Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nếu người Nhật cần, người Việt Nam vẫn sẵn sàng!

Nhân dịp tổ chức lễ cầu nguyện 49 ngày và quyên góp cho nạn nhân động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Hoa Linh Thoại đã có dịp được quý chư Tôn đức trong Ban tổ chức chia sẻ về ý nghĩa của đại lễ và thông điệp gửi đến cho những đất nước may mắn không gặp phải ách nạn này.
 1. Kính bạch Thầy, Thầy hoan hỷ cho chúng con được biết vì sao Lễ cầu siêu lần này được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO:
Đây là lần thứ hai, Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức. Lần thứ nhất, Học viện PGVN kết hợp với chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) tổ chức buổi lễ cầu nguyện, cầu siêu cho nhân dân Nhật Bản tử nạn trong trận động đất, sóng thần. Vì thời điểm đó, mình chưa có bước chuẩn bị nên phải kết hợp bên đó làm lễ cầu siêu. Hôm nay, sở dĩ Học viện PGVN tổ chức là bởi vì theo truyền thống của Phật giáo, tuần chung thất rất quan trọng, quyết định sự vãng sanh của một con người. Nhân hôm nay là ngày chung thất của nạn nhân động đất, sóng thần, Học viện PGVN do GS.TS. Lê Mạnh Thát cùng với Thầy tổ chức với mục đích chính là cầu siêu chung thất, kèm theo mục đích chính này là vận động thêm để cứu trợ cho nhân dân Nhật Bản trong đợt thảm họa vừa rồi. Thầy cũng có trực tiếp mời bên Tổng Lãnh sự Nhật Bản, nhưng chiều nay do bận nên sẽ cử đại diện Tổng Lãnh sự đến tham dự lễ cầu siêu, đồng thời Thầy cũng có mời một số doanh nhân Nhật Bản đến dự. Ngoài doanh nhân Nhật Bản còn có các doanh nhân, doanh nghiệp của Việt Nam, các Phật tử Ban Bảo trợ, các Phật tử của Thiền viện Vạn Hạnh và các Tăng Ni sinh viên các khóa Học viện PGVN, các cấp chính quyền. Sở dĩ được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh là do Học viện PGVN đứng ra tổ chức, mà Học viện nằm trong khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh thì phải làm lễ tại Chánh điện của Thiền viện chứ không thể nào làm lễ tại trường được.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN:
Thiền viện Vạn Hạnh và Học viện Phật giáo Việt Nam là một địa chỉ. Thứ 2, Học viện là trường học, cho nên về vấn đề tôn giáo, nghi lễ phải tổ chức ở Chánh điện. Do vậy, chúng ta mượn cơ sở, mượn Chánh điện của Thiền viện để thực hiện. Về tinh thần tổ chức thì Học viện là đứng ra tổ chức nhưng do điều kiện thuận lợi là cùng một địa chỉ. Hơn nữa, HT. Thích Minh Châu vừa là Viện trưởng danh dự của Học viện vừa là Viện chủ của chùa nữa, nên đại lễ lần này được tổ chức tại Thiền viện Vạn Hạnh.
 2. Thầy hoan hỷ giải thích thêm cho chúng con biết về ý nghĩa của buổi cầu siêu này là gì ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Ý nghĩa ở đây là chia sẻ hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, căn cứ vào lời của Đức Phật dạy trong kinh, tuần thất thứ 49 quyết định một kiếp nhân sinh của con người, thì mình đem lời Đức Phật dạy theo truyền thống của đạo Phật là tuần chung thất cho nên các Thầy tổ chức cầu nguyện, cầu siêu cho họ. Ý nghĩa thứ hai là vận động để có được một số tiền lớn gửi qua Nhật Bản. Ý nghĩa thứ ba, đây là một trường Đại học của Phật giáo, đứng ở góc cạnh của người làm giáo dục thực hiện buổi lễ này trong tinh thần của Sinh viên Học viện PGVN để nhân dân Nhật cũng thấy rằng giới học thức trẻ của chúng ta cũng có quan tâm đến sự kiện vừa qua.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU):
Như mình biết người Nhật Bản qua trận động đất, sóng thần vừa rồi mất mác nhiều lắm, đặc biệt là nhân mạng đã lên tới gần 30.000 người, mất tích 12800 người. Trong tình nhân loại với nhau, đặc biệt Nhật Bản là đất nước Phật giáo, hơn 90% người Nhật theo Phật giáo, nước ta cũng là nước Phật giáo, cho nên, ngoài tình đồng loại còn có tình đồng đạo. Do đó, Học viện PGVN đã chủ trương tổ chức 49 ngày kể từ ngày 11/3 vừa rồi, theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam thì người mất, mình phải làm lễ tiễn đưa họ, trang trọng nhất đó là lễ 49 ngày. Vì vậy, trường đã tổ chức buổi lễ này.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN Cái đầu tiên của Phật giáo là từ tâm, lòng người con Phật dù là cư sĩ hay Phật tử đều đặt vấn đề từ bi lên trên, cho dù là ban Tin học hay ban HIV, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện thì cũng đặt từ bi lên trên. Chính tâm từ bi, ta mới có thể phổ độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu sĩ như thế. Hiện tại đất nước trên thế giới đang bị tai nạn như thế, ảnh hưởng của nước Nhật là ảnh hưởng trên toàn thế giới. Một khi đã ảnh hưởng toàn thế giới thì chúng ta thấy rõ rằng chúng ta phải gióng lên một tiếng chuông, tiếng chuông đó là trải lòng của người Phật tử, người con Phật ra khắp mọi nơi. Chúng ta phải biết tôn trọng tự nhiên cũng như phải biết thương tâm khi mọi vấn đề xảy ra, chúng ta phải biết chia sẻ trên đau khổ của mọi người. Đó chính là ý nghĩa của buổi lễ cầu siêu ngày hôm nay.
 3. Như vậy, ngoài việc tổ chức cầu siêu, Ban tổ chức còn mong muốn thực hiện thêm một điều gì đó cho người còn sống nữa ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Đây là buổi lễ cầu siêu cho người đã mất, cầu an cho người đang gặp hoàn cảnh khó khăn và kèm theo cứu trợ cụ thể.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Đúng vậy, chúng ta phải quyên góp. Trước mắt, chúng tôi đã quyên góp gần 600 triệu, còn tối nay có thể hơn. Hy vọng là sẽ hơn. Nói chung là cầu siêu nhưng cũng phải cầu an, nghĩ đến người còn sống.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Theo đúng ngày hôm nay là 49 ngày, trong đạo Phật rất quan tâm về ngày thứ 49. Nước nhật cũng là nước Phật giáo và 49 ngày là ngày định nghiệp của họ. Bên cạnh ý nghĩa cầu siêu, Học viện cũng mong muốn rằng hãy vì lòng từ bi mà giúp đỡ người Nhật, có thể giúp đỡ nhiều mảng chẳng hạn như tinh thần, bởi vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dân Nhật thì giàu lắm nhưng khi đã gặp tai ách thì cũng chẳng còn gì trong tay. Và chính lúc đó những cái mà mình giúp bằng vật chất miếng gạo hay miếng cơm vào giai đoạn đó rất giá trị. Do vậy ta vừa quyên góp tiền mà cũng vừa quyên góp cơm cho nạn nhân sóng thần.
 4. Buổi lễ hôm nay, ngoài việc cầu siêu cho người đã khuất còn là cầu an cho những người dân còn sống. Vậy quý Thầy có điều gì cần chia sẻ đến những người dân đã may mắn thoát khỏi cảnh thiên tai vừa rồi không ạ?
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Thực tế, người dân hiện giờ họ đã khổ lắm rồi và cái mà ta mong muốn họ là được ổn định đời sống, cái mong ước nhất bây giờ của Hội đồng điều hành Học viện nói chung và riêng bản thân của Thầy nói riêng là mong ước cho họ có đời sống kinh tế ổn định lại để từ sự ổn định đó thì họ mới có thể làm những chuyện khác. Nhưng coi phim thì quý vị cũng thấy rồi, tinh thần người Nhật rất cao, Thầy nghĩ rằng họ sẽ mau chóng thôi, mau chóng để đi đến sự ổn định. Thầy vẫn mong muốn rằng lời nguyện của mình cũng như lời nguyện cầu của các vị, của những người tham dự lễ hôm nay, nhờ ơn Tam Bảo gia hộ để họ sớm có thiện nghiệp nhanh hơn nữa.
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Đức Phật dạy cuộc đời này vô thường, sống chết trong một hơi thở, cho nên những người còn sống là chưa tới số chết (cười), họ có nhiều may mắn thoát được trong sự chết tập thể đó. Mặc dù họ còn sống nhưng cũng chẳng vui sướng gì vì nhà cửa đã tan hoang không còn, trong hoàn cảnh này người sống còn khổ hơn người đã chết nữa.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Chính những buổi lễ này, mình đã gửi thông điệp là mình rất quan tâm đến họ trong tinh thần đồng đạo của người con Phật.
 5. Thầy có thể hoan hỷ cho chúng con biết thêm về công tác tổ chức cho buổi lễ lần này, như vậy tính đến thời điểm hiện giờ, tổng số tiền quyên góp đã được bao nhiêu rồi ạ? Và, trong quá trình quyên góp, ban tổ chức có gặp phải khó khăn gì không ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Nói chung cũng không có khó khăn gì vì đây là công việc mình làm bằng cái Tâm, bằng tấm lòng giúp đỡ họ chứ không vì mục đích gì khác. Do vậy, Tổng Lãnh sự Nhật Bản cũng rất vui.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): cũng không khó khăn gì cả vì tất cả đều làm bằng chữ Tâm, bằng sự tự nguyện. Chúng tôi vẫn cho đó là một số tiền lớn trong hoàn cảnh kinh tế đất nước mình đang khó khăn và cả thế giới nữa, trong thời kỳ khôi phục lại kinh tế cũng đang khó khăn. Dù cho tiền không nhiều nhưng chủ yếu là tấm lòng. Tấm lòng của người Việt mình rất rộng rãi, đó là truyền thống.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Chỉ trong vòng một tuần mà tổ chức lễ có tính quốc gia như vầy thì thật sự là khó nhưng cũng không có gì đáng suy nghĩ cả. Tính đến giờ phút này đã quyên góp được 600 triệu. Thực tế thì số tiền, mình cũng quan tâm nhưng không quan tâm lớn. Bản thân khi Thầy ngồi nói chuyện với các doanh nghiệp cũng thế, Thầy cũng không quan tâm việc ủng hộ nhiều hay ít mà vấn đề ở chỗ các vị có tham gia hay không, các vị có cùng chắp tay cầu nguyện cho họ hay không, quan trọng là năng lượng bình an ta gửi đến cho họ.
 6. Vậy quý Thầy có lời nhắn gửi gì đến nhân dân Nhật Bản đang phải gánh chịu hậu quả của thiên tai này không ạ? Và thông điệp gì gửi đến cho những nước may mắn hơn không phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn như đất nước Nhật Bản lần này?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Với vai trò là người tu sĩ Phật giáo thì Thầy nghĩ rằng những người còn sống sót là những người rất may mắn, được phước báu, được đức Phật che chở nhưng cũng hãy cố gắng tu nhân tích đức thêm để vượt qua nạn ách. Còn những đất nước may mắn hơn Nhật Bản, Thầy cũng có lời khuyên rằng, theo  luật Nhân Quả trong nhà Phật, mình ở hiền gặp lành, nếu ở ác thì gặp điều xấu. Thầy mong rằng mọi người hãy ý thức luật Nhân Quả này mà tránh đi những điều không tốt, điều ác để gặp những điều thiện.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT(TT.THÍCH TRÍ SIÊU): Trước tiên, chúng ta tổ chức như thế này là thể hiện sự quan tâm, một nước quan tâm, cả thế giới quan tâm. Đây là một sự mất mác quá lớn trong lịch sử nhân loại.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Với tất cả các nước, kể cả đất nước của chúng ta thì thông điệp mà không phải riêng Thầy mà tất cả những người có tâm với thế giới, với con người là chúng ta hãy nên tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Đồng ý rằng phát triển là đi lên nhưng cũng không được lạm dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức.
 7. Về tu học, quý Thầy có thể chia sẻ cho chúng con biết việc hướng về Tam Bảo trong giai đoạn này sẽ giúp cho người Phật tử học được điều gì trên con đường thực tập của mình ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Qua đợt này, Phật tử sẽ ý thức được cuộc đời là vô thường. Bên cạnh đó, không những Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều nhận thấy rằng người Nhật đã rất bình tĩnh trước trận động đất sóng thần ghê gớm như vậy. Tất cả các báo chí, báo đài đều kết luận rằng nhờ vào tinh thần giáo lý của đạo Phật.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT. THÍCH TRÍ SIÊU): Ngay khi ta thấy người Nhật ứng xử với tai họa to lớn như thế nhưng vẫn bình tĩnh và kiên cường thì đó là một bài học không chỉ cho nước ta mà còn cho cả thế giới. Điều đó cũng nhắc nhở cho Phật tử mình, dân tộc mình phải học tập tính cách của họ để ứng dụng vào điều kiện của đất nước mình cũng chịu thiên tai nhiều. Năm vừa rồi đây, những đợt cứu trợ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phật giáo vẫn luôn chia sẻ với nỗi đau của người dân. Đêm nay, chúng ta sẽ cùng mở rộng lòng mình. Mặc dù so về kinh tế với các nước trên thế giới , chúng ta cũng không giàu có gì nhưng đây là tấm lòng.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Hôm nay dù chỉ diễn ra trong một đêm nhưng người Phật tử sẽ học được rất nhiều cái. Thứ nhất là họ có thể trải được tâm Từ, đúng tinh thần của người Việt Nam là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, mọi người đều đồng tâm hợp ý khi gặp một sự cố xảy ra. Đây là tính đoàn kết. Thứ hai là tâm họ sẽ khởi mạnh khi tham gia những chuyện vì người khác. Thứ ba, họ sẽ ý thức được là tôn trọng những cái đang có, vì cuộc sống này mong manh lắm, có thể hôm nay có nhưng ngày mai thì mất hết. Cũng như đất nước Nhật Bản, có thể họ đang có rất nhiều nhưng rồi cũng không còn gì, chỉ còn đống rác mà thôi. Cho nên, hãy tôn trọng những cái mình đang có. Thứ tư, để tôn trọng cái mình đang có thì hãy tôn trọng thiên nhiên. Khi học được những điều này thì con người mình sẽ thay đổi tư duy một chút về cách sống, cách ứng xử, ta thương nhau nhiều hơn, tôn trọng nhau nhiều hơn. Thiền của Phật giáo ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của người Nhật, họ rất bình tĩnh trước mọi vấn đề dù là làm ăn hay thiên tai. Các doanh nhân hiện tại của Tp.HCM cũng đưa thiền vào trong làm ăn, họ tập kềm chế bản thân mình. Đặc biệt lần cầu nguyện này không những chỉ có Tăng Ni, Phật tử mà còn có doanh nhân đứng ra cầu nguyện. Mặc dù, trước đây đã có tổ chức những buổi cầu siêu ở các chùa nhưng đặc biệt lần này là các doanh nhân họ cho cả công nhân của họ cùng nhau đến tham dự buổi lễ. Ví dụ có 150 công nhân viên của Tôn Hoa Sen đến tham dự. Họ đã cho phép công nhân đến chia sẻ thì người công nhân sẽ có ý thức tốt. Đây là một trong những nét đặc biệt mà chưa có buổi lễ cầu siêu nào có được.
 8. Như vậy để có thể xoa dịu được nỗi đau của những người dân xứ sở hoa anh đào, người học Phật có thể chia sẻ bằng cách như thế nào để từ đất nước xa xôi họ có thể cảm nhận được năng lượng từ bi mà ta muốn gửi đến?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Trong giáo lý có dạy “Nhất niệm thông tam giới”, mình nhất tâm đồng niệm thì sẽ thông được tới đất nước Nhật Bản.
GS.TS. LÊ MẠNH THÁT (TT.THÍCH TRÍ SIÊU): Thông qua buổi cầu nguyện, chúng ta gửi năng lượng bình an của ta đến cho họ. Thiền sư Nhất Hạnh có nói tới, mình chia sẻ năng lượng bình an của mình cho những người đang đau thương. Dù rằng họ rất kiên cường và bình tĩnh như thế nhưng mình biết chắc con người vẫn rất đau thương trước sự mất mác về gia đình, người thân, bạn bè.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Chính cái hôm nay chúng ta đang làm là để gửi đến cho họ, những hành động thiết thực nhất chứ không phải làm suông. Nếu đất nước Nhật Bản cần thiết những người tu sĩ qua để giúp đỡ nhân dân họ thì bên chúng tôi sẽ phát động phong trào để cho tu sĩ đi ngay. Nếu Nhật Bản cần người để thay cho robot làm trong những môi trường khó khăn thì ta vẫn sẵn sàng vì họ để làm được. Đó là những cái rất thiết thực. Nếu người Nhật cần, người Việt Nam vẫn sẵn sàng.
 9. Kính bạch Thầy, Thầy có thể cho chúng con biết về cảm xúc của Thầy trong ngày hôm nay không ạ?
HT. THÍCH ĐẠT ĐẠO: Thầy cảm thấy mình rất hạnh phúc vì đã làm được một điều mà cả thế giới cũng đều làm. Hạnh phúc nhất là một trường của đại học của Phật giáo đã đứng ra tổ chức.
ĐĐ. THÍCH QUẢNG THIỆN: Thực tế, Thầy cảm xúc ngay từ khi thầy Lê Mạnh Thát đưa ra chương trình này, chứ không phải chờ đến giờ này đâu, vừa lo vừa xúc động vì mình chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm chuyện này. Vì Thầy nghĩ rằng những chuyện này chỉ có những bậc cao tăng làm vì họ có mối quan hệ còn Thầy thì không có mối quan hệ gì với Nhật cả nhưng khi nhận được chương trình này, Thầy rất vui, từ tâm mà khởi. Khi mình xả lòng mình ra thì làm được rất nhiều. Cảm xúc thì không thể dùng lời mà nói được, nói chung mình làm với tâm thiết thực tự nhiên thì đó mới là cái cảm xúc. Chuyện thành công hay không, Thầy không quan tâm, Thầy chỉ quan tâm toàn bộ tâm ý mình đặt vào đâu, phải làm cho hết lòng mình thì sẽ thành công.
Về phía sinh viên học viện có 3 ban: Ban HIV, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện và ban Tin học cùng tham gia  tổ chức chương trình này, các sinh viên khác tham gia hoạt động thắp nến. Trong đó ban Tin học là hoạt động về báo chí, ban Hoằng pháp sinh viên thiện nguyện lo vấn đề sắp xếp nhân sự cho phù hợp và ban HIV sẽ lo về đèn thắp. Tất cả mọi người đều làm bằng chữ Tâm mà thôi.
Thay mặt Hoa Linh Thoại, chúng con thành kính tri ân:
 HT. Thích Đạt Đạo – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
GS.TS Lê Mạnh Thát  – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
ĐĐ. Thích Quảng Thiện - Trưởng phòng sinh viên vụ
Quý Thầy đã dành thời gian chia sẻ với chúng con về ý nghĩa của buổi lễ đêm nay và những kinh nghiệm tu học chúng con sẽ học được thông qua sự kiện lần này. Kính chúc chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật Pháp quang huy và hạnh nguyện viên mãn. A Di Đà Phật.
Ánh Vy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét