Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Cải đạo chính là đang chống là văn hóa dân tộc!

“Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước, Hội thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp một khắn khít trước mặt Đức Chúa Trời...”.
Và thế là cũng đã đến lúc mỗi người chúng ta cần phải biết nhìn xa và nhìn rộng. Giờ là lúc ta cần ý thức được trước câu hỏi: Trách nhiệm của người con Phật đối với Đạo Pháp?
Đạo Phật không phải tự dưng từ trên trời rơi xuống, không phải tự nhiên lại sống trong lòng nhân loại cả hơn 2500 năm. Ta học Phật để làm gì? Để trở thành một nhà Phật học ư? Hay một thiền sư ngồi dưới ánh trăng buồn? trong khi nhân loại đang ngập chìm trong sự khổ đau vì đảng phái, vì nhân ngã, vì chủng tộc, vì sức mạnh của đồng tiền và quyền lực. Hãy đứng lên và nhìn rõ sự khổ đau của nhân loại mà trở thành những người con Phật với sức mạnh của đại hùng, đại lực để giải quyết khổ đau, bảo vệ Đạo Pháp mãi trường tồn chứ không phải ngồi thở dài, buông xuôi, ỷ lại trước nạn cải đạo của những người được coi là Phật tử, cho “kế hoạch ngày tàn của Phật giáo”.
Biến động của Phật giáo trong những năm đầu thế kỷ XXI đã khiến cho không ít người phải đau lòng. Riêng Phật giáo Việt Nam, trong lòng tôi vẫn luôn một khắc khoải làm sao khơi dậy được một tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần, làm sao để làm sống dậy ngọn lửa tinh thần đạo Phật như lửa đã từng cháy vào năm 1963, ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rúng động và thức tỉnh lương tâm của triệu triệu con người trên trái đất này. Những biến động ấy là do đâu? Nếu không phải là “sư tử trùng thực sư tử nhục”? Đứng trước hiểm nạn cải đạo, ta cũng nên phản quang tự kỷ, nhìn lại chính mình mà đặt câu hỏi chứ khoan hãy nói đâu xa. Bấy lâu nay ta đã quá ngủ say trong những gì gọi là sự hưng thịnh của Phật giáo. Mà sự hưng thịnh ấy là gì? Là chùa to Phật lớn, là đông đảo Tăng, Ni, Phật tử nhưng đó mới chỉ là số lượng chứ chất lượng thật sự thì rất ít. Hàng trăm ngôi chùa bề thế được xây lên chỉ để quét bụi hay chỉ để thu hút khách du lịch trong khi vẫn có nhiều tu sĩ gặp khó khăn trong vấn đề xin chùa ở tạm để trọ học. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận một điều rằng tăng sĩ Phật giáo Việt Nam thì khá đông nhưng mấy ai nhớ đường về trước sự quyến rũ của chợ đời. Chiếc ghế Giáo hội vẫn luôn là một điểm đến tiến thân cho một vài vị trong khi nội lực thì không có, phẩm chất thì yếu kém, hệ thống tổ chức trong Giáo hội đã dần mất đi sự chặt chẽ, nhu cầu sanh tử trong đạo Phật đã không còn được quan tâm đúng mức. Các cơ sở tự viện và kể cả các trang web Phật giáo cũng mọc lên như nấm nhưng mấy ai đầu tư về chất lượng? Thiết nghĩ, chúng ta xây dựng ngoại cảnh nhiều để làm gì trong khi sự phát triển của đời sống tâm linh và trí tuệ lại không có. Yếu kém về năng lực, yếu kém về phẩm chất và đạo hạnh sẽ là tấm thảm lót đường cho những kẻ tự xưng là con của Đức Chúa Trời tổ chức truyền giáo Phúc Âm chuyên cải đạo Phật tử. Và đương nhiên để hiểu rõ về kẻ thù của mình, họ cũng được học các lớp về giáo lý Phật giáo, hiểu về ngôn ngữ và hệ thống tổ chức trong Giáo hội của Phật giáo.
Thực tế mà nói, thịnh suy thì đời nào cũng có, vô thường là chuyện bình thường nhưng cái chính là ta có kịp thời nhận ra nguyên nhân ấy để sửa đổi lại hay không? Đừng để những pháp nạn của Phật giáo Việt Nam cứ mãi diễn ra như một oan nghiệp khi huynh đệ tương tàn trong cảnh sư tố sư, tín đồ tố sư. Người Tăng sĩ Phật giáo nếu không biết xây dựng một tầm vóc về Đạo lực, xây dựng một đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức với phong cách phi thế tục thì chuyện phát triển Phật giáo Việt Nam chỉ là không tưởng. Bằng cấp hay học vị thạc sĩ, tiến sĩ chưa phải là một thước đo để nói lên sự thăng hoa trong đời sống tâm linh. Người con Phật luôn bảo vệ Đạo Pháp bằng chính công hạnh tu tập của mình, không bao giờ mượn hoạt động chính trị để làm phương tiện đạt được. Hơn nữa, các vị Tôn túc trong Giáo hội cũng nên tạo điều kiện cho các thế hệ Tăng Ni trẻ được đóng góp sức mình trong việc quản lý tổ chức, đừng giết chết một thế hệ trẻ khi bắt họ học xong phải về vườn ở am, ở cốc ẩn tu hay hoạt động các chương trình Hoằng pháp bởi những phong trào tự phát mà chưa được sự quan tâm đúng mức. Hoặc những vị có khả năng thì lại thích hoằng pháp ở thành phố hơn là về các vùng quê nghèo. Nói cho đúng hiện giờ khoảng bao nhiêu vị dấn thân đến các vùng sâu vùng xa để hỏi thăm đời sống hiện tại của bà con dân tộc thiểu số, được khoảng bao nhiêu phần trăm người dân tộc theo đạo Phật. Hay trong những đợt pháp nạn của Phật giáo, trong khi chưa nhận được sự quan tâm của Giáo hội thì tôn giáo bạn đã ra tay nghĩa hiệp nhảy vào cứu giúp. Phải chăng đó chẳng phải là tạo điều kiện cho bà con Phật tử cải đạo hay sao? Quý vị nên nhớ rằng: đạo Phật ra đời là để phụng sự cho ai? Có phải phụng sự con người hay không? Vậy nếu rời khỏi con người thì đạo Phật đã mất đi sứ mạng của mình. Nếu quý vị đã ý thức được hai chữ “Phật tử” hay những vị đang đứng trong hàng ngũ Tăng già thì chúng ta càng phải sớm nhận ra trách nhiệm của chính mình trước sự tồn vong của Đạo Pháp. Đừng để đến một ngày nào đó đạo Phật bị xem như đã vắng bóng trong cuộc đời và người dân khi thấy quý Thầy thì lại sợ vì liên tưởng đến đám ma để rồi Tăng sĩ Phật giáo chỉ luôn được xem là những ông thầy cúng thì đúng thật quá hổ thẹn với chư Tổ, với liệt tổ liệt tông.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, thật sự quý Ôn trong Giáo hội cũng đã rất cố gắng để phát triển Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên trong đó vẫn còn không ít con sâu làm rầu nồi canh đó là những con sâu của chiếc ghế danh vọng và địa vị còn những bậc chân tu chán cảnh bon chen thì hầu như đã lui về quy ẩn ở non cao âm thầm bên ngọn đèn dịch kinh, viết sách. Vậy chính lúc này đây những vị học Tăng, học Ni trẻ cần phải mạnh mẽ hơn nữa để cùng khơi dậy những trái tim thiện nguyện đứng lên xây dựng một đạo Phật phát triển về tâm linh, về nội dung. Phật giáo Việt Nam cần quý vị. Hãy là những người con đại diện cho lòng từ bi và trí tuệ nguyện đi khắp muôn nơi đem ánh sáng Phật pháp xé tan màn vô minh. Hãy là những người con thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của trái tim những thế hệ trẻ đang còn thoi thóp bởi những thế lực xung quanh đè nén họ. Đừng biến giáo lý Phật Đà trở thành giáo lý suông, huyền bí và khó hiểu mà quý vị hãy thể hiện mình là kết quả của sự thực hành giáo lý của Đức Phật vào bản thân cuộc đời.
Và ngày hôm nay, hiểm nạn cải đạo cũng là trách nhiệm mà mỗi người Thích tử cần phải sớm nhận thức và kiên quyết hành động. Giờ là lúc chúng ta ngồi lại để chung tay cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam chứ không phải để trách tội ai. Hãy làm sống dậy tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần ngay giữa thế kỷ XXI hiện đại này, đừng quá lạm dụng chữ “tùy duyên” để rồi nay mai đạo Phật chỉ có thể đứng bên cạnh cuộc đời chứ không thể đi vào cuộc đời. Người con Phật cần phải thoát khỏi địa vị phàm phu nguyện đi vào cuộc đời bằng hạnh nguyện của một vị Bồ tát, bằng tinh thần Vô ưu, Vô úy, bằng tâm Đại từ, Đại bi bảo bọc chúng sanh và làm lợi ích cho cuộc đời này, xây dựng các trung tâm tu học mang tính “Lục hòa cộng trụ” thì mới xứng đáng vai trò của người Thích tử đối với nhân sinh. “Thời nhà Trần, nói đến Phật giáo là nói đến dân tộc, nói đến dân tộc là nói đến Phật giáo”. Hai triều đại Lý – Trần đã hình thành nên một nền “đức trị”, nền chính trị và luật pháp được xây dựng trên cơ sở đạo đức, những hạt giống từ bi sẽ hình thành trong mỗi con người. Đó thật sự là một triều đại đã xây dựng nên một nền chính trị bằng lòng từ bi và trí tuệ. Có thể khẳng định một điều rằng văn hoá Phật giáo luôn gắn liền với văn hoá dân tộc. Lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất qua từng giai đoạn dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Do vậy, việc cải đạo chính là đã tiếp nhận văn hóa ngoại bang vào văn hóa dân tộc làm hoen ố đi giá trị nền văn hóa của một đất nước có 4000 năm văn hiến. Cứ nhìn vào sự phát triển đạo đức của con người bây giờ là chúng ta có thể thấy, cả một chiều hướng suy vi, giới trẻ vẫn chưa tập cho mình có một cái nhìn sâu trong cuộc sống, sống hời hợt, sống vội và … chết vội, những vụ án giết người dã man vẫn còn nhan nhản khắp đây đó, tham nhũng thì vẫn chưa có gì là cải thiện theo chiều hướng tích cực, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thái quá, trái đất ngày một nóng lên. Môi trường ô nhiễm. Do đâu? Đạo đức con người đã bị nhiễm ô! Mà chưa hết, môi trường trong chốn Thiền môn cũng đã bị ô nhiễm, ô nhiễm một cách trầm trọng bởi cái cặn bã lợi danh của thế  tục. Xin một lần nữa được nhắc lại lời của Hoà thượng Thích Trí Quảng “Nếu tách rời văn hoá Phật giáo thì khó có cơ hội để bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc”, “Sự gắn kết mật thiết này đã hoà quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của tổ tiên với tinh thần từ bi, trí tuệ, vị tha, vô ngã của đạo Phật”. Vì vậy, bảo vệ văn hóa Phật giáo chính là bảo vệ văn hóa dân tộc, tinh thần đạo Phật không bao giờ lôi kéo bất cứ một ai  mà chỉ luôn che chở, bảo bọc và đem lại lợi ích cho chúng sanh. Chống lại hiểm nạn cải đạo cũng chính chống lại một cuộc chiến tranh sẽ diễn ra giữa nền văn hóa các dân tộc, chống lại hiểm nạn cải đạo không phải nhằm để tôn vinh một đạo Phật lên hàng ngũ độc tôn mà chính là đem lại nguồn hạnh phúc cho nhân loại này để tất cả mỗi chúng ta cùng đi trên con đường của tình thương và sự hiểu biết. Cuộc sống của con người tràn ngập tình yêu thương và làm việc bằng ánh sáng của trí tuệ. Trái đất này mãi một màu xanh, không còn ngập chìm trong sự hận thù và đau khổ. Phật giáo không phải là một tôn giáo như ai đó thường nghĩ mà ở đó là cả một kho tàng triết lý sống mà nhân loại này cần phải khám phá và tu học.
Đạo Pháp còn đọa đày, lắm đau thương, bóng vô minh che phủ dấu chân thường, ngàn vạn lời tha thiết gửi đến cho những người con Phật mến yêu. Nếu quý vị là Phật tử, xin hãy sống trọn với ý nghĩa hai chữ “Phật tử” chung sức bảo vệ Đạo Pháp. Nếu quý vị là những bậc Tăng sĩ, xin hãy là những bậc đại trượng phu với niềm tin và nghị lực vững chắc. Hãy là một Vạn Hạnh thiền sư, một Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giữa thế kỷ hiện đại nhưng cũng đầy ô nhiễm này. Và cũng xin được học theo hạnh HT. Thích Thanh Từ - cả một cuộc đời sống cho Đạo Pháp và Dân Tộc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một ông thầy tu Việt Nam được cả thế giới biết đến và kính phục, HT. Thích Minh Châu – cả một cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ Tăng tài cho Giáo hội và Đất nước. Còn nhiều và rất nhiều các vị chư Tôn túc khác, quý Ngài luôn là một tấm gương sáng chói cho đàn hậu học chúng con noi theo.
Lịch sử từ ngàn xưa đến ngàn sau, Phật giáo Việt Nam  vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và văn hoá Phật giáo luôn gắn kết cùng văn hoá dân tộc Việt Nam. Cải đạo chính là đang chống là văn hóa dân tộc. Trách nhiệm này mỗi chúng ta cần phải nhận thức và cương quyết hành động.

TỊNH HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét