con, đó là 20.000 Mẹ phải sống trong từng nỗi đau trong mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây và trong mỗi sát-na. 20.000 đồng giữa cái nắng chói chang của chợ đời còn nặng hơn cả Thái Sơn. Đằng sau giá trị của đồng tiền ấy chính là giá trị của sức lao động, của sự cần cù và chịu khó. 78 tuổi, lúc mà người ta có thể được nghỉ ngơi, vui bên con cháu thì Mẹ vẫn phải oằn mình, bươn chải và cõng trên vai những thứ hỗn độn, bòng bong của cuộc đời để đổi lấy những bát cơm cho gia đình. Ông cụ đã mù hai mắt, người con trai thì chống chọi với bệnh tật đớn đau, giờ chỉ còn lại một mình Mẹ giữa những đống rác của cuộc đời.
Chúng con đến thăm Mẹ, dẫu rằng tài vật không nhiều nhưng xin được gửi về Mẹ tất cả những tình yêu thương ngọt ngào nhất. Xin cho con được gánh bớt phần nào những khổ cực trong đời Mẹ, những chiếc đòn gánh của sự đói nghèo đã đè nặng vai Mẹ hơn mấy chục năm qua. Con đang thở cùng Mẹ, con đã lắng nghe được những trăn trở từ cõi lòng của Người, và không chỉ con mà tất cả những thế hệ sau này đã hiểu được rằng “Con càng xanh lá tươi hoa. Mẹ càng cằn cỗi nhăn da, bạc đầu”.
Thở và cười cùng con, Mẹ nhé! Con vẫn luôn tự hào rằng chính 20.000 đồng Mẹ kiếm được mỗi ngày bên cạnh những đống rác đã làm nên một bài học về giá trị của sự lao động chân chính, cần cù và chịu khó. Con yêu Mẹ! Hoa Linh Thoại sẽ luôn nở trong lòng Mẹ cũng như trong con và tất cả mọi người.

TỊNH HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét